Cổ đông bỏ quên nhiều vấn đề nhạy cảm tại doanh nghiệp

Cổ đông bỏ quên nhiều vấn đề nhạy cảm tại doanh nghiệp

(ĐTCK) Dường như đã quá quen với việc DN thua lỗ và thị trường trầm lắng, nên sự sôi động của TTCK từ cuối năm 2013 trở lại đây khiến nhiều NĐT phấn chấn vì có lãi. 

Tâm thế tham dự ĐHCĐ của cả NĐT tổ chức cũng như cá nhân năm nay cũng vì thế mà “dễ tính” hơn khi chỉ quan tâm đến kế hoạch lợi nhuận, doanh thu và cổ tức, mà không quá soi xét các nội dung khác như trích quỹ khen thưởng phúc lợi, lương thưởng HĐQT, hay các nội dung mà HĐQT xin ủy quyền… như các năm trước.

ĐHCĐ của CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) đã dễ dàng thông qua nội dung khá lạ là: “ủy quyền cho HĐQT chủ động xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2014 (nếu có) cho phù hợp với tình hình thực tế và thông báo đến các cổ đông kế hoạch điều chỉnh qua website của Công ty”.

Thông thường, khi điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, HĐQT phải xin ý kiến cổ đông bằng việc triệu tập Đại hội hoặc bằng văn bản, giúp cổ đông tiếp cận thông tin kịp thời. Việc ĐHCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định xem ra đã trao cho HĐQT đặc quyền khá lớn, trong khi cổ đông không thể ngày nào cũng truy cập website của công ty để biết khi nào công ty thay đổi kế hoạch.

Về cơ bản, việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là giảm lợi nhuận thường là việc đã rồi và khi không thể khắc phục. Vậy việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với kết quả đạt được vào phút chót có còn là việc cần thiết?

Tại ĐHCĐ của TLH, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT lý giải nội dung ủy quyền này là để HĐQT không phải xin ý kiến cổ đông bằng văn bản, “dành thời gian làm việc khác”, đồng thời cam kết với cổ đông sẽ không làm mất vốn của Công ty, nếu mất vốn, cá nhân ông sẽ bỏ tiền túi ra đền. Có lẽ vì cam kết này nên Đại hội đã đồng ý 100% với nội dung ủy quyền này.

Một điểm dễ bị cổ đông “soi” trong các mùa đại hội trước là tỷ lệ trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi của DN, nay cũng dễ dàng được thông qua. Tỷ lệ trích quỹ khen thưởng phúc lợi của DPM năm nay được trình là l2% lợi nhuận sau thuế so với tỷ lệ 6% của năm ngoái được thông qua dễ dàng khi cổ đông hài lòng với tỷ lệ cổ tức tăng cao. Tỷ lệ này đối với IMP và Y tế Domesco lên tới 14% và 15% trong khi nhiều công ty khác chỉ trích lập từ 4 - 7%.

Là DN bất động sản, với kế hoạch lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng trong năm 2014, nhưng ĐHCĐ Công ty Vạn Phát Hưng cũng cho HĐQT hưởng cơ chế khá “thoáng”. Cụ thể, nếu đạt dưới 80% kế hoạch lợi nhuận không được hưởng thù lao; đạt từ 80 - 100% kế hoạch được hưởng 2% tổng LNST bằng tiền mặt, hưởng 2% trên tổng LNST bằng cổ phiếu. Nếu hoàn thành vượt kế hoạch thì tỷ lệ nêu trên là 3% lợi nhuận vượt. Như vậy, tính chung phần thù lao cho HĐQT nếu hoàn thành kế hoạch đã gần bằng quỹ khen thưởng phúc lợi là 5%.

Phải chăng cổ đông đang hài lòng với lợi nhuận kiếm được trên thị trường mà quên đi các vấn đề về quản trị, các nội dung khác mà Ban lãnh đạo cần giải trình tại Đại hội? Phải chăng NĐT chủ yếu là lướt sóng nên không quan tâm quá chi tiết đến các nội dung khác ngoài yếu tố lợi nhuận là bao nhiêu và cổ đông còn lại bao nhiêu sau khi trích lập các quỹ? Những câu hỏi này cần đặt ra khi nhiều ĐHCĐ sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Tin bài liên quan