Cơ hội từ hiệp định lịch sử

Thỏa thuận lịch sử về hiệp định thương mại tự do quy mô bậc nhất thế giới - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – nấc thang mới của hội nhập, sẽ mang lại những cơ hội chưa từng có cho nền kinh tế Việt Nam, song điều quan trọng là làm sao để tận dụng được những cơ hội đó.

Với lợi thế về ổn định chính trị, giá nhân công rẻ, tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn..., các nhà đầu tư toàn cầu sẽ đổ dồn về Việt Nam thiết lập cơ sở sản xuất mới

Với lợi thế về ổn định chính trị, giá nhân công rẻ, tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn..., các nhà đầu tư toàn cầu sẽ đổ dồn về Việt Nam thiết lập cơ sở sản xuất mới

Điều này trên thực tế đã được nhắc tới từ lâu, khi 12 quốc gia thành viên bắt đầu tham gia đàm phán TPP từ cách đây 5 năm (tháng 3/2010). Thậm chí, Việt Nam còn được coi là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi TPP được hình thành.

Hưởng lợi vì với TPP, một không gian kinh tế mới sẽ được mở ra cho Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế đang bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mới, sau 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới với nhiều động lực cho tăng trưởng trong giai đoạn tới đã “tới hạn”.

Với 12 quốc gia thành viên (gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam), sau khi được thông qua, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.

Đương nhiên, trong không gian kinh tế rộng lớn đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển thương mại khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ. Cũng có nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư, bởi với lợi thế về ổn định chính trị, giá nhân công rẻ, tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn..., các nhà đầu tư toàn cầu sẽ đổ dồn về Việt Nam thiết lập cơ sở sản xuất mới nhằm tận dụng cơ hội do TPP mang lại.

Bằng chứng rõ nét nhất, là 5 năm qua, đặc biệt là từ khi đàm phán TPP vào chặng đua nước rút, với nhiều nội dung nhanh chóng đạt được thỏa thuận của 12 quốc gia thành viên, đã có một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, đổ vào Việt Nam.

Song điều quan trọng, TPP không phải là một hiệp định thương mại tự do thông thường, chỉ mang lại những cơ hội cho thương mại và đầu tư. Một “luật chơi” mới sẽ được mở ra, bởi TPP đề cập hàng loạt vấn đề, từ quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư nước ngoài, đến tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp…

Để có thể tham gia luật chơi chung đó, không có cách nào khác, giống như 8 năm trước gia nhập WTO, Việt Nam buộc phải thay đổi. Thay đổi cách hoạch định chính sách và giám sát thị trường. Thay đổi “luật chơi” giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Thay đổi cách thức kinh doanh để làm sao tiếp cận chuẩn mực toàn cầu… Tựu trung, là cải cách thể chế kinh tế theo hướng kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại hơn, con đường mà Việt Nam đang đeo đuổi.

Đó là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho Việt Nam. Bởi vậy, không ngoa khi khẳng định, TPP sẽ mang lại cơ hội cực kỳ to lớn cho Việt Nam, không chỉ là thay đổi về lượng mà còn về chất, bao gồm cả cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thậm chí là cơ hội để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng…

Nhưng cơ hội đó mới chỉ là trên lý thuyết. Thách thức vẫn đan xen. Để tận dụng được nó cần một sự nỗ lực to lớn, từ cơ quan hoạch định chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí là của toàn nền kinh tế. Nếu không, lại thành “gậy ông đập lưng ông”, Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro và mất mát, không chỉ không tận dụng được cơ hội do TPP mang lại, mà còn là mất cả sân nhà. Bài học WTO vẫn còn nguyên giá trị.

Trong bối cảnh ấy, cũng cần nhắc thêm một điều rằng, dù TPP là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất toàn cầu, nhưng ngoài TPP, Việt Nam đang và sẽ tham gia nhiều hiệp định thương mại khác với Hàn Quốc, EU, với Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan… Cuối năm nay, còn là Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cũng với rất nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Chấp nhận cuộc chơi chung là điều hiển nhiên, buộc phải làm trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện như hiện nay. Tất cả đang phụ thuộc vào sự sẵn sàng của Việt Nam!.

Tin bài liên quan