Cổ phiếu bất động sản còn dậy sóng?

Cổ phiếu bất động sản còn dậy sóng?

(ĐTCK) Nếu hai đầu tàu ITA và KBC “nóng “ trở lại thì rất có thể sóng sẽ lan rộng sang các cổ phiếu khác nữa.

Giá của hầu hết cổ phiếu bất động sản thị giá nhỏ đã điều chỉnh giảm khá sâu trong tuần vừa qua. Điều này phản ảnh sự thất vọng của nhà đầu tư khi các công ty bất động sản chưa tiếp cận được với chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Mặt khác, sự giảm giá quá đà do ảnh hưởng của hiện tượng bán giải chấp đã khiến cổ phiếu nhóm ngành bất động sản lại trở về mặt bằng giá hấp dẫn như trước, nhất là với những công ty đã thực hiện được tái cơ cấu trong năm trước.

Cách đây 1 tháng, những nhà đầu tư mua cổ phiếu của Công ty Tư vấn -Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) ở mức giá hơn 5.000 đồng/CP đã kỳ vọng cổ phiếu của công ty này sẽ tăng trở lại mệnh giá. Điểm sáng ở HQC là Công ty đã giảm được phần lớn khoản vay nợ trong năm trước và bắt đầu tham gia hợp tác kinh doanh một số dự án bất động sản giá bình dân để phát huy sở trường truyền thống của mình là môi giới, phân phối bất động sản, chứ không chỉ đầu tư.

Cổ phiếu bất động sản còn dậy sóng? ảnh 1

Sự giảm giá quá đà khiến cổ phiếu BĐS về lại mặt bằng giá hấp dẫn

Nhưng chỉ 1 tuần qua, giá cổ phiếu HQC lại giảm về mặt bằng giá cũ là trên 5.000 đồng/CP khi nhà đầu tư không ngần ngại bán sàn. Lực mua giá sàn của HQC khá tốt, nhưng không đủ để cản đà giảm giá. Cổ phiếu PTL của CTCP Đầu tư và hạ tầng đô thị Dầu khí cũng cùng chung kịch bản khi giá giảm về 3.300 đồng/CP sau khi chạm mốc 4.300 đồng/CP. Trong khi tình hình tài chính ở PTL vẫn tiếp tục được cải thiện nhờ việc bán tài sản và bàn giao dự án chung cư PTL tại quận 2 (TP. HCM). Đại diện PTL cho biết, với số vốn 1.000 tỷ đồng, đến nay, Công ty chưa làm mất một đồng vốn của cổ đông.

Lý giải cho diễn biến giá cổ phiếu bất động sản, một nhà đầu tư lâu năm trên sàn chứng khoán SSI cho rằng, mặt bằng giá cổ phiếu bất động sản thị giá thấp thường được so sánh với ITA và KBC, là hai cổ phiếu nóng. Hai cổ phiếu này sau khi được đánh lên bằng mệnh giá, đã bị áp lực bán giải chấp nên giảm 30 - 40%. Khi cổ phiếu nóng giảm giá thì những cổ phiếu không thuộc hàng nóng cũng không còn giữ chân được dòng tiền ở lại. Đối với ITA và KBC, giới đầu tư vẫn hy vọng rằng, tin tức quý I sẽ nâng đỡ, tiếp tục tạo sóng cho giá cổ phiếu này.

Một cổ phiếu đáng lưu ý là LCG của CTCP Licogi 16, bị CTCK Vietcombank loại khỏi danh sách cho vay margin. LCG cũng là một trong những cổ phiếu bất động sản thị giá thấp được rất nhiều người quan tâm đầu tư cũng như lướt sóng. Có một điểm đối với cổ phiếu này mà nhà đầu tư cần lưu ý là ĐHCĐ thường niên năm trước, một thành viên HĐQT là đại diện cho một tổ chức đầu tư không tham dự đại hội nhưng vẫn được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ mới. Điều này đặt ra câu hỏi LCG có thể xây dựng được chiến lược tái cơ cấu hiệu quả thích hợp với điều kiện mới hay không? Việc LCG giảm giá mạnh đã  ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung của nhóm cổ phiếu bất động sản thị giá thấp.

Một điểm khác đáng chú ý  là ở chỗ trong công bố danh mục margin điều chỉnh của CTCK Vietcombank, giới truyền thông chỉ quan tâm vào 2 cổ phiếu bị loại mà không chú ý trong danh sách 30 cổ phiếu được bổ sung vào danh mục margin, có không ít mã bất động sản như TDH, DXG, SCR, VIC và kể cả CLG… Điều này cho thấy sự lạc quan hơn với cổ phiếu bất động sản của CTCK này.

Bình luận về mức giảm giá của thị trường hiện nay, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC cho rằng, về giá thì nhiều cổ phiếu đã lùi về vùng giá đáng đầu tư. Hoạt động giải chấp thời gian qua cũng đã sắp kết thúc. Vấn đề là niềm tin có trở lại thị trường hay không, vì nhà đầu tư vẫn còn nghi ngờ về dòng tiền có khả năng đẩy thị trường đi lên. Trong tâm lý bi quan về việc “không bắt dao rơi”, CTCK SSI hôm qua đã kiến nghị: nhà đầu tư trung hạn có thể xem xét mua, còn nhà đầu tư lướt sóng nên chờ những tín hiệu rõ ràng hơn.

Xét riêng nhóm cổ phiếu bất động sản, nếu hai đầu tàu ITA và KBC “nóng “ trở lại thì rất có thể sóng sẽ lan rộng sang các cổ phiếu khác nữa.