Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/3

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/3

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 11/3 của các công ty chứng khoán.

HPG sẽ tiếp cận trở lại khu vực 23.5-24

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát thời gian vừa qua đã ở trong trạng thái giảm giá ngắn hạn theo xu hướng chung của thị trường sau Tết Nguyên Đán.

Thanh khoản cổ phiếu thời gian gần đây vẫn giữ giá trị tốt và ổn định. Hôm nay, lực cầu bắt đáy tăng cao đã đẩy HPG tăng gần 4% và góp công giúp VN-Index lội ngược dòng tăng nhẹ vào cuối phiên.

Các chỉ báo kỹ thuật đa số vẫn đang ở trong trạng thái tiêu cực. Chỉ báo động lượng RSI vừa thoát khỏi vùng quá bán cho thấy cổ phiếu có thể hồi phục nhẹ trong những phiên tới.

Theo đánh giá của chúng tôi, vùng giá xung quanh 21 là ngưỡng hỗ trợ vững của cổ phiếu, do đó, nếu duy trì được động lực tăng giá, HPG tiềm năng sẽ tiếp cận trở lại khu vực 23.5-24.

Khuyến nghị mua dành cho CII với giá mục tiêu 27.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Các nguồn tin truyền thông cho biết tiến độ của dự án Trung Lương - Mỹ Thuận đã được Thủ tướng kiểm tra vào ngày 08/03/2020. Theo báo cáo từ nhà đầu tư của dự án này (CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận), 35% khối lượng công trình đã được hoàn thành trong khi tỉnh Tiền Giang đã thực hiện 100% công tác giải phóng mặt bằng cho dự án này.

Ngoài ra, các khoản vay ngân hàng được kỳ vọng sẽ giải ngân trong tháng này. Tỉnh Tiền Giang cũng được chỉ đạo hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết tình trạng thiết hụt cát xây dựng do tình hình xâm nhập mặn.

Theo CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, ban lãnh đạo kỳ vọng dự án này sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2020 và khánh thành trong quý 2/2021. Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chi phí đầu tư đạt 12 nghìn tỷ đồng, theo báo cáo cập nhật gần nhất của UBND tỉnh Tiền Giang. Cao tốc này có tổng chiều dài 51 km và sẽ kết nối TP.HCM với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thông tin này củng cố kỳ vọng của chúng tôi về thời gian thực hiện dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, được chúng tôi giả định sẽ bắt đầu thu phí trong quý 2/2021 và trở thành nguồn đóng góp chính cho lợi nhuận và dòng tiền mặt của CII trong trung hạn.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho CII với giá mục tiêu 27.200 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 44,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 15,2%.

Khuyến nghị phù hợp FRT với giá mục tiêu 20.900 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

FRT thông báo bổ nhiệm ông Hoàng Trung Kiên làm CEO mới thay cho bà Nguyễn Bạch Điệp, có hiệu lực từ ngày 7 tháng 3 năm 2020. Bà Điệp sẽ vẫn giữ chức Chủ tịch FRT.

Qua trao đổi của chúng tôi với FRT, mục đích của việc bổ nhiệm này là tăng cường nguồn nhân lực cho FRT, khi công ty bắt đầu đẩy nhanh việc mở rộng chuỗi nhà thuốc (Long Châu) trong khi phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong mảng điện thoại di động.

Ngoài ông Kiên, FRT gần đây đã bổ nhiệm ông Phạm Duy Hoàng Nam (Trưởng phòng Quan hệ NĐT và Kiểm soát Tài chính của Tập đoàn FPT) làm Giám đốc tài chính mới.

Ông Kiên gia nhập Tập đoàn FPT (sở hữu 46,5% FRT) vào năm 2000 và được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc của FPT Telecom năm 2012.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị phù hợp thị trường cho FRT với giá mục tiêu là 20.900 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 11,5% (bao gồm lợi suất cổ tức 5,1%).

Khuyến nghị khả quan dành cho HVN với giá mục tiêu 28.700 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị khả quan cho Tổng CT Hàng không Việt Nam (HVN), tuy nhiên, chúng tôi giảm giá mục tiêu thêm 28% còn 28.700 đồng, dẫn đến tổng mức sinh lời dự phóng đạt 19,0% (bao gồm lợi suất cổ tức 4%).

Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu phản ánh mức điều chỉnh giảm của (1) 15%/9% trong giả định sản lượng (RPK) và (2) 4%/1% trong giả định lợi suất hành khách (thước đo cho giá vé) lần lượt trong các năm 2020/2021. Đây là các yếu tố chính trong mức giảm EBITDAR và dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tcốt lõi lần lượt 50%/15% và 21%/2% trong cùng giai đoạn.

Chúng tôi cho rằng bùng phát dịch virus corona (COVID-19) sẽ có tác động lớn đến lợi nhuận trong ngắn hạn của HVN, đặc biệt là trong quý 1/2020. Tuy nhiên, trong kịch bản cơ bản của chúng tôi, chúng tôi dự báo tác động gián đoạn từ dịch COVID-19 đến ngành hàng không sẽ dần đạt đỉnh trong quý 1/2020 và quý 2/2020 sẽ dần ghi nhận sự phục hồi.

Xem thêm thông tin chi tiết về thời gian đỉnh điểm của dịch COVID-19 trong báo cáo cập nhật quý 4 của VJC. Chúng tôi cho rằng triển vọng tăng trưởng dài hạn của HVN sẽ vẫn được duy trì khi tiếp tục kỳ vọng triển vọng dài hạn của công ty sẽ vẫn được hưởng lợi từ vị thế hàng đầu trong ngành hàng không với khoảng 30%-80% thị phần của các tuyến bay trong nước và quốc tế có múc sinh lời cao, bên cạnh hoạt động kinh doanh ngoài hàng không có lợi nhuận cao.

Rủi ro: giá dầu phục hồi nhanh hơn dự kiến, đồng VND trượt giá mạnh so với USD, hạn chế công suất tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) có thể hạn chế tăng trưởng của nhiều công ty ngoài hàng không có lợi nhuận cao của HVN.

Khuyến nghị mua dành cho VHM với giá mục tiêu 111.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Vinhomes (VHM) trong khi nâng giá mục tiêu thêm 2% lên 111.000 đồng/CP, chủ yếu do số dư tiền mặt ròng cao hơn tính đến cuối 2019.

Khi doanh số bán hợp đồng và lợi nhuận 2019 phần lớn phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi, chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 đạt 24,7 nghìn tỷ đồng (+16% YoY) nhờ backlog tăng mạnh của công ty đạt 91,4 nghìn tỷ đồng tính đến cuối 2019.

Chúng tôi dự phóng tổng giá trị bán theo hợp đồng tăng 14% năm 2020 đạt 104 nghìn tỷ đồng so với mức cơ sở cao năm 2019 là 91,1 nghìn tỷ đồng (+35% YoY) và tăng 12% YoY năm 2021 – chủ yếu đến từ mở bán các dự án nhà ở, bán lẻ và bán buôn trong các dự án Vinhomes và mở bán các dự án Gallery Giảng Võ, VEFAC Mễ Trì và Dream City Hưng Yên.

Chúng tôi duy trì quan điểm rằng VHM có vị thế tốt để tận dụng câu chuyện tăng trưởng của ngành BĐS nhà ở Việt Nam trong dài hạn nhờ vị thế dẫn đầu thị trường, thị phần thống trị và các dự án đa mục đích riêng biệt.

Giá mục tiêu của chúng tôi cũng tương ứng với P/E 2020 đạt 14,7 lần – cao hơn so với mức P/E mục tiêu 12,5 lần trung vị các công ty cùng ngành của Bloomberg – nhưng được hỗ trợ bởi tăng trưởng EPS và ROE dự báo cao hơn, theo quan điểm của chúng tôi.

Yếu tố hỗ trợ: tiến độ đáng kể của quá trình thực hiện thủ tục pháp lý cho các siêu đại dự án (quy mô quỹ đất hơn 3.000 ha), bao gồm Green Hạ Long và Long Beach Cần Giờ.

Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: chu kỳ giảm của thị trường BĐS; chi phí đất và xây dựng thực tế vượt dự báo của chúng tôi.

Tin bài liên quan