Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/9

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/9

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 12/9 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu PVD với giá mục tiêu 27.100 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Trong quý 2/2022, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD – sàn HOSE ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.505 tỷ đồng (tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái), và lỗ sau thuế 74 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 43 tỷ đồng) do (1) lợi nhuận gộp giảm mạnh, thậm chí mảng dịch vụ khoan còn lỗ gộp gần 40 tỷ đồng, (2) lợi nhuận từ liên doanh liên kết giảm 61% YoY do khối lượng công việc giảm, và (3) chi phí tài chính tăng 36 tỷ đồng (+84% YoY) do lỗ tỷ giá.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của PVD đạt 2.651 tỷ đồng (tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 56% kế hoạch về doanh thu, và ghi nhận lỗ ròng 149 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 67 tỷ đồng). Trong đó, PVD đã trích lập 44 tỷ đồng nợ xấu đối với KrisEnergy (khoảng 94 tỷ đồng tính tới hết quý 3).

Quan điểm đầu tư: Hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng tăng trở lại nhờ nhu cầu được cải thiện, trong khi nguồn cung khó tăng thêm trong ngắn hạn; Giá thuê ngày giàn khoan tự nâng dự kiến tăng lên trên 70.000 USD kể từ cuối năm 2022; Chuỗi dự án Lô B – Ô Môn nếu được triển khai có thể đem lại nguồn công việc lớn cho PVD giai đoạn 2023 – 2024.

BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của PVD đạt lần lượt là 5,698 tỷ đồng (tăng 43% so với năm ngoái) và 47 tỷ đồng (tăng 28%), EPS FW = 60 đồng/CP với giả định (1) Hiệu suất hoạt động các giàn khoan tự nâng đạt mức trung bình 81%, (2) Giá cho thuê giàn khoan trung bình năm 2022 đạt 67.000 USD/ngày (tăng 30% so với năm trước), và (3) Trích lập dự phòng thêm 54 tỷ đồng phải thu từ đối tác KrisEnergy.

Năm 2023, BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PVD lần lượt đạt 6.681 tỷ đồng (tăng 17% so với năm trước) và 218 tỷ đồng (tăng 364%), EPS FW = 281 đồng/CP với giả định (1) Giá dầu trung bình năm 2023 đạt 90 USD/thùng (giảm 10% so với năm trước), (2) Hiệu suất hoạt động các giàn khoan tự nâng đạt mức trung bình 88% cho cả năm, và (3) Giá cho thuê giàn khoan trung bình năm 2022 tăng lên mức 78.000 USD/ngày (tăng 15%).

BSC thay đổi khuyến nghị đối với PVD từ theo dõi thành mua, với giá mục tiêu cho năm 2023 là 27.100 đồng CP (tương đương upside 32% so với giá đóng cửa ngày 09/09/2022 là 20.500 đồng/CP) dựa trên phương pháp P/B và EV/EBITDA với tỷ trọng là 50% - 50%.

Khuyến nghị mua cổ phiếu NT2 với giá mục tiêu 35.000 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Trong quý 2/2022, kết quả kinh doanh của CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) ghi nhận mức tăng trưởng cao với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 2.688 tỷ đồng (tăng 66,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và 365 tỷ đồng (tăng 14.6x). Sản lượng điện thương phẩm tăng trưởng trong quý 2/2022, đạt 1.184,4 triệu kWh (tăng 26,3%) nhờ vào nhu cầu tiêu thụ điện hồi phục và NT2 được tăng cường huy động để bù đắp cho nhiệt điện Cà Mau 1&2 thiếu khí vận hành.

Chúng tôi cho rằng với việc nhu cầu điện toàn quốc phục hồi, đặc biệt là khu vực miền Nam sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho các nhà máy điện tại khu vực này và cho cả NT2, do đó sản lượng nửa cuối năm 2022 và cả năm 2022 sẽ lần lượt đạt 2.031 triệu kWh (tăng 45%) và 4.205 triệu kWh (tăng 31,6%) nhờ vào nhu cầu tiếp tục hồi phục so với mức nền thấp của nửa cuối năm 2021 do giãn cách xã hội. Từ sản lượng dự phóng này, chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2022 lần lượt đạt 8.854 tỷ đồng (tăng 44% so với năm trước) và 911 tỷ đồng (tăng 71%).

Theo như ban lãnh đạo cho biết trong ĐHCĐ, NT2 kỳ vọng sẽ ghi nhận khoản đền bù tỷ giá từ EVN khoảng 236 tỷ đồng trong năm nay. Dựa trên thông tin này chúng tôi cho rằng công ty sẽ ghi nhận lần lượt 200 tỷ cho năm 2022 và 100 tỷ mỗi năm trong 2023 và 2024 trên quan điểm EVN có thể sẽ không hoàn trả hoàn toàn khoản lỗ tỷ giá như công ty kỳ vọng do gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Tổng kết lại, chúng tôi ước tính NT2 sẽ ghi nhận thêm khoảng 188 tỷ từ khoản đền bù tỷ giá này, chiếm khoảng 21% lợi nhuận sau thuế dự phóng năm 2022 của chúng tôi..

Dựa trên định giá FCFF và EV/EBITDA, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NT2. Giá mục tiêu là 35.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 28,4% so với giá tại ngày 08/09/2022.

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 24.700 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 của CTCP Thép Nam Kim (NKG) đạt lần lượt 7.206 tỷ đồng (tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái) và 201,4 tỷ đồng (giảm 76,2%). Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ. Sản lượng xuất khẩu tôn đạt 147.217 tấn (tăng 13,4%), vẫn chiếm tỷ trọng chính trong tiêu thụ thép của NKG. Bên cạnh đó, tiêu thụ tôn và ống thép trong nước giảm do nhu cầu nội địa yếu. Tổng sản lượng tiêu thụ quý 2/2022 đạt 222,4 nghìn tấn, giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ.

Giá nguyên liệu đầu vào chính của NKG là HRC đã quay đầu giảm từ tháng 5. Giá HRC Việt Nam trên thị trường giao ngay ngày 5/8 được giao dịch ở mức 605 USD/tấn, tạo áp lực cho NKG phải trích lập chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Giá bán ra của tôn và ống thép nội địa cũng giảm trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn còn yếu.

Các nhà máy sản xuất thép tại EU buộc phải giảm sản lượng hoặc đóng cửa do chi phí cho năng lượng quá cao. Nhu cầu tiêu thụ thép tuy đang yếu tại khu vực này nhưng nếu tình trạng khủng hoảng năng lượng tiếp diễn, EU cần tìm nguồn cung tốt hơn từ các quốc gia khác. NKG có thể hưởng lợi nếu cung thép nội địa của khu vực EU sụt giảm.

Chúng tôi dự phóng doanh thu NKG năm 2022 đạt 25.342 tỷ đồng (giảm 10,2% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 1.203 tỷ đồng (giảm 45,9%). Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 24.700 đồng/CP, tiềm năng tăng trưởng 10%.

Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu HT1, giá mục tiêu 16.000 đồng/CP

CTCK SSI (SSI)

Mặc dù doanh thu tăng 5,6% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận trước thuế của Công ty cổ phần xi măng VICEM Hà Tiên (HT1 – sàn HOSE) đã giảm 45,4% xuống còn 164 tỷ đồng trong quý 2 do giá than tăng mạnh.

Chúng tôi dự báo giá than tăng sẽ tạo thêm áp lực lên biên lợi nhuận của công ty trong 6 tháng cuối năm 2022, do các công ty xi măng sẽ khó tăng thêm giá xi măng, trong bối cảnh nhu cầu trong nước suy yếu và thị trường xuất khẩu trì trệ.

Theo đó, chúng tôi dự báo doanh thu năm 2022 của HT1 sẽ tăng 20,6% so với cùng kỳ lên 8,5 nghìn tỷ đồng, nhờ sản lượng tiêu thụ xi măng phục hồi 8%, nhưng lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng giảm 28% so với cùng kỳ xuống 379 tỷ đồng.

Chúng tôi cho rằng lợi nhuận của HT1 sẽ chạm đáy vào năm 2022 và hồi phục trở lại lên mức 527 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ) vào năm 2023, nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 5% và giả định giá than sẽ giảm 5% từ mức đỉnh năm 2022.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu HT1, với giá mục tiêu 1 năm là 16.000 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu trong ngắn hạn có thể được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 70% trong 6 tháng đầu năm 2022 so với mức so sánh thấp trong 6 tháng đầu năm 2021. Chúng tôi dự đoán sẽ có thêm nhiều yếu tố hỗ trợ vào năm 2023 như khả năng giá than giảm, hoặc tăng tốc giải ngân đầu tư công.

Tin bài liên quan