Hàng không là một trong những ngành được dự báo tăng trưởng cao trong quý III/2022.

Hàng không là một trong những ngành được dự báo tăng trưởng cao trong quý III/2022.

Hé lộ bức tranh lợi nhuận quý III của doanh nghiệp niêm yết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trên nền so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận quý III/2022 của các doanh nghiệp dự báo sẽ tăng trưởng tốt. Dù vậy, niềm vui sẽ không chia đều cho các ngành.

Kỳ vọng tăng trưởng cao

Trong 6 tháng đầu năm, Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng - DIC Group (mã DIG) đạt 180 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng hơn 60% so với cùng kỳ. Dù vậy, con số này chỉ tương đương gần 10% kế hoạch cả năm.

Ông Hoàng Văn Tăng, Tổng giám đốc DIC Corp cho biết, nửa đầu năm là giai đoạn thấp điểm của doanh nghiệp địa ốc, lợi nhuận của doanh nghiệp thường tốt hơn trong 2 quý cuối năm, đặc biệt là quý IV.

“Hiện chúng tôi đang mở bán các dự án đã hoàn tất thủ tục pháp lý. Riêng trong quý III, chúng tôi tập trung bán dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh và Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên”, ông Tăng nói.

Lãnh đạo DIC Corp cũng khẳng định, lợi nhuận quý III/2022 của doanh nghiệp tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Ngoài đóng góp của các dự án đang mở bán và có thể ghi nhận doanh thu ngay như Khu dân cư thương mại Vị Thanh thì Công ty có thể ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động M&A các dự án khác.

Nhóm doanh nghiệp ngành bán lẻ cũng được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trong quý III/2022. Tăng trưởng doanh thu 6 tháng cuối năm 2022 của mảng công nghệ thông tin và điện tử gia dụng (ICT& CE) được dự báo sẽ lớn hơn mức tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, do nền cơ sở thấp trong nửa cuối năm 2021.

Có thể kể đến một số doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu máy tính xách tay trong tổng doanh thu cao như Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT - FPT Retail (mã FRT), Công ty cổ phần Thế giới số (mã DGW)…

Cụ thể, tại FPT Retail, 6 tháng đầu năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất 13.999 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ, hoàn thành 52% kế hoạch cả năm. Trong đó, doanh thu của chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt 4.008 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 263 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm 2021, hoàn thành 37% kế hoạch năm.

Theo FPT Retail, trong quý III/2022, kết quả kinh doanh dự báo vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt, nhờ chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục được mở rộng và nhu cầu mua sắm máy tính, điện thoại tăng cao trong mùa tựu trường.

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO cho biết, sau gần 3 năm ảnh hưởng của đại dịch, xu hướng tiêu dùng và thưởng thức trong mùa Tết Trung thu có sự gia tăng đáng kể, giúp lợi nhuận quý III/2022 của Công ty tăng trưởng mạnh hơn so với 2 quý đầu năm.

Năm 2022, KIDO đặt mục tiêu tung 300 tấn bánh ra thị trường nhưng đến thời điểm hiện tại, Công ty đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Lãnh đạo KIDO cũng chia sẻ, do tận dụng nguồn nguyên liệu dự trữ đã được lên kế hoạch trước đó, Công ty vẫn đảm bảo được mức giá ổn định.

Theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III này có thể đạt đỉnh ở mức 11% so với cùng kỳ, sau đó hạ nhiệt trong quý IV. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 được VNDIRECT dự báo đạt 7,1%.

Mức tăng trưởng cao này, theo bà Hiền, là nhờ 3 yếu tố: Thứ nhất, mức nền thấp trong quý III/2021 (GDP của Việt Nam trong quý III/2021 giảm 6,0% so với cùng kỳ năm 2020), do tác động của biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trên diện rộng để phòng chống dịch Covid-19;

Thứ hai, ngành dịch vụ sẽ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nhờ du lịch trong nước tiếp tục phát triển mạnh và nhu cầu trong nước phục hồi nhờ thu nhập của người dân cao hơn và thuế giá trị gia tăng giảm 2% (kéo dài đến hết năm 2022);

Thứ ba, việc thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ ethanol) hay đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói kích thích kinh tế... sẽ thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022, cũng như là yếu tố kích thích hoạt động các doanh nghiệp sôi động hơn trong giai đoạn này.

Nhiều doanh nghiệp được dự báo sẽ phục hồi mạnh so với cùng kỳ. Ngoài ra còn là câu chuyện ngành ngân hàng sẽ cấp số room còn lại, hay một số hàng hóa tăng giá đột biến do khủng hoảng nguồn cung.

Nhìn vào tác động của các yếu tố này, bà Hiền cho rằng, nhóm ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, đồ uống; viễn thông, hàng không, bất động sản khu công nghiệp; tài chính sẽ tăng trưởng tốt trong quý III.

Sẽ có sự phân hóa lớn

Theo thống kê của FiinTrade, các ngành có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng ấn tượng trong quý II/2022 bao gồm ngân hàng và các nhóm liên quan đến hoạt động xuất khẩu như thủy sản (tăng trưởng 232%), hóa chất (tăng trưởng 316,9%), phân bón (tăng trưởng 203,1%) và may mặc (tăng trưởng 43,4%).

Ngoài ra, các nhóm ngành hưởng lợi từ sự hồi phục về cầu như hàng cá nhân, điện và dầu khí cũng đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung này. Những nhóm ngành này tiếp tục được dự báo sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt trong quý III/2022.

Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân 25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, với tỷ trọng 40% về lợi nhuận sau thuế và 28% về vốn hóa, khối ngân hàng đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.

Dự báo được FiinTrade đưa ra, nhìn chung, kết quả kinh doanh sẽ cải thiện ở hầu hết các ngành nhờ mặt bằng lợi nhuận thấp cùng kỳ. Một số ngành có mức cải thiện ấn tượng như ngân hàng, bán lẻ, tiện ích, công nghệ thông tin, ô tô và phụ tùng.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Agribank nhận định, một số ngành sẽ có triển vọng tăng trưởng cao trong quý III gồm bán buôn - bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ không thiết yếu (trang sức, đồ điện tử…) do giãn cách xã hội khiến phần lớn các cửa hàng phải đóng cửa, tạo ra mức nền thấp về lợi nhuận trong quý III/2021; nhóm xây dựng, khi tiến độ thi công quý III/2021 bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm đáng kể, thậm chí thua lỗ, ngoại trừ nhóm thi công điện gió (do thời hạn hưởng giá ưu đãi FIT là 31/10/2021, nên các doanh nghiệp thi công điện gió phải đẩy nhanh tiến độ dự án); nhóm hàng không, du lịch, khách sạn, do quý III năm ngoái nhu cầu du lịch suy giảm mạnh vì giãn cách xã hội, còn quý III năm nay, chúng ta đang chứng kiến sự quá tải tại nhiều nơi, đặc biệt vào những dịp cuối tuần, ngày lễ.

Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành có triển vọng kém khả quan, bao gồm nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt các nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU cao như dệt may, thủy sản, gỗ.

Dù kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng trưởng tốt, nhưng lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế lớn tại các thị trường xuất khẩu chính tiềm ẩn rủi ro sụt giảm đơn hàng và sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nửa cuối năm.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành nghề kể trên cũng ghi nhận tình trạng giảm đơn hàng nhập khẩu từ các quốc gia này. Bên cạnh đó, tình hình tỷ giá hiện đang không hỗ trợ cho xuất khẩu khi VND lên giá so với EUR, JPY.

Với nhóm bất động sản, khó khăn đến từ áp lực thanh toán gốc lãi trái phiếu doanh nghiệp tương đối lớn trong các năm tới. Theo thống kê của FiinGroup, giá trị phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn 2020 - 2021 lên tới trên 1 triệu tỷ đồng.

Điều này sẽ tạo áp lực dòng tiền thanh toán cho các doanh nghiệp bất động sản trong các năm tới.

Trong khi đó, tốc độ tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đang có dấu hiệu chững lại khi giá bán tăng cao cũng như các chính sách của Chính phủ để phát triển bền vững thị trường.

Trong khi đó, các ngành có mức độ cạnh tranh cao trong khi phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Các nhóm này thường sẽ không dễ dàng tăng giá bán do là hàng không thiết yếu cũng như cạnh tranh về giá gay gắt, ngược lại chịu tổn thương khi giá đầu vào tăng cao (tỷ giá USD/VND đang tăng) làm thu hẹp biên lợi nhuận.

Tin bài liên quan