Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/6

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/6

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/6 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu POW với giá mục tiêu 17.000 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (POW – sàn HOSE) trong quý I/2022 lần lượt đạt 7.061 tỷ đồng (giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái) và 803 tỷ đồng (tăng 42%), do: (1) lượng điện thương phẩm giảm (giảm 21%) tại các nhà máy Cà Mau 1&2 (giảm 37%) và Vũng Áng 1 (giảm 33%), tuy vậy (2) giá vốn giảm mạnh bởi chi phí khác giảm mạnh (giảm 49%), khiến LNG tăng (17%).

Quan điểm đầu tư: Lượng điện huy động của POW khả quan trong trung hạn nhờ nhu cầu tiêu thụ điện hồi phục trong 2022 (dự kiến sẽ tăng 10%). Thêm vào đó, giá điện CGM được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tại mức cao (tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 3/2022).

BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của POW trong năm 2022 lần lượt đạt 28.413 tỷ đồng (tăng 15,7% so với năm ngoái) và 2.539 tỷ đồng (tăng 24,9%) với giả định: (1) giá CGM tiếp tục được neo mức cao 20%, (2) lượng điện huy động của mảng nhiệt điện khí phục hồi mạnh 62%, (3) lượng điện sản xuất của mảng thủy điện tăng 20.0% nhờ tình hình thủy văn vẫn khả quan.

BSC khuyến nghị mua cổ phiếu POW với giá mục tiêu 17.000 đồng/CP cho năm 2022, tương đương với upside 13,3%so với giá ngày 10/06/2022 dựa trên phương pháp định giá từng phần (SOTP), trong đó EV/EBITDA trung bình của các mảng điện khí, điện than và thủy điện lần lượt là 6.0x, 6.0x và 8.0x.

Định giá của các ngân hàng về mức rất hấp dẫn

CTCK VNDirect (VND)

Việc thị trường điều chỉnh gần đây đã đưa định giá ngành ngân hàng xuống 1,46 lần P/BV dự phóng năm 2022, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 3 năm là 2 lần.

Ngành ngân hàng đã phải đối mặt với không ít khó khăn do lo ngại về lạm phát, NIM thu hẹp và nợ xấu gia tăng khi Thông tư 14 kết thúc. Hơn nữa, tâm lý dè chừng đối với cổ phiếu ngân hàng còn đến từ việc Chính phủ có những động thái quản lý và giám sát chặt chẽ hơn đối với thị trường vốn và bất động sản, dù việc này sẽ giúp cải thiện tính minh bạch và bền vững của thị trường trong dài hạn.

Tuy vậy, những sự kiện nói trên sẽ không đem lại hệ quả nghiêm trọng lên toàn ngành và chúng tôi tự tin rằng ngân hàng sẽ có thể vượt qua rủi ro chất lượng tài sản nhờ vào bộ đệm dự phòng dày dặn và sự kiểm soát chặt chẽ khi giải ngân vào phân khúc bất động sản có rủi ro cao; và đợt bán tháo ồ ạt trên thị trường vừa qua đã đưa định giá của các ngân hàng về mức rất hấp dẫn.

Chúng tôi ưa thích VPB, HDB và TCB dựa trên những câu chuyện riêng của mỗi ngân hàng bên cạnh nền tảng cơ bản vững chắc.

Khuyến nghị khả quan dành cho ACG với giá mục tiêu 88.8000 đồng/CP

CTCK VNDirect (VND)

CTCP Gỗ An Cường (mã ACG) công bố doanh thu 4 tháng đầu năm 2022 là 1.187 tỷ đồng (tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận ròng 168 tỷ đồng (tăng 22,3%), hoàn thành 26,2%/28,7% dự phóng cả năm của chúng tôi.

ACG đã góp vốn 500 tỷ đồng vào Thắng Lợi Group (nắm giữ 13% cổ phần). ACG sẽ cung cấp toàn bộ sản phẩm gỗ nội thất cho các dự án bất động sản của Thắng Lợi Group. Theo ban lãnh đạo, việc góp vốn vào Thắng Lợi Group có thể mang lại cho ACG 100 tỷ đồng lợi nhuận ròng mỗi năm.

Bên cạnh đó, ACG có kế hoạch phủ sóng các showroom AConcept và Malloca tại 53 tỉnh thành vào năm 2023 (23 tỉnh vào năm 2022); Kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất MDF bị hoãn lại do rủi ro pháp lý và tình trạng dư cung trên thị trường nội địa.

Ban lãnh đạo ACG kỳ vọng nhà máy tại Khu công nghiệp Đất Quốc, Bình Dương sẽ chạy 100% công suất vào năm 2024 và có thể vượt công suất thiết kế trong năm 2025, tương tự như việc ACG vận hành nhà máy đầu tiên với công suất 140% trước khi nhà máy thứ hai được vận hành.

Xuất khẩu đang có nhiều dư địa để tăng trưởng. ACG có kế hoạch mở rộng doanh thu xuất khẩu hàng năm từ 30 triệu USD hiện tại lên 50 triệu USD vào năm 2024. Ngoài xuất khẩu cho khách hàng, ACG có kế hoạch làm việc với các đối tác nước ngoài (bao gồm Sumitomo - cổ đông chiến lược) để bán lẻ đồ nội thất cao cấp tại thị trường Mỹ. ACG không có kế hoạch tham gia vào thị trường ASEAN, nơi có các đối thủ cạnh tranh lớn.

Chính sách cổ tức ACG thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 80%. Trong đó, đã trả cổ tức bằng cổ phiếu 50% và công ty cũng tạm ứng cổ tức bằng tiền tỷ lệ 5%. ACG dự kiến chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20% (theo vốn điều lệ mới) ngay trong tháng 7/2022.

Với triển vọng ngắn hạn và dài hạn tích cực, chúng tôi đưa ra khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu ACG với giá mục tiêu 88.8000 đồng/CP.

Tin bài liên quan