Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/3

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/3

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 20/3 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu MBB, giá mục tiêu 24.700 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Thu nhập lãi thuần quý IV/2022 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB – sàn HOSE) đạt 9.630 tỷ đồng, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngoài lãi giảm 28,1% đã khiến tổng thu nhập hoạt động tăng khoảng 16,2%, đạt 11.751 tỷ đồng. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt khi chỉ tăng nhẹ 4,8%. MBB đã trích lập tới 3.585 tỷ đồng chi phí dự phòng chỉ trong quý 4 (tăng 78,3%). Lợi nhuận trước thuế đạt 4,538 tỷ đồng (giảm 27,9% so với quý trước và giảm 2,3% so với cùng kỳ). Lợi nhuận trước thuế lũy kế cả năm tăng 37,5% so với năm trước, đạt 22.731 tỷ đồng – vượt 12% kế hoạch năm.

Lợi suất tài sản bình quân quý 4 tăng 1.8 điểm % nhờ cải thiện mạnh mẽ trong lợi suất từ cho vay khách hàng. Trong khi chi phí vốn bình quân chỉ tăng khoảng 1,03 điểm % nhờ (1) Tỷ lệ CASA đứng đầu ngành; (2) Bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn qua kênh giấy tờ có giá trước khi lãi suất tăng cao. NIM quý 4 ổn định ở mức 5,87%. Tính chung cả năm NIM tăng 0.16 điểm %, đạt 5,67%.

Tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 đạt 25,2% phù hợp với room 26% được giao. Nguồn vốn huy động tăng 18,4% với động lực chính đến từ tiền gửi tăng mạnh 15,7% trong quý 4. Tỷ lệ LDR đạt 76,1%. Tỷ lệ SMLR theo ước tính đạt 21,3%.

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất là 1,09%, tăng 0,19 điểm %. Nợ xấu ngân hàng mẹ là 0,88% và nợ xấu của Mcredit là 6,5%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở cả NH mẹ và Mcredit vẫn ở mức cao, lần lượt là 295,4% và 90,3%. Nợ nhóm 2 hợp nhất gấp 2 lần cùng kỳ trong đó Mcredit chiếm tới 60%.

Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu 1 năm của cổ phiếu MBB là 24.700 đồng/CP, cao hơn 42% so với giá tại ngày 17/03/2023. Trong kịch bản MBB phải trích lập dự phòng cho các khoản vay và trái phiếu của Novaland thì giá mục tiêu có thể giảm xuống 23.214 đồng/CP.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu SBT

CTCK Phú Hưng (PHS)

Kết thúc quý 2 niên độ (NĐ) 2022-2023, Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa (TTC AgriS, Hose: SBT) đã tiêu thụ 683 ngàn tấn đường, ghi nhận Doanh thu thuần lũy kế đạt 12.281 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, hoàn thành 72% kế hoạch năm. Sản lượng tiêu thụ của các Kênh bán hàng ghi nhận tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ, trong đó, kênh Xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc khi sản lượng bán hàng tăng hơn 70%, kênh Công nghiệp B2B tăng 26% đáng kể trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

Chúng tôi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận gộp của công ty trong niên vụ 2022-2023 sẽ lần lượt đạt 23.001,7 tỷ đồng (tăng 25,6% so với năm trước) và 2.220,6 tỷ đồng (giảm 3,8%) thông qua việc gia tăng sản lượng nhờ vào điều kiện thời tiết thuận lợi, giá đường trong nước và thế giới nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao nhưng khó có khả năng tăng thêm. Lợi nhuận sau thuế có thể đạt 838,7 tỷ đồng (giảm 4%) cho năm 2023.

Điểm nhấn đầu tư: (1) Tình hình đường lậu vẫn còn diễn biến phức tạp: theo VSSA, mặc dù đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, lượng đường nhập khẩu vẫn suy giảm không đáng kể, có thể thấy qua lượng đường nhập trong năm 2022 vẫn bằng 83,5% so với cùng kỳ (1.5 triệu tấn vào năm 2021). Lượng đường nhập lậu từ Campuchia và Lào nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ lại có dấu hiệu tăng lên so với các năm.

(2) Biên lợi nhuận sẽ chưa khởi sắc trong vụ 2022-2023: thời tiết chung được dự báo sẽ bước trở nên thuận lợi hơn trong thời gian sắp tới khi chúng ta sẽ bước vào pha ENSO trung tính, thích hợp cho việc trồng mía. Các quốc gia xuất khẩu mía hàng đầu thế giới như Brazil cũng đã thông báo kết quả của một mùa vụ bội thu nhất trong các năm đổi lại đây. Theo ISO, trong niên vụ 2022-2023, tình hình cung – cầu nhiều khả năng sẽ đổi từ thâm hụt sang thặng dư, đồng nghĩa với việc giá đường sẽ khó có thể tăng mạnh. Chi phí tài chính tăng do lãi suất cao cũng sẽ khiến biên lợi nhuận của SBT không thể cải thiện được trong năm nay.

(3) SBT hiện đang sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh bền vững trong dài hạn, với chuỗi giá trị có chiều sâu, công suất nhà máy lớn và vùng nguyên liệu được phát triển một cách tự chủ.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 16.700 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 14%. Định giá của chúng tôi đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.

Giá cổ phiếu DGC sẽ bị ảnh hưởng bởi lợi nhuận quý III/2023 dự báo mạnh nhất

CTCK SSI (SSI)

Sau khi đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang 341% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022, thì lợi nhuận của DGC bắt đầu quay trở về mức bình thường và ghi nhận mức giảm 20% so với cùng kỳ trong quý IV/2022, kết quả này sát với ước tính của chúng tôi.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng lợi nhuận của DGC sẽ tiếp tục giảm trong các quý tới, khi giá phốt pho vàng dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh và chi phí điện có thể tăng (dự kiến trong quý II/2023). Trong khi đó, vị thế tiền mặt ròng cao hiện tại của công ty có thể giúp tăng thu nhập lãi, giúp bù đắp phần nào mức sụt giảm lợi nhuận.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận ròng của DGC sẽ giảm xuống và đạt 3,8 nghìn tỷ đồng (giảm 37% so với cùng kỳ) trong năm 2023, mặc dù vẫn cao hơn nhiều so với mức lợi nhuận đạt được trong giai đoạn trước COVID-19.

Quan điểm ngắn hạn: Chúng tôi dự phóng mức sụt giảm lợi nhuận sẽ mạnh nhất trong quý II/2023, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong giai đoạn đó.

Tin bài liên quan