Cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/1

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/1

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 31/1 của các công ty chứng khoán.

Các chuyến bay quốc tế phục hồi, biên lợi nhuận HVN sẽ cải thiện

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (HVN – sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với doanh thu đạt 70,6 nghìn tỷ đồng (tăng 153% so với năm trước) và lỗ ròng 10,5 nghìn tỷ đồng (tương ứng 81% khoản lỗ năm 2021). Doanh thu và khoản lỗ ròng của HVN trong năm 2022 lần lượt tương đương 101% và 115% dự báo của chúng tôi cho năm 2022.

Trong quý 4/2022, doanh thu của HVN tăng 112% so với cùng kỳ, đạt 19,5 nghìn tỷ đồng với khoản lỗ ròng 2,7 nghìn tỷ đồng so với khoản lỗ ròng 1,1 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2021.

Hãng hàng không ghi nhận khoản lỗ ròng năm 2022 cao hơn dự kiến, chủ yếu do mảng vận tải quốc tế phục hồi chậm cũng như chi phí nhiên liệu và chi phí tài chính tăng cao. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng các chuyến bay quốc tế sẽ phục hồi và biên lợi nhuận sẽ cải thiện vào năm 2023.

Giá mục tiêu của cổ phiếu PHR là 55.000 đồng/CP

CTCK Agribank (AGR)

CTCP Cao su Phước Hòa (PHR – sàn HOSE) là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Cao su và kinh doanh Khu công nghiệp. Quỹ đất KCN tiềm năng lớn tại tỉnh Bình Dương với hơn 5.600 ha (chuyển đổi từ đất cao su) và giá vốn thấp.

Mảng cao su kỳ vọng ổn định trong năm 2023 do (1) giá cao su kỳ vọng phục hồi nhẹ và duy trì ở mức thấp khi nhu cầu hồi phục tại thị trường Trung Quốc; (2) Sản lượng cao su dự báo tăng chủ yếu nhờ sản lượng khai thác từ vườn cây Campuchia.

Kỳ vọng tiền đền bù chuyển nhượng đất Khu công nghiệp VSIP 3 còn lại với khoảng 609 tỷ đồng (đã ghi nhận 289 tỷ đồng vào quý I/2022) sẽ tiếp tục được ghi nhận trong quý IV/2022 và năm 2023, giúp lợi nhuận sau thuế năm 2022 của PHR tăng hơn 100%.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 dự báo tăng mạnh nhờ ghi nhận thu nhập từ tiền đền bù đất hơn 400 tỷ đồng ở dự án VSIP 3 và phần còn lại ghi nhận cho năm 2023. Tuy nhiên lợi nhuận ước tính cho năm 2023 có thể giảm khi thu nhập từ đền bù đất thấp hơn.

Động lực dài hạn từ mảng bất động sản khu công nghiệp: Về dài hạn, PHR hưởng lợi nhiều từ mảng bất động sản khu công nghiệp khi các dự án Khu công nghiệp Tân Lập 1, Khu công nghiệp Tân Bình mở rộng kỳ vọng được phê duyệt và triển khai trong năm 2024 - 2025. Bên cạnh đó, lợi nhuận cũng sẽ tăng trưởng nhờ các khoản đầu tư vào công ty liên kết như NTC, VSIP 3 khi các dự án Nam Tân Uyên 3 và VSIP 3 đi vào hoạt động.

Do đó, chúng tôi đánh giá PHR là cổ phiếu tiềm năng với giá mục tiêu 55.000 đồng/CP.

Giá mục tiêu của cổ phiếu PAN là 20.000 đồng/CP

CTCK Agribank (AGR)

Trong quý III/2022, CTCP Tập đoàn PAN (PAN – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu đạt 3.586 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 142 tỷ đồng (tăng trưởng 94%). Như vậy, PAN đã hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu và 71% kế hoạch lợi nhuận sau thuế với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế luỹ kế 9 tháng đạt lần lượt 9.756 tỷ đồng (tăng trưởng 52%) và 539 tỷ đồng (tăng trưởng 133%).

Với mức hoàn thành kế hoạch sau quý III cao hơn nhiều so với mọi năm, PAN được kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch cho cả năm 2022 khi quý IV thường là mùa cao điểm kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.

Mảng gạo và giống cây trồng (NSC) có triển vọng tích cực trong năm 2023 khi Trung Quốc mở cửa hậu zero Covid và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo. Sự cố nhà máy Vinarice làm gián đoạn sản lượng trong Quý 3 đã được khắc phục và đã hoạt động trở lại bình thường từ tháng 9.

Mảng tôm (FMC) có thể gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu 2023 khi nhu cầu xuất khẩu giảm. Mặc dù vậy, FMC sử dụng nguồn nguyên liệu tại vùng nuôi (30% sản lượng tôm đầu vào) với chi phí nuôi thấp, giúp FMC tiết giảm được chi phí đáng kể so với các doanh nghiệp cùng ngành khác.

Mảng thuốc khử trùng và thuốc bảo vệ thực vật (VFG) ghi nhận tăng trưởng mạnh trong năm 2022 nhờ ký được hợp đồng phân phối chiến lược cho Syngenta. Mảng bánh kẹo (BBC) phục hồi mạnh trong năm 2022 khi dịch bệnh Covid 19 được kiểm soát. Hai mảng này tiếp tục được kỳ vọng mang lại doanh thu và lợi nhuận ổn định cho PAN trong năm 2023.

Do đó, chúng tôi đánh giá PAN là cổ phiếu tiềm năng với giá mục tiêu 20.000 đồng/CP.

Giá mục tiêu của cổ phiếu GMD là 60.000 đồng/CP

CTCK Agribank (AGR)

Vào ngày 30/12/2022, CTCP Gemadept (GMD – sàn HOSE) đã thông qua kế hoạch thoái vốn 85% cổ phần tại cảng Nam Hải Đình Vũ, đây là một trong những cảng chính của GMD ở khu vực phía Bắc với sản lượng gần 600.000 TEUs/năm. Khi thoái vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ, GMD có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến từ bán tài sản.

Mặc dù chưa có thông tin chính xác về mức giá bán cảng Nam Hải Đình Vũ, nhưng chúng tôi ước tính GMD có thể bán cảng này và thu về khoảng 2.000 tỷ đồng (tương ứng với p/e khoảng 10 lần) và ghi nhận lợi nhuận đột biến cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ lợi nhuận cho năm 2023 nhiều khó khăn và tăng thêm nguồn lực đầu tư các dự án trong tương lai: Ngành cảng biển sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2023 do suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng hàng hóa và container cập cảng. Thoái vốn tại Nam Hải Đình Vũ giúp GMD ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến và cải thiện tính hình tài chính hiện nay. GMD sẽ có thêm nguồn lực để hoàn thiện dự án cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 và Gemalink giai đoạn 2 mà không cần huy động thêm vốn vay quá nhiều.

Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 kỳ vọng đạt hiệu suất cao sau khi vận hành: Hiện nay cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 đang trong quá trình xây dựng và có thể vận hành từ Q1/2023 với công suất khoảng 500.000 TEUs/năm. Việc GMD thoái vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ có thể giúp cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 nhanh chóng đạt hiệu suất cao hơn khi được nhận một phần khối lượng hàng hóa điều chuyển từ cảng Nam Hải Đình Vũ sang.

Do đó, chúng tôi đánh giá GMD là cổ phiếu tiềm năng với giá mục tiêu 60.000 đồng/CP.

Tin bài liên quan