Cổ phiếu chứng khoán "bốc đầu", thị trường giao dịch đầy kịch tính

Cổ phiếu chứng khoán "bốc đầu", thị trường giao dịch đầy kịch tính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã trải qua phiên giao dịch nhiều cảm xúc với VN-Index biến động trong biên độ rộng lên tới hơn 26 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán đua nhau bốc đầu, đã trở thành điểm tựa giúp thị trường hồi phục thành công.

Khi phần lớn nhà đầu tư đã sẵn sàng để đón nhận phiên giao dịch đầu tuần bằng cú giảm mạnh bởi những thông tin tiêu cực trong những ngày nghỉ cuối tuần thì diễn biến thị trường lại không quá bi quan. Chỉ số VN-Index mở cửa giảm 15 điểm rồi dần thu hẹp biên độ, thậm chí có thời điểm tiệm cận mốc tham chiếu và tạm khép lại phiên sáng với mức giảm nhẹ chỉ 1 điểm, bảo toàn được vùng giá 1.100 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau khoảng 30 phút mở cửa giằng co và liên tục đổi sắc, lực cầu đã tự tin hơn giúp VN-Index lấy lại sắc xanh ổn định và dần nới rộng biên độ tăng.

Đà tăng mạnh từ nhóm cổ phiếu chứng khoán đã lan rộng ra thị trường, giúp VN-Index tăng vọt hơn 11 điểm. Tuy nhiên, đây cũng là mức giá cao nhất trong ngày và thị trường lại xảy ra “sự cố” khi khung 14h đã điểm. Chỉ số VN-Index đã quay đầu giảm nhẹ trước khi bật hồi đôi chút trong đợt khớp lệnh ATC.

Thị trường đã trải qua phiên giao dịch biến động mạnh với biên độ biến động của chỉ số VN-Index lên tới hơn 26 điểm và khép lại bằng phiên tăng nhẹ bất chấp những thông tin có phần kém khả quan từ thị trường. Trong đó, sóng tăng mạnh của nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhóm biểu tượng của thị trường chứng khoán, khiến giới đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm ổn định để tìm lại xu hướng tăng.

Đóng cửa, sàn HOSE có 203 mã tăng và 314 mã giảm, VN-Index tăng 2,47 điểm (+0,22%) lên 1.103,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 841,47 triệu đơn vị, giá trị 16.973 tỷ đồng, giảm 33,33% về khối lượng và 30,25% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 17/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 90,59 triệu đơn vị, giá trị 1.857,24 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu chứng khoán trở thành tâm điểm của thị trường trong phiên chiều nay khi tất cả các mã đều đồng loạt “khởi nghĩa”. Trong đó, BSI đã kéo trần thành công, hàng loạt mã như VND, VIX, AGR ghi nhận mức tăng trên dưới 4%, CTS tăng 5,62%, còn lại đều tăng hơn 1-2%.

Đáng kể là 3 mã VIX, VND và SSI đều thuộc top 5 mã thanh khoản tốt nhất thị trường, với VIX dẫn đầu khi đạt 49,14 triệu đơn vị, VND khớp 38,21 triệu đơn vị, SSI khớp 26,5 triệu đơn vị. Trong đó, SSI cũng là mã tăng mạnh nhất trong nhóm VN30.

Bên cạnh đó, nhóm bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ sức nóng với SZC tăng trần, khối lượng khớp lệnh 3,35 triệu đơn vị cùng dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị; TIP có thời điểm chạm trần và đóng cửa tăng 6,7%, SZL tăng 2,9%, GVR tăng 2,8%, LHG tăng 2,7%, KBC và D2D cùng tăng hơn 1,8%...

Với diễn biến tích cực của các mã bất động sản khu công nghiệp, cùng sự hồi phục tăng 1,2% của VIC, đã giúp nhóm cổ phiếu bất động ghi nhận phiên tăng nhẹ. Trong đó, các mã nóng như NVL, DIG, PDR, DXG đóng cửa tăng nhẹ trên dưới 1%.

Nhóm thép khởi sắc hơn với HPG lấy lại sắc xanh khi đóng cửa tăng nhẹ 0,6%, còn HSG và NKG đều tăng hơn 1%, thanh khoản bộ 3 này đều đạt hơn 10 triệu đơn vị.

Xét về vốn hóa thị trường, cổ phiếu lớn ngân hàng VCB vẫn có đóng góp lớn nhất là gần 0,7 điểm cho chỉ số chung; tiếp theo là GVR đóng góp 0,56 điểm và VIC đóng góp 0,47 điểm.

Ngược lại, VNM tạo sức ép lớn nhất khi lấy đi 0,36 điểm của chỉ số chung; còn MWG, MBB, GAS, SAB đều lấy đi hơn 0,2 điểm.

Trên sàn HNX, diễn biến có phần tích cực hơn của nhóm HNX30 đã giúp thị trường tăng tốt hơn cuối phiên sáng.

Chốt phiên, sàn HNX có 73 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index tăng 1,23 điểm (+0,54%) lên 227,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 93,19 triệu đơn vị, giá trị 1.844,79 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,98 triệu đơn vị, giá trị 149,16 tỷ đồng, trong đó riêng MAC thỏa thuận 5,1 triệu đơn vị, giá trị 58,65 tỷ đồng; HHC và HTP cùng thỏa thuận hơn 23,7 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 khởi sắc hơn khi tăng gần 6 điểm với việc xác nhận 15 mã tăng và chỉ 8 mã giảm. Trong đó, các mã giảm đều nhỏ lẻ là BCC, HLD, TDN, DXP, CAP… giảm nhẹ trên dưới 1%. Ngược lại, các mã tăng tốt nhất đều thuộc nhóm chứng khoán.

Cụ thể, MBS tăng 3,9% và khớp 5,99 triệu đơn vị, SHS tăng 3,4% và khớp 32,13 triệu đơn vị, VIG tăng 2,7%, PSI tăng 1,1%...

Tiếp theo đó là các mã bất động sản như IDC tăng 2% và khớp 4,85 triệu đơn vị, DTD tăng 1,7%, CEO cũng khởi sắc với mức tăng nhẹ 0,4% và thanh khoản chỉ thua SHS với hơn 17,78 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UPCoM, mặc dù phần lớn thời gian thị trường giao dịch trong sắc đỏ nhưng đã may mắn thoát hiểm trong những phút cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (_0,13%) lên 86,13 điểm với 111 mã tăng và 134 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,72 triệu đơn vị, giá trị 346,07 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,49 triệu đơn vị, giá trị 14,08 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường với 5,29 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên vẫn giảm 0,5% xuống 18.700 đồng/CP.

Các cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM dù có chút tích cực hơn nhưng diễn biến không khả quan hơn so với các mã cùng ngành trên thị trường niêm yết. Trong đó, SBS đóng cửa tăng nhẹ 1,4% lên 7.300 đồng/CP, khối lượng giao dịch chỉ thua SBS với 2,18 triệu đơn vị; AAS, TCI, BMS đều đứng giá tham chiếu.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm nhẹ, trong đó, VN30F2312 đáo hạn gần nhất ngày ngày 21/12 giảm 3 điểm, tương đương -0,3% xuống 1.102 điểm, khớp lệnh hơn 351.160 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.800 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ tràn ngập, với CVPB2307 tiếp tục đạt khối lượng khớp lệnh cao nhất khi có 3,39 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 10% xuống 90 đồng/cq. Tiếp theo là CVHM2313 khớp 2,69 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 11,5% xuống mức 460 đồng/cq.

Tin bài liên quan