Biến động giá cổ phiếu khoáng sản so với VN-Index. Nguồn: Reuters, PT&TVĐT SSI

Biến động giá cổ phiếu khoáng sản so với VN-Index. Nguồn: Reuters, PT&TVĐT SSI

Cổ phiếu khoáng sản: “Đãi cát tìm vàng”

(ĐTCK-online) Rất nhiều sản phẩm khai khoáng ở Việt Nam lâu nay được xuất khẩu hoặc nếu bán trong nước thì giá dựa trên giá thế giới, vì vậy doanh thu của các DN khoáng sản phụ thuộc khá nhiều vào biến động giá quặng thế giới.

Riêng với quặng sắt, giá các hợp đồng giao hàng giữa ba nhà xuất khẩu quặng lớn nhất thế giới là BHP, Rio Tinto và Vale, với số lượng lớn các nhà sản xuất thép lớn tại Trung Quốc và Nhật Bản đã tăng gấp đôi trong quý II và thêm 20% trong quý III (220 USD/tấn), do đề xuất của ba đại gia xuất khẩu khoáng sản này trong việc thay đổi hệ thống định giá hợp đồng từ hàng năm sang hàng quý.

Giá titan đang ở mức xấp xỉ 7.500 USD/tấn, tăng 67% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá antimon cũng đã tăng trở lại, vượt qua đỉnh 6.500 USD/tấn thiết lập vào tháng 8/2008 và tạo đỉnh mới ở mức xấp xỉ 11.000 USD/tấn vào tháng 11/2010.

Tuy nhiên, hầu hết DN khoáng sản trong nước hiện không tận dụng được tối đa xu thế tăng giá này do những hạn chế được cho là “cố hữu” mang tên “công nghệ”. Hiện tại, theo điều tra mới nhất của CODE (Viện Tư vấn phát triển), phần lớn công nghệ đưa vào sử dụng trong khai thác khoáng sản là công nghệ lạc hậu dẫn đến lãng phí tài nguyên (mức độ thu hồi thấp, không thu hồi được các hợp phần có ích đi kèm). Một số báo cáo cho thấy, mức tổn thất trong khai thác hầm lò là 40 - 60%, quặng kim loại 15 - 30% và dầu khí là 50 - 60%. Mặc dù Nhà nước đã có chủ trương khuyến khích các DN chế biến sâu tài nguyên khoáng sản từ nhiều năm nay, nhưng đa số các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đều là loại sản phẩm chưa qua chế biến sâu, mang lại giá trị thấp. Ví dụ, vào thời điểm hiện tại chỉ có một số DN đã đầu tư công nghệ sản xuất xỉ titan (SQC, BMC). Các DN còn lại chủ yếu xuất khẩu từ dạng ilmenite thô. Giá trị sản phẩm này thấp hơn xỉ titan, pigment và kim loại titan tương ứng là 2,5 lần, 10 lần và 80 lần.

Về cuối năm, giá các loại quặng vẫn đang có chiều hướng đi lên do nhu cầu sản xuất của các ngành công nghiệp liên quan thường tăng cao vào dịp này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn e ngại những rủi ro về mặt luật pháp mà các DN khoáng sản đang gặp phải. Cụ thể, trong thời gian tới, nhiều khả năng ngành khai khoáng sẽ bị quản lý chặt chẽ hơn thông qua những quy định và chính sách mới. Cụ thể như, ngày 5/4/2010, Chính phủ đã ban hành văn bản chính thức về thuế suất thuế tài nguyên mới áp dụng cho các mặt hàng khoáng sản từ ngày 1/7/2010. Điển hình là thuế tài nguyên áp cho quặng sắt, chì và kẽm sẽ được nâng lên 10% từ mức 7% ở thời điểm hiện tại, cho quặng mangan và titan nâng từ 7% lên 11% và quặng bauxit từ 7% lên 12%. Vì vậy, tỷ suất lợi nhuận của các DN khai khoáng sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực nhất định.

Đồng thời, vào ngày 23/7/2010 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi. Dự thảo này có đưa ra những quy định yêu cầu các DN khoáng sản chịu các khoản phí bảo vệ môi trường và cả thuế bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Một số điểm mới khác được đề xuất trong dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi bao gồm: (i) các DN hoặc cá nhân muốn tham gia hoạt động khai khoáng, ngoài các điều kiện về công nghệ và kỹ thuật, còn phải có vốn tự có ít nhất bằng 30% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; (ii) việc chuyển nhượng thăm dò khoáng sản cho tổ chức hoặc cá nhân khác sau khi đã thực hiện ít nhất 70% giá trị khối lượng công việc theo giấy phép thăm dò đã cấp và dự án thăm dò khoáng sản đã được chấp thuận; (iii) giám đốc điều hành mỏ phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể như trình độ chuyên môn (tùy theo loại mỏ) và kinh nghiệm (thường là từ 2 - 5 năm trong nghề).

Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội đã tỏ ý tán thành về việc sẽ thanh tra toàn diện hoạt động của các mỏ khoáng sản và Chính phủ sẽ có quyền hủy hoặc chuyển giao quyền khai thác cho các cá nhân có khả năng hơn, trong trường hợp có bằng chứng cho thấy chủ mỏ chưa đưa mỏ vào vận hành dù đã có giấy phép khai thác.

Nhìn chung, các cổ phiếu khoáng sản có mặt bằng giá và biến động giá cao hơn so với cổ phiếu của các ngành khác. PE các cổ phiếu thuộc ngành khai khoáng (trừ than) cao, dao động từ mức 5,5 lần (MMC) đến 845 lần (SQC), tạo điều kiện cho các hoạt động đầu cơ. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, nhà đầu tư vẫn có thể lựa chọn đầu tư vào các cổ phiếu cụ thể có cơ bản tốt, công ty có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai khoáng, có công nghệ tinh chế quặng. Đồng thời, nên tập trung đầu tư vào các DN có giấy phép khai thác do Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp hơn là các mỏ ở địa phương, do các giấy phép do Bộ cấp thường có hiệu lực trong vòng khoảng 30 năm. Trong khi đó, các giấy phép do địa phương cấp thường chỉ có thời hạn từ 3 - 5 năm và có rủi ro bị thu hồi hoặc chuyển giao cho các DN khác.