Nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, bất động sản, bán lẻ, thép có mức tăng giá vượt trội

Nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, bất động sản, bán lẻ, thép có mức tăng giá vượt trội

Cổ phiếu không còn rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index vừa có một số phiên điều chỉnh, nhưng nhiều cổ phiếu đang ở mặt bằng giá cao so với 3 tháng trước, trong khi kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 nhìn chung kém khả quan, khiến định giá cổ phiếu không còn rẻ.

Nếu coi mức 1.050 điểm hồi đầu tháng 5/2023 là chân sóng, thì VN-Index đã có nhịp đi lên được 3 tháng khá ấn tượng, vượt ngưỡng 1.200 điểm, nhờ dòng tiền chảy vào thị trường trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục giảm. Nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, bất động sản, bán lẻ, thép có mức tăng giá vượt trội, dù không phải ngành nào cũng có thông tin hỗ trợ.

Chẳng hạn, hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp bất động sản nhìn chung vẫn khó khăn khi thanh khoản thấp, lãi suất cho vay neo ở mức cao. Nhóm ngân hàng đối mặt với rủi ro nợ xấu gia tăng, biên lãi ròng thu hẹp, tăng trưởng tín dụng thấp. Nhóm dầu khí có triển vọng sáng từ siêu dự án Lô B - Ô Môn, nhưng giá dầu có diễn biến giảm trong nửa đầu năm 2023 và mới chỉ hồi phục trong khoảng 1 tháng gần đây.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc kinh doanh, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh, trong khi kết quả kinh doanh quý II/2023 nhìn chung kém khả quan. Có những cổ phiếu tăng giá chủ yếu do tin đồn trên thị trường, hoặc thông điệp từ phía doanh nghiệp rằng, giai đoạn cuối năm nay, doanh nghiệp dự kiến sẽ lãi lớn. Với những thông tin như vậy, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ, xác minh thông tin cũng như đánh giá mức độ ảnh hưởng của thông tin đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thực tế, không ít nhà đầu tư tham gia thị trường khi thấy dòng tiền mạnh, cổ phiếu tăng giá, mà bỏ qua việc phân tích tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Theo ông Quang, có những doanh nghiệp bất động sản và bán lẻ công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 kém khả quan, nhưng giá cổ phiếu tiếp tục được kéo lên.

Diễn biến VN-Index và P/E trong 1 năm qua. Nguồn: VNDIRECT.

Diễn biến VN-Index và P/E trong 1 năm qua. Nguồn: VNDIRECT.

Thống kê của VNDIRECT Research cho thấy, trong tháng 7/2023, VN-Index có mức tăng vượt trội so với hầu hết thị trường chứng khoán khác trong khu vực cũng như trên thế giới, với mức tăng 9,2%; lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, chỉ số tăng 21,4%, chỉ kém mức tăng 27,1% của thị trường Nhật Bản.

Trong khi đó, tính đến ngày 31/7/2023, có 972 doanh nghiệp, chiếm 92% vốn hóa thị trường đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 với tổng lợi nhuận sau thuế giảm 11,7% so với cùng kỳ.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest nhìn nhận, khi VN-Index tiến lên vùng 1.200 - 1.300 điểm thì định giá thị trường không còn rẻ. Việc nhà đầu tư có mức lãi tích lũy cao trong giai đoạn thị trường tăng điểm trong 3 tháng qua thì sự điều chỉnh nếu diễn ra là bình thường.

Hiện tại, so với lãi suất tiết kiệm thì định giá P/E của VN-Index đang ở mức hợp lý. Diễn biến thị trường thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tâm lý nhà đầu tư và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp.

“Rủi ro đơn lẻ sẽ xuất hiện với nhiều cổ phiếu, mức giảm có thể từ 10 - 20%. Chúng ta đã thấy hiện tượng này trong những phiên vừa qua, dù số lượng chưa quá nhiều”, ông Khánh nói.

Hiện tại, nhà đầu tư có dấu hiệu tìm đến các cổ phiếu chưa tăng giá, bởi sau khi chốt lời các mã tăng giá mạnh thì chưa dám mua lại do mức điều chỉnh còn ít. Thời gian tới, xu hướng này có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn, thay vì tìm đến một nhóm ngành cụ thể. Mặt khác, dòng tiền thị trường thời gian qua xoay vòng nhanh, hầu hết các ngành đều được dòng tiền nhà đầu tư tìm đến, đẩy chỉ số ngành lên cao.

Tin bài liên quan