Cổ phiếu MSN bùng nổ, thị trường chạm 1.270 điểm

Cổ phiếu MSN bùng nổ, thị trường chạm 1.270 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những tín hiệu tích cực từ dòng tiền và sự hỗ trợ bởi đà tăng mạnh mẽ của các bluechip là MSN và MWG đã giúp thị trường đảo chiều ngoạn mục và tiến sát đến ngưỡng 1.270 điểm.

Giao dịch có phần chậm lại trong phiên sáng không làm nhà đầu tư nản lòng. Dòng tiền đã có dấu hiệu tích cực hơn trong cuối phiên chiều. Trong đó, sự trợ giúp tâm lý cũng như điểm số từ cổ phiếu lớn MSN, khi mã này tăng kịch trần và bảng điện tử cân bằng hơn với nhiều cổ phiếu đảo chiều, dù mức tăng còn khiêm tốn, nhưng cũng đủ để thúc đẩy VN-Index có nhịp tăng lên trên 1.265 điểm và tiếp tục chạm gần 1.270 điểm trong phiên ATC.

Đóng cửa, sàn HOSE có 258 mã tăng và 212 mã giảm, VN-Index tăng 8,57 điểm (+0,68%), lên 1.269,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,01 tỷ đơn vị, giá trị 24.356,77 tỷ đồng, giảm hơn 14% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 83,2 triệu đơn vị, giá trị 2.182 tỷ đồng.

Điểm nhấn trong phiên này là cổ phiếu lớn MSN, khi đã tăng tốc, đóng cửa ở mức giá trần +6,92% lên 75.700 đồng, khớp lệnh bùng nổ, đạt mức cao kỷ lục mới với gần 13 triệu đơn vị và là cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho VN-Index.

Mới đây, BVSC đã dự báo dự báo năm 2024 doanh thu thuần hợp nhất của MSN có thể đạt 90.417 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế cổ đông thiểu số đạt 1.651 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2023.

Bằng phương pháp SOTP, BVSC xác định giá trị hợp lý của cổ phiếu MSN là 93.200 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị ‘khả quan’ cho cổ phiếu này (OUTPERFORM).

BVSC cho rằng, thời điểm khó khăn nhất về áp lực tài chính của MSN đã qua và sự phục hồi mạnh mẽ về lợi nhuận - nhờ sự vững vàng của các mảng kinh doanh tiêu dùng và chi phí lãi giảm, sẽ tạo động lực tích cực cho giá cổ phiếu trong năm 2024.

BVSC cũng nhấn mạnh cổ phiếu MSN, bên cạnh một số bluechip khác có thể sẽ thu hút dòng tiền trong câu chuyện nâng hạng sắp tới của thị trường.

Trong số những bluechip khác, cổ phiếu MWG góp thêm phần hỗ trợ thị trường với mức tăng 5,5% lên 50.000 đồng – mức cao nhất ngày, khớp lệnh hơn 22,3 triệu đơn vị, cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.

Các mã lớn khác như HPG, CTG, VNM, GAS, MBB, SSI ACB, BID, VIC, VJC…cũng đã nới đà tăng hoặc đảo chiều, dù chỉ nhích 0,5% đến 1,7%. Trong đó, SSI và HPG thanh khoản dẫn đầu nhóm và cao nhất HOSE với lần lượt 31,3 triệu và 29,9 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng xuất hiện thêm nhiều cái tên đáng chú ý, ngoài NBB, BKG, HTN, BMC tăng trần cuối phiên sáng, thì trong phiên chiều còn xuất hiện CTS và POM. Các mã FTS +6,7% lên 61.900 đồng, TTF +5,5% lên 4.960 đồng, FCN +5,5% lên 15.400 đồng, NHH +5% lên 20.000 đồng…

Tăng khá tích cực còn khá nhiều cổ phiếu ở các nhóm ngành khác nhau, đi kèm thanh khoản cao như LPB, CII, IDJ, BTP, TDP, HAG, APC, HCD, EVG, CNG, AGR, TCD với mức tăng từ 2,6% đến gần 4%.

Trên sàn HNX, đà hồi phục của nhiều cổ phiếu cũng đã giúp HNX-Index thu hẹp đáng kể đà giảm và đóng cửa sát mốc tham chiếu.

Chốt phiên, sàn HNX có 74 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index giảm 0,03 điểm (-0,01%), xuống 237,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 80,2 triệu đơn vị, giá trị 1.537,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,88 triệu đơn vị, giá trị 32,4 tỷ đồng.

Hai mã nhỏ ITQ và CVN là điểm sáng khi tăng trần lên 3.800 đồng và 3.700 đồng, khớp 2,25 triệu và 0,6 triệu đơn vị.

Ở những cổ phiếu khác, các mã MBS, MST, LAS, DXP, GKM, BVS tăng trên dưới 3%, khớp từ 0,63 triệu đến 5,47 triệu đơn vị.

Cổ phiếu SHS cũng đã đảo chiều tăng, dù chỉ +0,6% lên 18.200 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 17,9 triệu đơn vị.

Chỉ còn CEO, IDC, TTH, PVC, DTD, giảm trong nhóm cổ phiếu thanh khoản cao, nhưng mức giảm cũng chỉ trên dưới 1%. Trong khi TNG, PVS, HUT về tham chiếu.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index nới đà đi lên về cuối phiên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,65 điểm (+0,71%), lên 91,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,4 triệu đơn vị, giá trị 454,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,7 triệu đơn vị, giá trị 105,4 tỷ đồng.

Các cổ phiếu HSV, VNB, VNH, ICF tăng kịch trần, trong đó, HSV khớp lệnh cao nhất với hơn 1,87 triệu đơn vị.

Đáng chú ý khác là VGI +10,8% lên 38.900 đồng, khớp 2,25 triệu đơn vị; MSR +9,8% lên 15.700 đồng, khớp 1,2 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN-Index đều tăng, trong đó, VN30F2403 tăng 10,1 điểm, tương đương 0,8% lên 1.278,5 điểm, khớp lệnh hơn 173.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.200 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, hai mã khớp lệnh cao nhất đều chỉ có giá tham chiếu là CVPB2315 tại 380 đồng/cq và CVPB2309 tại 210 đồng/cq.

Theo sau là CMSN2313 với 4,12 triệu đơn vị và tăng hơn 29% lên 1.060 đồng/cq, CVNM2310 khớp gần 3 triệu đơn vị và tăng 3,9% lên 540 đồng/cq.

Tin bài liên quan