Cổ phiếu ngân hàng hút vốn ngoại

0:00 / 0:00
0:00
Các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn đang phân bổ tỷ trọng lớn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đây là hành động cụ thể hóa cho nhận định triển vọng tích cực của ngành này thời gian tới.
Cổ phiếu ngân hàng hút vốn ngoại

Hút vốn ngoại

Giá cổ phiếu "vua" trở lại ngai vàng trong thời gian gần đây đã hút lượng vốn lớn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi triển vọng của ngành được đánh giá còn tăng trưởng mạnh trong năm 2021 sau khi đại dịch kiểm soát, tín dụng tăng.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo kết quả giao dịch cổ phiếu ACB của 2 quỹ thuộc nhóm Dragon Capital, với tổng khối lượng cổ phiếu đã mua gần 9 triệu cổ phiếu ACB.

Theo đó, từ ngày 19/3 - 16/4, quỹ Norges Bank (thuộc Dragon Capital) đã mua vào gần 8,56 triệu cổ phiếu ACB trên tổng số 10 triệu cổ phiếu đăng ký.

Đồng thời, từ ngày 23/3 đến 16/4, quỹ Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (SSMIT) - thuộc Dragon Capital đã mua được 368.000 cổ phiếu trên tổng số 500.000 cổ phiếu đăng ký.

Sở dĩ 2 quỹ đầu tư trên không thể thực hiện hết giao dịch như đã đăng ký trước đó do tỷ lệ sở hữu cổ phiếu ACB của nhà đầu tư nước ngoài không còn.

Cả Norges Bank và SSMIT đều không sở hữu cổ phần nào tại ACB trước khi hoàn tất các giao dịch trên. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu tại của hai quỹ trên tại ngân hàng lần lượt tăng lên 0,396% và 0,017%.

Ước tính theo thị giá cổ phiếu ACB trong khoảng thời gian thực hiện giao dịch, hai quỹ thành viên của Dragon Capital có thể đã chi ra khoảng 300 tỷ đồng để mua vào gần 9 triệu cổ phiếu ACB.

Trong khi trước đó, ngày 10/3/2021, Dragon Capital thông qua hai quỹ ngoại là First Burns Investments Ltd (FBIL) và Asia Reach Investments Ltd (ARIL) đã bán ra hơn 100 triệu cổ phiếu ACB chốt lời.

Nhưng một quỹ thành viên khác là DC Developing Markets Strategies Public Ltd Co (DCDMSPLC) mua vào 5 triệu cổ phiếu ACB.

Số cổ phiếu ACB do nhóm này nắm giữ giảm từ hơn 260 triệu cổ phiếu xuống còn 165 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu giảm từ 12,0396% xuống còn 7,6423%. Chủ tịch của Dragon Capital, ông Dominic Scriven hiện là Thành viên HĐQT của ACB.

Năm 2021, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt khoảng 10.602 tỷ đồng. Kết thúc quý đầu năm nay, ACB đạt 3.105 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Ngân hàng dự kiến sẽ dùng 5.404 tỷ để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tức tỷ lệ 25%. Nhờ đó, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 21.615 tỷ đồng lên 27.019 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành việc tăng vốn điều lệ là quý 3/2021.

Chốt phiên giao dịch ngày 20/4, giá cổ phiếu ACB đứng ở mức 33.600 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch trên 7,1 triệu đơn vị.

Nhóm ngân hàng cũng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu danh mục của quỹ tỷ đô VEIL do Dragon Capital quản lý. Đơn cử, Pyn Elite Fund phân bổ 37% danh mục đầu tư vào 4 cổ phiếu ngân hàng gồm CTG, HDB, TPB, MBB.

Tương tự, quỹ quy mô lớn nhất thị trường là Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) cũng phân bổ 34,7% danh mục (tính đến 26/2/2021) vào nhóm ngân hàng.

Tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng trong danh mục vượt xa nhóm đứng sau là bất động sản (27,4%), hay vật liệu và tài nguyên (12%). Tại thời điểm cuối tháng 2, quy mô tài sản ròng của quỹ VEIL là hơn 2 tỷ USD. Ước tính giá trị cổ phiếu ngân hàng trong danh mục của quỹ VEIL đạt gần 700 triệu USD.

Top 10 mã có tỷ trọng lớn nhất của quỹ VEIL có 4 đại diện của nhóm ngân hàng gồm ACB, VCB, TCB và VPB. Cùng trong nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý, Vietnam Equity (UCITS) Fund (quy mô 144 triệu USD), nhóm ngân hàng được phân bổ tỷ trọng lớn nhất với 26,5%. Hay CTBC Vietnam Equity Fund (quy mô 312 triệu USD) rót 29,4% vốn vào mã tài chính ngân hàng.

Không nằm ngoài xu hướng, quỹ ngoại quy mô 150 triệu USD là Vietnam Holding phân bổ tỷ trọng lớn nhất với 27% vào cổ phiếu nhóm ngân hàng.

Những mã được quỹ này nắm giữ nhiều nhất tại ngày 28/2 có CTG (tỷ trọng 8,5%), VPB (6,8%), MBB (5,4%).

Trong cơ cấu danh mục của quỹ JPMorgan Vietnam Opportunities (quy mô 412 triệu USD), tỷ trọng cổ phiếu nhóm tài chính là 21,3%, không chênh lệch nhiều với hai nhóm dẫn đầu là bất động sản (24,3%) và tiêu dùng thiết yếu (22,6%).

Cổ phiếu ngân hàng được gọi là cổ phiếu "vua" trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là nhóm có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường. Các quỹ đầu tư nước ngoài đặc biệt ưa thích nhóm cổ phiếu này. Một số quỹ phân bổ hơn 1/3 danh mục đầu tư vào các cổ phiếu ngân hàng.

Còn tiềm năng, nhưng cạn room ngoại

Ngành ngân hàng được đánh giá tăng trưởng tích cực trong năm nay sau khi đại dịch covid-19 được kiểm soát. Tín dụng quý đầu năm của ngành ngân hàng tăng gần 3% theo số liệu công bố của NHNN.

Lợi nhuận quý đầu năm của nhiều nhà băng tăng như: Vietcombank, Vietinbank đều thu về 7.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. ACB, MB, VPBank đạt lần lượt 3.105 tỷ đồng trước thuế; 4.000 tỷ đồng trước thuế và 4.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế....

Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) thông báo điều chỉnh triển vọng tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 15 ngân hàng Việt Nam và giữ nguyên xếp hạng ở Ba3.

Trong đó, 5 ngân hàng được nâng triển vọng từ tiêu cực lên tích cực, 4 ngân hàng từ ổn định lên tích cực và 6 ngân hàng từ tiêu cực lên ổn định. 15 ngân hàng trong diện điều chỉnh: ABBank, ACB, HDBank, Vietcombank, BIDV, LienVietPostBank, MB, OCB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank, VPBank, Techcombank.

Việc điều chỉnh triển vọng các ngân hàng Việt Nam diễn ra sau khi Moody's thông báo nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ “tiêu cực” lên “tích cực” và giữ nguyên xếp hạng ở Ba3 ngày 18/3. Các yếu tố để tổ chức này nâng triển vọng lên tích cực: tín hiệu cho thấy sức mạnh tài chính, kinh tế được cải thiện, giúp củng cố hơn hồ sơ tín dụng của Việt Nam.

Pyn Elite Fund nhìn nhận, nhóm ngân hàng Việt Nam được dự báo có sự tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận trong một năm thuận lợi. Thực tế, trong năm Covid-19 thứ nhất, lợi nhuận của các ngân hàng tăng, cho dù đã phải trích lập dự phòng cho các khoản vay. Theo đánh giá của ông Petri Deryng, người quản lý danh mục của quỹ Pyn Elite Fund, năm 2021, ngân hàng trở lại trạng thái bình thường mới và dự báo tăng trưởng lợi nhuận cao. Cổ phiếu ngân hàng Việt Nam sẽ có mức tăng đáng kể.

JP Morgan cũng đưa ra góc nhìn tích cực đối với nhóm cổ phiếu “vua” và đưa ra nhận định hấp dẫn để nắm giữ. Dự báo của JP Morgan, tốc độ tăng trưởng EPS (tỷ suất thu nhập trên cổ phiếu) bình quân nhóm ngân hàng giai đoạn 2020 - 2023 là 16%. Vì lẽ đó, giá cổ phiếu tăng từ 8 - 42% trong suốt năm và có thể cao hơn trong 3 năm tới.

VinaCapital cho rằng, ngành ngân hàng sẽ có triển vọng tốt hơn cho năm nay nhờ tỷ suất lợi nhuận cao hơn (tăng 14 điểm cơ bản lên 3,68%). Kết quả này đến từ việc các khoản vay được cơ cấu lại, phí giao dịch, thanh toán và bảo hiểm cao hơn (tăng từ 12,1% lên 13,4% trong tổng thu nhập). Bên cạnh đó, chi phí tín dụng thấp hơn khi lãi suất giảm, mặc dù dự phòng rủi ro tín dụng vẫn có thể gia tăng.

Mặc dù đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng còn triển vọng tăng trưởng, song room ngoại còn lại tại các ngân hàng rất ít, thậm chí nhiều nhà băng phải khóa room ngoại để chờ cơ hội thu hút vốn.

Một trong các nội dung được SHB trình cổ đông thông qua trong kỳ đại hội thường niên 2021 diễn ra ngày 22/4 tới là đề xuất hạ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ mức 30% theo quy định xuống 10%.

Lý do bởi nhà băng này muốn giữ lại một phần tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược do SHB lựa chọn có năng lực phù hợp và hỗ trợ mang lại lợi ích tốt nhất cho Ngân hàng.

SHB mong muốn chốt room ngoại chỉ còn ở mức 10% để tìm kiếm và lựa chọn đối tác chiến lược. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là không quá 20%.

Tỷ lệ 20% vốn điều lệ cũng là giới hạn tối đa mà một tổ chức được phép sở hữu tại một ngân hàng Việt Nam. Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại SHB chỉ khoảng 4%. Khi hạ room xuống 10%, dư địa mua cổ phần của các nhà đầu tư ngoại thực tế vẫn còn khá lớn

Trước đó, Techcombank khóa “room” ngoại ở 22,5% vốn điều lệ. HDBank công bố Nghị quyết 29 về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư ngoại từ mức 30% xuống còn 21,5% cuối năm 2020, nhằm để dành cho kế hoạch hợp tác với các đối tác chiến lược trong thời gian tới.

Tương tự, VPBank cũng quyết định dành “room” cho khối ngoại khi quyết định giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 22,77% xuống còn 15%.

Giữa năm 2020, thị trường cũng ghi nhận thương vụ bán 15% cổ phần của Ngân hàng OCB cho đối tác Nhật là Ngân hàng Aozora, đưa mức vốn điều lệ hiện hữu tăng từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng.

Hiện room ngoại tại OCB còn 10% và ông Trịnh Văn Tuấn-Chủ tịch HĐQT OCB cho hay, Ngân hàng đang đàm phán với đối tác ngoại để bán tiếp phần còn lại, chốt room ngoại theo quy định dưới trần 30%.

Trước đó, các ngân hàng có vốn nhà nước cũng đã có kiến nghị được nới room ngoại lên 49%, nhằm thu hút vốn tăng năng lực tài chính, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Chủ tịch Dragon Capital,ông Dominic Scriven cũng từng mong muốn Nhà nước sẽ mạnh dạn hơn trong việc thoái vốn, chấp nhận bán nhiều cổ phần hơn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới bộ máy quản trị. Theo đó, Chủ tịch Dragon Capital kiến nghị “nới room ngoại” tại các Ngân hàng lên 49%.

Tin bài liên quan