Chi phí huy động có khả năng chạm đáy vào cuối quý III/2023

Chi phí huy động có khả năng chạm đáy vào cuối quý III/2023

Cổ phiếu ngân hàng kỳ vọng bật lên từ nền thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kinh tế khó khăn khiến tín dụng tăng chậm, nợ xấu gia tăng, song cổ phiếu ngân hàng vẫn được đánh giá có triển vọng đầu tư.

Chi phí huy động giảm

Quý I/2023, chi phí huy động của ngành ngân hàng tăng mạnh, phản ánh các đợt tăng lãi suất từ quý IV/2022, sau đó tăng chậm lại trong quý II/2023, nhưng khác nhau về mức độ giữa các nhà băng, phụ thuộc vào cấu trúc và lợi thế huy động.

Theo các chuyên gia phân tích, phần lớn cấu trúc huy động của hầu hết ngân hàng là tiền gửi kỳ hạn ngắn từ 3 - 6 tháng nên quý III/2023 sẽ phản ánh rõ hơn tác động của các đợt cắt giảm lãi suất tiền gửi kể từ cuối tháng 3, nhờ Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hạ lãi suất điều hành.

Hiệu ứng này sẽ tiếp diễn trong quý IV/2023, khi chi phí huy động dự kiến duy trì đi ngang, hoặc giảm nhẹ trong kịch bản Ngân hàng Nhà nước có thêm một đợt hạ lãi suất điều hành. Riêng nhóm Big 4 (VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank), gần đây liên tục giảm lãi suất tiền gửi, có hiệu lực từ giữa tháng 8, nên chi phí huy động của nhóm này có thể sẽ giảm mạnh hơn.

Với việc chi phí huy động bắt đầu giảm dần từ quý II và có khả năng chạm đáy trong quý III, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm 2023, nhưng với tốc độ chậm, do có độ trễ so với lãi suất huy động khoảng 3 - 6 tháng.

Cùng với đó, biên lãi ròng của các ngân hàng có thể phục hồi so với quý I và quý II, nhưng tính chung cả năm 2023 nhiều khả năng suy giảm so với năm 2022.

Ngoài ra, động lực tăng trưởng thu nhập ngoài lãi hạ nhiệt, dẫn đến tổng thu nhập hoạt động dự kiến tăng trưởng ở mức thấp, trước khi quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao từ năm 2024. Điểm tích cực là tăng trưởng tín dụng đã hồi phục trong tháng 8/2023 sau khi chững lại vào tháng 7/2023 và kỳ vọng tiếp tục tăng trong các tháng còn lại của năm.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%). Các ngân hàng thương mại đã nỗ lực triển khai các gói tín dụng ưu đãi với mức giảm từ 0,5 - 3%/năm, tuỳ đối tượng khách hàng. Mức lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất thêm từ 0,5 - 1,5%/năm từ nay cho đến đầu năm 2024.

VDSC cho rằng, với kịch bản phần lớn hoạt động kinh tế sẽ hồi phục từ cuối năm 2023 và khả quan trong năm 2024, cổ phiếu ngân hàng có dư địa tăng trưởng về giá ở mức P/B hiện tại. Định giá ngành ngân hàng đã phục hồi tương đối sau khi có hướng tháo gỡ cho các nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Mức P/B hiện nay của ngành ngân hàng tương đương giai đoạn 2016 - 2017, khi thị trường bất động sản bắt đầu khởi sắc sau giai đoạn dài trầm lắng. Vì thế, VDSC kỳ vọng, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi rõ rệt hơn, giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng được tái định giá lên mặt bằng cao hơn.

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ cho thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp giúp rủi ro nợ xấu tăng cao ở một số ngân hàng chưa sớm lộ diện. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN, tạo điều kiện cho các ngân hàng trong việc cơ cấu nợ.

Tốc độ gia tăng nợ xấu và áp lực chi phí huy động đang cho thấy xu hướng ôn hòa hơn.

Báo cáo tài chính quý II/2023 của các ngân hàng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay (NPL) toàn ngành là 2,1%, tăng 0,4% so với quý I/2023 và tăng 0,7% so với cuối năm 2022. Đây là mức NPL cao nhất kể từ quý I/2022.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận xét, các yếu tố tiêu cực như tốc độ gia tăng nợ xấu, áp lực chi phí huy động của ngành ngân hàng đang có xu hướng “ôn hòa” hơn.

Chọn lọc cơ hội đầu tư

Cổ phiếu ngân hàng thường được coi là nhóm dẫn dắt khi có tính thị trường cao, số lượng cổ phiếu lưu hành lớn. Những tháng cuối năm 2023 giới phân tích có kỳ vọng tích cực đối với nhóm ngành này khi định giá cổ phiếu đang ở vùng đáy, sức khỏe tài chính nhiều nhà băng tương đối tốt và triển vọng lợi nhuận khả quan.

Theo thống kê của bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB, tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 tăng 3,4% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần tăng 8% và thu nhập ngoài lãi giảm 10,1%. Chi phí trích lập dự phòng tăng 9,4% so với cùng kỳ, trong đó nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước giảm 18% và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng 26,4% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng thương mại giảm 2,9%, trong đó hai nhóm trên lần lượt tăng 18,5% và giảm 11,7% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu, Quỹ Dragon Capital Việt Nam cho biết, triển vọng đối với ngành ngân hàng, hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index, vẫn tích cực với mức dự phóng tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2023 khoảng 10%.

VN-Index đã đạt ngưỡng 1.200 điểm, P/E bình quân trên 15 lần, dẫn đến tương quan định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi P/E chủ yếu từ 5 - 7 lần.

Trong bối cảnh đó, cộng với dự báo lợi nhuận khả quan trong năm 2024, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã nâng mục tiêu về giá cho không ít cổ phiếu ngân hàng như mã ACB tăng 22%, lên 28.510 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng mức sinh lời trong 12 tháng là 28% (bao gồm cổ tức).

Giá mục tiêu đối với cổ phiếu MBB tăng 16%, lên 25.260 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng mức sinh lời trong 12 tháng khoảng 36%.

Cổ phiếu VCB được khuyến nghị mua với kỳ vọng giá tăng lên 99.420 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức sinh lời trong 12 tháng (bao gồm cổ tức) là 13%. Cổ phiếu HDB được khuyến nghị mua với kỳ vọng giá tăng lên 22.390 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức sinh lời trong 12 tháng là 36% (bao gồm cổ tức).

Giới phân tích nhận định, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng trở lại trong 2 quý cuối năm nay, bởi tín dụng có khả năng tăng tốc nhanh hơn, dựa trên một số yếu tố như xuất khẩu phục hồi tăng trưởng trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái và nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc dần khôi phục. Bên cạnh đó, hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm sẽ kích hoạt nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Chính sách tài khoá như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% về 8% góp phần kích thích nhu cầu tiêu dùng…

Tin bài liên quan