Ngành chăn nuôi đang khó khăn, nhưng kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sẽ phục hồi trong quý IV/2021.

Ngành chăn nuôi đang khó khăn, nhưng kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sẽ phục hồi trong quý IV/2021.

Cổ phiếu ngành chăn nuôi hụt hơi theo đà giảm giá thịt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá bán lao dốc, trong khi nguyên liệu đầu vào tăng cao, nên các doanh nghiệp ngành chăn nuôi đang gặp khó chồng khó.

Giá bán giảm, nhu cầu tiêu thụ yếu vì Covid

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giá thịt lợn hơi xuất chuồng có xu hướng giảm kể từ tháng 3 - 4/2021. Tính đến tháng 9/2021, giá lợn còn 40.000 - 49.000 đồng/kg, tùy từng vùng (giảm 33 - 43% so với tháng 4 và giảm khoảng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái). Tại một số địa phương giãn cách xã hội, giá bán xuống dưới 40.000 đồng/kg.

Chi phí để nuôi một con lợn đang ở mức rất cao, 3,71 triệu đồng/con, trong khi giá bán hiện giảm khoảng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 4,7 triệu tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đàn lợn cả nước đến cuối tháng 9/2021 có khoảng 28 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đàn lợn quá lứa ứ đọng trong chuồng chưa xuất bán chiếm khoảng 30%.

Giá bán các sản phẩm gia cầm như gà, vịt cũng giảm sâu. Đàn gia cầm cả nước hiện khoảng 523 triệu con, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đàn gia cầm tiếp tục phát triển nhưng nhu cầu thị trường giảm vì dịch bệnh nên lượng gia cầm tồn đọng trong chuồng cao.

Tại hội nghị trực tuyến phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022 diễn ra ngày 8/10, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi nhìn nhận, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn ở khâu lưu thông, vận chuyển sản phẩm, vật tư phục vụ sản xuất chăn nuôi.

Theo ông Trọng, dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới và Việt Nam làm đứt gãy hàng loạt chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi. Ngoài ra, giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là thức ăn tăng 16 - 36% so với đầu năm. Tại một số nhóm ngành hàng, giá sản phẩm không đủ bù đắp chi phí sản xuất.

Áp lực chi phí tăng kéo giảm lợi nhuận

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) cho hay, do dịch Covid-19 và giãn cách xã hội nên nhu cầu tiêu thụ giảm, lượng thịt lợn đưa ra thị trường giảm khoảng 9.000 tấn/tháng.

Dịch bệnh làm DBC phát sinh các khoản chi phí như chi phí vận chuyển, chi phí xét nghiệm Covid-19, thực hiện phương án 3 tại chỗ, hỗ trợ người lao động nằm trong khu cách ly, khu phong tỏa, chi phí tăng ca do thiếu hụt lao động… Áp lực gia tăng chi phí đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ước tính, trong quý III/2021, DBC đạt doanh thu 4.133 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 138 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu đạt 13.669 tỷ đồng, tăng 93%; lợi nhuận sau thuế 718 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lãnh đạo DBC chia sẻ, chi phí để nuôi một con lợn đang ở mức rất cao, gồm 1 triệu đồng cho con giống, 2,7 triệu đồng cho thức ăn chăn nuôi, 1.400 - 1.700 đồng thuốc thú y, 7.000 đồng chi phí chuồng trại, tổng cộng là 3,71 triệu đồng/con, đó là chưa kể tỷ lệ lợn chết chiếm khoảng 5% giá thành một con.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chăn nuôi Phú Sơn (PSL) Đinh Văn Hồng, hoạt động sản xuất - kinh doanh chăn nuôi lợn của Công ty trong quý III/2021 gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chỉ ước đạt doanh thu 26,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 889 triệu đồng (nửa đầu năm 2021, PSL đạt 74,2 tỷ đồng doanh thu và 25,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế).

PLS nhận định, hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ tiếp tục gặp khó khăn, thách thức do giá tiêu thụ lợn thịt, lợn giống ở mức thấp, giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu giảm. Do đó, trong quý cuối năm, PLS đề ra kế hoạch đạt tổng doanh thu 17,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 597 triệu đồng.

Đối với Công ty cổ phần Mitraco (MLS), bên cạnh các gánh nặng về chi phí gia tăng, sức mua giảm, doanh nghiệp này chịu áp lực hàng tồn kho cao khi tính đến cuối tháng 8, sản lượng thương phẩm chưa bán hết theo kế hoạch là 3.300 con lợn. Năm 2021, MLS đặt mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế 45 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2020.

Tổng công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam (VLC) và Công ty cổ phần Masan Meatlife (MML) chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2021, nhưng quý II trước đó ghi nhận kết quả khả quan.

VLC đạt 142,2 tỷ đồng lợi nhuận trong quý II/2021, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ sự đóng góp tích cực của Mộc Châu Milk. VLC vừa có động thái mới là thành lập Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Nhật. Công ty con này có vốn điều lệ ban đầu cho giai đoạn thử nghiệm là 46 tỷ đồng, trong đó VLC góp 51%, Tập đoàn Sojtz (Nhật Bản) góp 49% để phát triển thị trường bò thịt theo công nghệ Nhật Bản tại Việt Nam.

MML ghi nhận doanh thu 10.232 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 288 tỷ đồng trong quý II/2021, tăng lần lượt 42% và 299% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cổ phiếu rung lắc

Trên sàn chứng khoán, nhiều cổ phiếu ngành chăn nuôi đang có mức giá thấp hơn so với đầu năm, dù thị trường chung tăng điểm. Chẳng hạn, giá cổ phiếu DBC hiện giảm gần 8% so với đầu tháng 9, nhưng tăng hơn 11% so với đầu năm; giá cổ phiếu PLS giảm 6,1%, MLS giảm 9,4%, VLC giảm 16,9% so với hồi đầu năm, riêng mã MML tăng 80,8%.

MML có yếu tố riêng, trong bối cảnh dịch bệnh và giãn cách xã hội, sản phẩm của doanh nghiệp này vẫn được tiêu thụ với triển vọng tích cực tại các siêu thị trong hệ thống thuộc WinCommerce.

Mới đây, MML đã có Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu nhằm huy động 7.283 tỷ đồng nhằm tái cấu trúc và tách mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, tái cấu trúc chi tiết để đơn giản hóa mảng kinh doanh thịt.

Đối tượng phát hành trái phiếu là các cổ đông (chốt quyền ngày 31/8/2021) và đáp ứng điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 2%/năm, thanh toán một lần, nhưng sẽ thanh toán bằng cổ phần của Công ty cổ phần MNS Feed - công ty con phụ trách toàn bộ mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Mức giá chuyển đổi 10.000 đồng/cổ phiếu MNS Feed, sẽ được điều chỉnh tương ứng nếu công ty này phát hành cổ phần để trả cổ tức hoặc phát hành cổ phần tăng vốn.

Không ít doanh nghiệp đang tính toán về việc có tái đàn lợn hay không khi tồn kho vẫn lớn, giá chưa phục hồi, trong khi áp lực chi phí tăng. Được biết, DBC và C.P Việt Nam đang có lượng lớn lợn 33 - 34 tuần tuổi, dự kiến phải bán liên tiếp hai tháng mới hết số lợn cũ.

Tin bài liên quan