Cổ phiếu SHB: “Ngôi sao” thanh khoản

Cổ phiếu SHB: “Ngôi sao” thanh khoản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/5, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.268,43 điểm, tăng 35,05 điểm - tương đương +2,84%. Trong một diễn biến tương tự, trên sàn HNX, chỉ số HnxIndex cũng tăng 8,96 điểm - tương đương +2,93%, đóng cửa ở mức 314,91 điểm.

Thời đến, cản không không nổi

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, TTCK Việt Nam năm 2022 vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư trong nước khi thanh khoản được duy trì ở mức cao. Mặt bằng lãi suất có tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp tiếp tục là động lực thu hút các nhà đầu tư trong nước, trong khi áp lực rút vốn của khối ngoại tăng không đáng kể do tiềm năng, giá cổ phiếu của TTCK Việt Nam còn hấp dẫn.

TS. Lực cũng đưa ra 2 kịch bản cho điểm số VN-Index. Cụ thể, kịch bản 1 (1.436 điểm) với giả định EPS tăng trưởng 13% và P/E 14,5 lần và kịch bản 2 (1.614 điểm) với giả định EPS tăng trưởng 16,5% và P/E 16,3 lần. Đồng thời, khối ngoại bán ròng 200 triệu USD với kịch bản 1 và mua ròng 500 triệu USD với kịch bản 2 từ kỳ vọng các thương vụ M&A từ các Công ty tư nhân lớn, khối ngân hàng niêm yết và áp lực rút ròng không còn lớn từ khối nước ngoài offshore.

Trong một diễn biến có liên quan, SSI Research vừa đưa ra dự báo đối với Các Quỹ hoán đổi danh mục (Exchanged Traded Fund-ETF) kỳ quý II/2022. Theo đó, hai ETF ngoại quy mô gần 1 tỷ USD gồm FTSE Vietnam và V.N.M ETF sẽ mua mạnh một số cổ phiếu, trong đó có SHB. Theo dự báo của SSI Research, SHB, NLG và VHC có thể được thêm vào danh mục chỉ số FTSE Vietnam Index. Tổng tài sản quỹ FTSE ETF tại ngày 23/5 đạt 275 triệu USD. SSI Research đưa ra ước tính tỷ trọng danh mục FTSE Vietnam Index và giao dịch của FTSE ETF. Theo đó, SHB có thể được mua vào hơn 7 triệu cổ phiếu.

Còn theo theo tính toán của Công ty chứng khoán Yuanta, V.N.M ETF, hiện có tổng tài sản gần 545 triệu USD, dự kiến sẽ mua ròng 13,8 triệu cổ phiếu SHB. FTSE ETF, có quy mô tài sản hơn 370 triệu USD, dự kiến mua 15,3 triệu cổ phiếu SHB. Tổng hai ETF sẽ mua vào hơn 29 triệu SHB trong kỳ cơ cấu danh mục quý II/2022.

Được biết, ngày chốt số liệu của V.N.M ETF là 31/5/2022 và ngày công bố 10/6, ngày hoàn thành tái cơ cấu danh mục 17/6/2022. Với FTSE ETF, ngày chốt số liệu là 27/5, công bố ngày 3/6 và hoàn thành tái cơ cấu danh mục 17/6.

Diễn biến trên thị trường thời gian qua cho thấy, trong khi thanh khoản liên tục giảm, cổ phiếu ngân hàng vẫn được chú ý nhờ kỳ vọng tích cực vào kết quả kinh doanh, trong đó SHB là một trong những “ngôi sao thanh khoản”. Cụ thể, thanh khoản trung bình của cổ phiếu SHB từ đầu năm tới nay đạt hơn 10,6 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Trong đó, tính riêng tháng 5, thanh khoản bình quân phiên đạt gần 11 triệu cổ phiếu.

SHB cũng là một trong những cổ phiếu ưa thích của khối ngoại, được nhóm này mua ròng liên tục trong một tháng gần nhất. Với định giá của SHB đang ở vùng hấp dẫn. Giá trị sổ sách của SHB hiện ở mức gần 14.200 đồng, với thị giá cổ phiếu ở mức 14.400 đồng, tương đương với mức định giá P/B của SHB chỉ xấp xỉ 1. Nói cách khác, giá trị cổ phiếu SHB đang giao dịch gần tương đương giá trị sổ sách. Nếu xét theo P/E, cổ phiếu SHB hiện chỉ ở mức chưa tới 7 lần.

Theo Công ty chứng khoán ABS, các tỷ lệ này đều thấp hơn đáng kể trung bình ngành. P/B trung bình ngành ngân hàng hiện ở mức 2,06, P/E khoảng 11,95 lần.

Thông điệp từ các tín hiệu kỹ thuật

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, bất chấp những trở ngại từ đại dịch Covid-19, khu vực tài chính của Việt Nam vẫn có khả năng phục hồi trong năm 2020 và 2021 nhờ nền tảng kinh tế vững chắc của đất nước.

“Tỷ suất lợi nhuận ròng của các ngân hàng thương mại tăng hơn 30% vào năm 2021 so với năm 2020. Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán tăng 48% vào năm 2021 so với năm 2020. Thị trường bảo hiểm cũng tăng trưởng 19% năm 2021 so với mức tăng trưởng 14% năm 2020”, ông Andrew nói.

Với một thị trường tài chính đầy hấp dẫn, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thể bỏ qua và theo như nghiên cứu của các chuyên gia HSBC: “Trong vài tuần vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu quay trở lại”.

Vấn đề là “lọc” cổ phiếu trên nền tảng nào? Nếu nhìn vào một trong những điển hình về cổ phiếu ưa thích của khối ngoại là SHB sẽ không khó để ra quyết định. Với kết quả kinh doanh quý I/2022 ấn tượng khi đứng Top 8 toàn hệ thống và Top 5 ngân hàng TMCP tư nhân về lợi nhuận. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý I đạt 3.227 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ. Tổng tài sản của SHB đạt 515.553 tỷ đồng, tăng 1,8% so với đầu năm, huy động vốn thị trường 1 đạt 388.116 tỷ đồng, tăng 2,6%, dư nợ cấp tín dụng đạt 388,196 tỷ đồng, tăng 5,3%.

Báo cáo tài chính cũng cho thấy, nhân viên SHB có năng suất lao động cao thứ 2 toàn hệ thống và vừa qua, Ngân hàng đã được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service nâng mức xếp hạng tín nhiệm từ ổn định lên tích cực.

Đặc biệt, câu chuyện của SHB giống như nhận định của Giám đốc ADB khi năm 2021, mặc dù gặp không ít khó khăn bởi đại dịch Covid-19, song Ngân hàng vẫn nỗ lực kinh doanh, gặt hái những thành công lớn.

Tổng tài sản của SHB đạt 506,6 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2020. Vốn tự có theo chuẩn Basel II đạt 53.114 tỷ đồng. Huy động vốn thị trường 1 đạt 379 nghìn tỷ đồng, tăng 12%; dư nợ cấp tín dụng đạt 369 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế của SHB đạt 6.260 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ, hoàn thành 102% kế hoạch năm. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, các cổ đông đã thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%.

2021 cũng là năm Ngân hàng hoàn tất việc chuẩn bị các nền tảng để tiến tới chuyển đổi phương pháp tính vốn nâng cao (FIRB), đáp ứng các chuẩn mực Basel III về rủi ro thanh khoản, sau khi đã hoàn thành trước hạn cả 3 trụ cột Basel II. Trong mục tiêu tạo ra luồng gió mới đối với TTCK và các nhà đầu tư, SHB đã chuyển giao dịch cổ phiếu từ HNX sang HOSE. Và đáng chú ý là thương vụ thoái 100% vốn của SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri - Thái Lan đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông SHB, nâng cao năng lực tài chính và vị thế của Ngân hàng.

Tiếp nối năm 2021 thành công là kế hoạch bứt phá của năm 2022 với mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng trên 12%, vốn điều lệ tăng trưởng 37% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87% và dự kiến chia cổ tức năm 2022 từ 18%. Hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất là nguồn vốn huy động và tổng dư nợ tín dụng, SHB dự kiến tăng lần lượt 9,8% và 14,4%, đạt 504.539 tỷ và 421.715 tỷ đồng vào cuối năm nay.

“Trong giai đoạn tiếp theo, chuyển đổi số tiếp tục là trụ cột phát triển của SHB, hướng tới phát triển ngân hàng theo hướng hiện đại hóa, ngày càng kinh doanh hiệu quả và vươn tầm quốc tế. Đồng thời SHB tiếp tục triển khai chiến lược phát triển khách hàng chuỗi giá trị, hệ sinh thái, lấy khách hàng làm trọng tâm, trong đó tập trung phát triển khách hàng mới, chú trọng phát triển phân khúc khách hàng mục tiêu, tệp khách hàng truyền thống, khách hàng đa ngành, đem lại hiệu quả cao phù hợp với tiềm năng của vùng miền, địa bàn”, một lãnh đạo cao cấp SHB cho biết.

Tin bài liên quan