Thép là một trong những nhóm cổ phiếu được các nhà đầu tư quan tâm nhất trên thị trường.

Thép là một trong những nhóm cổ phiếu được các nhà đầu tư quan tâm nhất trên thị trường.

Cổ phiếu thép vẫn có trợ lực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp thép tăng cao, nhưng vẫn thu hút nhà đầu tư, bởi ngành này tiếp tục nhận được không ít yếu tố hỗ trợ.

Giá cổ phiếu nương theo giá thép

Giá thép và sản lượng tiêu thụ cao đã giúp nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận quý II/2021 cao nhất kể từ khi niêm yết. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhóm doanh nghiệp thép hưởng lợi từ sản lượng tăng và giá bán bình quân cao hơn, ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trên 326% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt ước tính, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, 98% doanh nghiệp thép mà Công ty theo dõi gần như hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm, có doanh nghiệp thực hiện vượt mức kế hoạch năm, dù kế hoạch này cao hơn nhiều năm ngoái.

Lợi nhuận đột biến của hầu hết doanh nghiệp thép trong nửa đầu năm 2021 là nhờ hưởng lợi từ bối cảnh nhu cầu thép cao, đẩy giá tăng mạnh ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu.

Trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu thép “dậy sóng”, thu hút dòng tiền và giá tăng vọt, nhất là các mã đầu ngành như HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, HSG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, NKG của Công ty cổ phần Thép Nam Kim.

Gần 2 tháng qua, những nhịp điều chỉnh đan xen của thị trường khiến “sóng” cổ phiếu thép chững lại, ngoại trừ các mã đầu ngành thì không ít mã hiện có mức giá thấp hơn từ 6 - 15% so với cuối tháng 6/2021. Đặc biệt, giá thép và nguyên liệu đầu vào như quặng sắt sau khi tăng cao trong 5 tháng đầu năm đã có diễn biến giảm.

Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, giá thép giảm từ mức cao kỷ lục trong tháng 5/2021 phản ánh việc EU và Mỹ tăng cường sản xuất thép cho giai đoạn phục hồi kinh tế sau khi bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, giá thép giảm còn do sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc trong việc ngăn chặn tình trạng đầu cơ ép giá.

Tuy nhiên, kể từ tháng 7, giá thép dần tăng trở lại. Theo đó, một số cổ phiếu thép lập đỉnh giá mới như NKG.

Ngày 16/8, China Steel Corp (CSC), nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc nhận định, các dự án cơ sở hạ tầng của Mỹ và châu Âu sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế toàn cầu, góp phần nâng cao nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thép. CSC cho biết, từ tháng 9 sẽ tăng giá thép tại thị trường nội địa lên 1,2% để phản ánh chi phí sản xuất cao hơn và nhu cầu thép tăng trở lại.

Nhu cầu thép toàn cầu gia tăng

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), những tháng cuối năm 2021, các nhà sản xuất thép của Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi áp lực cạnh tranh giảm và giá thép có khả năng duy trì ở nền cao cho đến nửa đầu năm 2022 do chi phí sản xuất tăng và sản lượng giảm ở Trung Quốc, trong khi nhu cầu tại thị trường Mỹ và EU vẫn mạnh mẽ. Nhu cầu thép đang gia tăng do sự bùng nổ của ngành công nghiệp ô tô và sự hồi phục của ngành xây dựng trên toàn cầu.

Nhu cầu thép ở châu Âu được dự báo sẽ tăng 10,2% trong năm 2021 và 4,8% vào năm 2022 sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm tôn mạ của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, các biện pháp tự vệ của EU được gia hạn đối với thép nhập khẩu, chủ yếu nhắm vào đối thủ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia phân tích Phạm Minh Tú tại VDSC cho hay, chênh lệch giá thép cuộn cán nóng giữa EU và Việt Nam ngày càng nới rộng và dao động trong khoảng 300 - 530 USD/tấn, ước tính biên lợi nhuận gộp của các nhà xuất khẩu thép ở Việt Nam dao động từ 15 - 25% trong nửa cuối năm 2021, sau đó giảm xuống còn khoảng 14% vào năm 2022, nhưng vẫn cao hơn so với giai đoạn 2018 - 2019.

Về sản phẩm tôn mạ, nhu cầu đối với sản phẩm này của Việt Nam tại EU và Bắc Mỹ rất ổn định. Các nhà sản xuất tôn mạ lớn, chẳng hạn HSG và NKG, hiện đã nhận đủ đơn đặt hàng để sản xuất cho đến tháng 11/2021. Dự báo, doanh số tiêu thụ thép của HSG và NKG trong nửa cuối năm 2021 sẽ tăng lần lượt 15% và 32% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong bối cảnh nhu cầu thép gia tăng, hầu hết trung tâm sản xuất thép lớn của thế giới như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế xuất khẩu, còn Trung Quốc có thể tăng nhập khẩu thép để đáp ứng nhu cầu tăng cao tại thị trường nội địa, trong khi nguồn cung giảm vì hoạt động sản xuất thép bằng công nghệ lò thổi bị hạn chế do chính sách giảm phát thải carbon.

Trung Quốc là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới với 55% thị phần, do đó, việc nhập khẩu cộng với động thái siết xuất khẩu bằng cách cắt giảm hoàn thuế xuất khẩu của nước này dự kiến sẽ gây nên sự thiếu hụt nguồn cung thép trên phạm vi toàn cầu.

Hoạt động đầu tư công sẽ được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới cũng là yếu tố hỗ trợ các doanh nghiệp thép Việt Nam. Ngày 16/8, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1082/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch (7 tháng đầu năm mới giải ngân được 169.300 tỷ đồng, bằng 36,7% kế hoạch).

Theo thông tin từ HPG, chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ gần đây đã bắt đầu đi vào thực tế. Nhiều công trình hạ tầng, dự án được triển khai như công trình cao tốc Bắc Nam (đoạn qua Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng), công trình sửa chữa, nâng cấp đường băng các sân bay quốc tế, các công trình bệnh viện, trường học, các dự án nhiệt điện…., đa số công trình sử dụng thép Hòa Phát để thi công.

Sản lượng bán hàng thép xây dựng tháng 7/2021 của HPG đạt 300.000 tấn, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 19% so với tháng 6.

Mặc dù có nhiều yếu tố hỗ trợ, tạo dư địa tăng giá cho nhóm cổ phiếu thép, nhưng Công ty Chứng khoán Bản Việt nhìn nhận, giá cổ phiếu nhóm này đã phản ánh phần lớn lợi nhuận dự kiến tăng mạnh của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép nhiều khả năng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2021 do chi phí sản xuất tăng. Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán BSC đánh giá, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp thép sẽ chậm lại.

Bên cạnh đó, tiêu thụ thép có thể phục hồi trong quý IV/2021 nhờ yếu tố mùa vụ và các dự án bị hoãn lại trong quý III, nhưng vẫn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh Covid-19.

Tin bài liên quan