Điểm hấp dẫn của Sudico là dự án Nam An Khánh.

Điểm hấp dẫn của Sudico là dự án Nam An Khánh.

Cổ phiếu thoái vốn ngược dòng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin Tổng công ty Sông Đà - CTCP sẽ thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà đã đẩy giá cổ phiếu của cả hai tăng vọt, dù thị trường chung điều chỉnh.

Thoái vốn với giá cao

Mới đây, Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà - CTCP (Sông Đà, mã chứng khoán SJG) đã phê duyệt phương án thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã chứng khoán SJS).

Sông Đà sẽ bán đấu giá trọn lô gần 42 triệu cổ phiếu SJS với giá khởi điểm 80.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều giá trị sổ sách và thị giá giao dịch trên sàn.

Theo đó, Sông Đà sẽ bán toàn bộ gần 42 triệu cổ phiếu SJS qua phương thức đấu giá cả lô. Lượng cổ phiếu này chiếm 36,7% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành của Sudico.

Giá khởi điểm bán đấu giá lô cổ phiếu trên là 80.000 đồng/cổ phiếu, đây là mức giá cao nhất trong 3 mức giá được đưa ra, xác định theo phương pháp tài sản có tham khảo giá đề xuất của đơn vị tư vấn - Công ty cổ phần Định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam.

Hai mức giá tham khảo khác là giá tham chiếu bình quân 30 ngày liên tiếp của cổ phiếu SJS trước ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn là 55.800 đồng/cổ phiếu và giá tham chiếu trước ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn 1 ngày là 58.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, giá trị sổ sách của SJS chỉ hơn 19.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu thương vụ thoái vốn thành công, Sông Đà sẽ thu về hơn 3.340 tỷ đồng.

Trước đó, trên thị trường đã râm ran thông tin về việc Sông Đà sẽ thoái vốn tại Sudico với giá cao. Thực tế, kế hoạch thoái vốn được thị trường chờ đợi từ vài năm nay, hầu như năm nào cũng xuất hiện luồng thông tin “sắp thoái vốn” và có tác động không nhỏ lên thị giá cổ phiếu trên sàn.

Giá cổ phiếu SJS hiện có mức tăng gần 121% so với đầu năm 2021, trong đó, giai đoạn tăng tốc là từ đầu tháng 4 đến nay (tăng 73%), đạt 61.800 đồng/cổ phiếu (ngày 15/7), với thanh khoản bình quân hơn 200.000 đơn vị/phiên.

Thông tin thoái vốn tác động lên cả cổ phiếu SJG khi mã này liên tục tăng giá mạnh, dù thị trường chung gần đây “đỏ lửa”. So với đầu năm, cổ phiếu SJG đã tăng giá 150%, đạt 14.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 15/7.

Sông Đà: Lãi nhỏ, nợ lớn

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Sông Đà ghi nhận 5.999,6 tỷ đồng doanh thu và 178,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 14% và 44% so với năm 2019. Trong đó, lợi nhuận công ty mẹ là 7,5 tỷ đồng; lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) vỏn vẹn 17 đồng (năm 2019 là 350 đồng). Quý I/2021, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 9,3 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận công ty mẹ là 2,5 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, doanh nghiệp có các khoản nợ phải trả lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, nợ phải trả tính đến ngày 31/3/2021 của Sông Đà là gần 18.572 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 63%.

Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối quý I là 2,58 lần (vốn chủ sở hữu 7.194,6 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 4.495,4 tỷ đồng). Trong các khoản nợ, doanh nghiệp vay nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn tổng cộng hơn 11.507 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay trong quý đầu năm 2021 là 210,4 tỷ đồng (chi phí lãi vay cả năm 2020 là hơn 800 tỷ đồng).

Sông Đà có nhiều khoản đầu tư tài chính dài hạn, tính đến cuối năm 2020, tổng giá trị các khoản này là 6.455 tỷ đồng, bao gồm đầu tư vào công ty con 3.915 tỷ đồng, đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết 2.544 tỷ đồng và góp vốn vào doanh nghiệp khác 208 tỷ đồng. Cổ tức, lợi nhuận được chia trong năm 2020 từ các khoản đầu tư tài chính là 237 tỷ đồng, tỷ suất sinh lời 3,7%.

Tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, Sông Đà chuyển thành công ty cổ phần từ ngày 6/4/2018, vốn nhà nước chiếm 99,79%. Ngày 31/8/2020, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã nhận chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Sudico từ Bộ Xây dựng. Trong danh sách thoái vốn năm 2021, SCIC có kế hoạch thoái vốn tại Sông Đà (vốn điều lệ 4.485,97 tỷ đồng, SCIC đại diện sở hữu 99,79%).

Sudico: Lợi nhuận giảm dần

Năm 2020, mức lãi ròng mà Sudico đạt được là 42 tỷ đồng, giảm 61% so với năm 2019. Ba năm trước đó, lợi nhuận giảm dần qua từng năm, song doanh nghiệp vẫn duy trì được mức lãi hơn 100 tỷ đồng/năm.

Bước sang năm 2021, Sudico đặt kế hoạch đạt doanh thu 1.155 tỷ đồng, lợi nhuận 171 tỷ đồng. Kết thúc quý I, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 159 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 35 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ, nhưng vẫn khiêm tốn so với quy mô vốn điều lệ hơn 1.148,5, vốn chủ sở hữu 2.107,8 tỷ đồng, tổng tài sản 7.236,9 tỷ đồng.

Sudico tiền thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Sông Ðà, thành lập năm 2001, cổ phần hóa năm 2003. Công ty sở hữu quỹ đất lớn tại không ít tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Ninh, Ðà Nẵng.

Trong đó, dự án có quy mô lớn nhất là Nam An Khánh, được cấp phép đầu tư từ năm 2004 trên diện tích 312 ha, thuộc địa bàn hai xã An Khánh và An Thượng, huyện Hoài Ðức, TP. Hà Nội. Dự án này được đánh giá cao về tiềm năng lợi nhuận nhờ vị trí đắc địa, nằm cạnh Ðại lộ Thăng Long nối liền với trung tâm Thủ đô.

Những năm trước, trên thị trường có luồng thông tin cho rằng, doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản là Vingroup sẽ tham gia mua đấu giá cổ phiếu SJS, bởi lẽ tập đoàn này đang có dự án Vinhomes Thăng Long và Vinsmart City, nên việc tham gia đấu giá nhằm có thêm quỹ đất.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Techcombank, hưởng lợi từ sự xuất hiện của Vinhomes Thăng Long và xu hướng sốt đất nền phía Tây Hà Nội, dự án Nam An Khánh hứa hẹn đem lại cho Sudico sự chuyển biến tích cực hơn về kết quả kinh doanh trong tương lai.

Tính đến ngày 31/12/2021, tồn kho tại dự án Nam An Khánh là 3.443,7 tỷ đồng, chiếm 49% tổng tài sản của Sudico. Ngoài ra, doanh nghiệp có khoản phải thu khách hàng từ dự án là 298 tỷ đồng và khoản chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang tại dự án Khu đô thị Nam An Khánh mở rộng 108,8 tỷ đồng. Như vậy, gần 55% tài sản của Sudico hiện nay là hai dự án trên.

Ngoài ra, Công ty có chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang tại dự án Hòa Hải - Đà Nẵng hơn 1.164 tỷ đồng, dự án Văn La - Văn Khê gần 529 tỷ đồng.

Liên quan đến hoạt động thoái vốn nhà nước của Sông Đà tại Sudico, Hội đồng quản trị Sudico đã bầu ông Đỗ Văn Bình làm Chủ tịch kể từ ngày 27/5/2021, thay thế ông Nguyễn Văn Tùng. Động thái này được nhìn nhận là sự quyết tâm của các cổ đông do ông Bình đại diện trong việc phát triển Công ty mà không phụ thuộc vào việc thoái vốn nhà nước.

Tin bài liên quan