Đà tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng dự kiến chậm lại trong 2 quý cuối năm 2021. Ảnh: Dũng Minh

Đà tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng dự kiến chậm lại trong 2 quý cuối năm 2021. Ảnh: Dũng Minh

Cổ phiếu vua còn lực đẩy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu ngân hàng không tăng, thậm chí giảm giá suốt quý III, các thông tin về hoạt động ngân hàng dường như đang xấu hơn thực tế.

Những thông tin xấu

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến 31/8/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tăng 7,42% so với cuối năm 2020. Trước đó, tín dụng toàn ngành cuối tháng 6 tăng 6,44% so với đầu năm (từ mức 2,95% cuối tháng 3) và gần gấp đôi mức tăng 3,65% của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tín dụng đang tăng chậm lại trong giai đoạn giãn cách xã hội khi tháng 7 và 8 chỉ tăng thêm 0,9%, nâng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên 7,4% so với đầu năm.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhu cầu tín dụng cho đến nay vẫn giảm do đại dịch Covid-19 làm gián đoạn sản xuất - kinh doanh, dù trong tháng 9, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng gia hạn các biện pháp hỗ trợ tín dụng cho những khách hàng bị ảnh hưởng thông qua tái cơ cấu nợ và duy trì phân loại nợ, miễn hoặc giảm lãi suất các khoản vay hiện có và cho vay ưu đãi đến ngày 30/6/2022. ADB dự báo, tăng trưởng tín dụng ở mức 10 - 11% trong năm nay, thấp hơn chỉ tiêu đề ra (12%).

Dẫu vậy, trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nói: “Điều quan trọng nhất của hệ thống ngân hàng mà tôi quan ngại là câu chuyện nợ xấu”.

Thực tế, báo cáo tài chính quý II/2021 của gần 30 ngân hàng thương mại cho thấy, tổng nợ xấu nội bảng tăng 4,51% so với cuối năm 2020. Trong đó, quá nửa ngân hàng có số dư nợ xấu tăng và hơn 1/3 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng nợ xấu hai con số. Trong khi đó, nợ xấu cũ vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Tính đến 30/6/2021, Top 3 ngân hàng có mức tăng nợ xấu cao nhất là Nam A Bank, VietinBank và Vietcombank, lần lượt là 83,2%, 52,1% và 31,3%. Đáng lưu ý, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của VietinBank tăng gấp đôi trong nửa đầu năm, từ hơn 6.000 tỷ đồng lên gần 12.300 tỷ đồng. Với Nam A Bank, số dư nợ xấu tăng lên 1.362 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 tăng 2,2 lần so với đầu năm.

Không ít ngân hàng ghi nhận khoản lãi dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi (bao gồm cho vay khách hàng) vào báo cáo thu nhập.

Tại ABBank, giá trị nợ xấu tăng 17,6% trong 6 tháng đầu năm 2021, lên 1.556 tỷ đồng, chiếm 2,32% tổng dư nợ cho vay (đầu năm là 2,09%). Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 90%, nợ nhóm 5 tăng gần 40%.

Tại một ngân hàng khác, nợ đủ tiêu chuẩn của PVcomBank tăng 6,6% trong nửa đầu năm 2021, lên hơn 86.078 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng gần 15%, lên 824 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 2%, lên 1.184 tỷ đồng...

Báo cáo của các tổ chức tín dụng gửi tới Ngân hàng Nhà nước cho thấy, từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2020, số nợ xấu được xử lý là 331.870 tỷ đồng. Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội tính đến ngày 31/12/2020 là 440.400 tỷ đồng, giảm 4,29% so với cuối năm 2019. Toàn hệ thống còn khoảng 425.400 tỷ đồng nợ xấu, chiếm hơn 42% tổng dư nợ.

Cuối tháng 8/2021, Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới cảnh báo, đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng khiến nhiều doanh nghiệp ở các thành phố lớn và một số khu công nghiệp phải đóng cửa nhằm phòng chống dịch. Vì vậy, cơ quan phụ trách chính sách tiền tệ cần cảnh giác với rủi ro gia tăng ở khu vực tài chính, cụ thể là quan tâm đến nợ xấu.

“Mặc dù tín dụng ngân hàng mới hoặc được tái cơ cấu là sự hỗ trợ đáng hoan nghênh cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, nhưng cũng góp phần chuyển giao rủi ro từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính”, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới nói.

Lãi dự thu: “Cứu cánh” và rủi ro

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ, hiện tại là giai đoạn nhạy cảm. Tháng 9 sắp kết thúc với việc phải công bố báo cáo tài chính quý III/2021, trong khi nền kinh tế vừa trải qua tháng 7, tháng 8 gần như không có hoạt động gì bởi yêu cầu giãn cách chống dịch của Nhà nước. Để đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ an toàn về vốn, quản trị rủi ro cho ngân hàng đáp ứng các chuẩn quốc tế Basel II, hướng tới Basel III, vấn đề đặt ra là tăng vốn.

“Mặc dù cổ phiếu ngân hàng vẫn là cổ phiếu “vua”, nhưng bức tranh lợi nhuận không sáng sẽ khó thu hút được nhà đầu tư, vốn đang ngày càng thận trọng “xuống tiền” trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay”, vị tổng giám đốc ngân hàng nhận định.

Chủ tịch một ngân hàng khác bày tỏ quan ngại, tổng lợi nhuận các ngân hàng tăng gần 60% trong 6 tháng đầu năm 2021 một phần do mức nền thấp của 6 tháng năm 2020. Đà tăng trưởng lợi nhuận của ngành dự kiến chậm lại trong nửa cuối năm do biên lợi nhuận (NIM) giảm, bởi động thái giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch.

“Các ngân hàng cần đòn bẩy hiệu quả”, vị chủ tịch ngân hàng nói.

Lãnh đạo các ngân hàng không thừa nhận, nhưng một trong những giải pháp được lựa chọn làm “đòn bẩy” đó là lãi dự thu. Đây là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi (bao gồm cho vay khách hàng). Ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, song vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập của ngân hàng và từ đó tạo ra lợi nhuận. Khoản lãi dự thu được ngân hàng cho vào nợ nhóm 1 (các khoản nợ khi bắt đầu chuyển sang nhóm 2 trở đi sẽ xuất hiện rủi ro về khả năng thu hồi).

Báo cáo tài chính của SHB cho thấy, mức lãi dự thu tăng 41%, từ 7.561 tỷ đồng cuối năm 2020 lên 10.677 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2021. Tương tự, các khoản lãi, phí phải thu của VietinBank tính đến 30/6/2021 là 9.695 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2020; con số này tại ABBank là 979 tỷ đồng, tăng 26%; lãi dự thu tại MB tăng 20%, từ 3.782 tỷ đồng lên 4.554 tỷ đồng; lãi dự thu tại HDBank tăng 17%, từ 3.091 tỷ đồng lên 3.602 tỷ đồng; lãi dự thu tại Techcombank tăng 11%, từ 5.185 tỷ đồng lên 5.737 tỷ đồng.

Đặc biệt, lãi dự thu tại PVcomBank trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 10,4%, lên 21.177 tỷ đồng, gấp gần 400% lợi nhuận sau thuế mà ngân hàng này đạt được trong kỳ.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, một số ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu/tổng tài sản tương đối cao, điều này có thể khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác. Đồng thời, rủi ro tiềm ẩn gia tăng nếu ngân hàng không thu được các khoản lãi dự thu, đồng nghĩa với việc ngân hàng buộc phải ghi giảm doanh thu nếu khoản lãi không thu được xảy ra trong cùng kỳ kế toán, hoặc phải ghi tăng chi phí nếu xảy ra ở một kỳ kế toán khác.

“Ban lãnh đạo các ngân hàng đều biết những bất cập đến từ lãi dự thu cao, nhưng hiện không có nhiều giải pháp nên vẫn sử dụng phương án này và từ từ rồi tính…”, lãnh đạo cao cấp một công ty kiểm toán lớn nhận xét.

Tin bài liên quan