Cơ quan giám sát tài chính toàn cầu cảnh báo về "những thách thức và cú sốc tiếp theo"

Cơ quan giám sát tài chính toàn cầu cảnh báo về "những thách thức và cú sốc tiếp theo"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ quan giám sát tài chính quyền lực nhất thế giới đã cảnh báo về “những thách thức và cú sốc tiếp theo” trong những tháng tới, khi lãi suất cao làm suy yếu sự phục hồi kinh tế và đe dọa các lĩnh vực quan trọng bao gồm cả bất động sản.

Trong báo cáo cập nhật cho các nhà lãnh đạo G20 trước hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi tuần này, Klaas Knot, Chủ tịch Ủy ban ổn định tài chính (FSB) cho biết: “Sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang mất đà và ảnh hưởng của việc tăng lãi suất ở các nền kinh tế lớn đang ngày càng được cảm nhận”.

“Chắc chắn sẽ có thêm những thách thức và cú sốc nữa mà hệ thống tài chính toàn cầu phải đối mặt trong những tháng và năm tới”, ông cho biết.

Thị trường tài chính đã tương đối ổn định trong những tháng gần đây sau một loạt cú sốc từ cuộc khủng hoảng ngân hàng trong năm nay khiến một số ngân hàng quy mô trung bình của Mỹ như Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank và dẫn đến sự sụp đổ của Credit Suisse.

Ông Klaas Knot cho biết, rủi ro trong hệ thống tài chính vẫn còn rõ ràng, mặc dù sự lây lan từ các sự kiện vào tháng 2 và tháng 3 đã bị hạn chế.

Ông nhấn mạnh, bất động sản là một trong những lĩnh vực mà các nhà chức trách khu vực nên “giám sát chặt chẽ” các dấu hiệu căng thẳng do lĩnh vực này dễ bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất và kêu gọi “các nhà cung cấp tài chính cho các lĩnh vực đó quản lý rủi ro của họ một cách hợp lý”.

Lãi suất cao hơn cần có thời gian để truyền tải hoàn toàn vào nền kinh tế thực vì một số người đi vay có các khoản vay lãi suất cố định trước khi các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh (BoE) bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ để giải quyết lạm phát tăng cao.

Ông Klaas Knot cho biết, vẫn có khả năng xảy ra căng thẳng thị trường hơn nữa và nhấn mạnh khả năng thực hiện “đầy đủ và nhất quán” các quy định về vốn ngân hàng toàn cầu đã được các cơ quan quản lý thống nhất vào năm 2017 và sẽ có hiệu lực vào năm 2023.

Ông cũng chỉ ra sự cần thiết phải có quy định chặt chẽ hơn đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng - từ tín dụng tư nhân đến các quỹ phòng hộ và công ty bảo hiểm - và cho biết việc thực hiện các cải cách đã được thống nhất để giải quyết rủi ro ở các thị trường đó là rất quan trọng.

Các khu vực đã tiến hành các biện pháp điều chỉnh các tổ chức tín dụng phi ngân hàng với tốc độ khác nhau, bao gồm các điều khoản liên quan đến quỹ thị trường tiền tệ, quỹ mở, tỷ suất lợi nhuận, đòn bẩy và thanh khoản thị trường trái phiếu.

Vào tháng 7, Mỹ đã tuyên bố rằng, họ sẽ không thực hiện các yêu cầu về vốn ngân hàng cho đến giữa năm 2025, muộn hơn khoảng 6 tháng so với EU và Anh để giúp các ngân hàng có thêm thời gian thích nghi với cơ chế mới.

Tờ Financial Times đã đưa tin các biện pháp này bao gồm thắt chặt các quy định về vốn và thanh khoản, đồng thời buộc Mỹ áp dụng các biện pháp đã được thống nhất toàn cầu đối với nhiều ngân hàng hơn.

Ông Klaas Knot cho biết, FSB sẽ sớm công bố một báo cáo về “bài học rút ra” từ cuộc khủng hoảng ngân hàng năm nay và “các ưu tiên chính sách trong tương lai”.

Tin bài liên quan