Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng Tài chính sáng 8/6

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng Tài chính sáng 8/6

Cơ quan thuế liên tục trả hồ sơ giao dịch bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước tình trạng gần đây một số cơ quan thuế liên tục trả hồ sơ giao dịch bất động sản vì thiếu căn cứ pháp lý để giải quyết, đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Tài chính giải thích.

Trong số 79 câu hỏi chất vấn do đại biểu Quốc hội gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sáng nay (8/6), nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề ách tắc giải quyết các giao dịch bất động sản do thiếu căn cứ pháp lý, cụ thể là định giá đất, dẫn đến thất thu thuế và đâu đó có hiện tượng cán bộ thuế lợi dụng sự chưa rõ ràng của quy định để nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) chất vấn: Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản để thống nhất thu ngân sách trong việc kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản nên qua đó đã có dấu hiệu tích cực làm tăng nguồn thu từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, việc ban hành văn bản này cũng gây không ít khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, một số cử tri phản ánh là một số nơi cán bộ còn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình làm hồ sơ chuyển nhượng bất động sản, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn hiện tượng này?

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) chất vấn thêm: Đối với vấn đề bất động sản, cử tri cho rằng, thời gian gần đây nhiều cơ quan thuế cũng liên tục trả hồ sơ về giao dịch bất động sản và như thế không mang tính chủ quan, thiếu các căn cứ pháp lý, đề nghị Bộ trưởng giải thích thêm?

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (đoàn Bến Tre)
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (đoàn Bến Tre)

Trả lời chất vấn của hai đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong Luật thuế cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành quy định khi chuyển nhượng bất động sản phải kê khai theo giá chuyển nhượng hai bên đã thỏa thuận. Trường hợp kê khai thấp hoặc không kê khai trên hợp đồng thì thu theo bảng giá đất đã ban hành.

"Từ những quy định này, người bán, chuyển nhượng bất động sản kê khai giá rất thấp dẫn đến thất thu về bất động sản. Đặc biệt, có trường hợp, sau khi được vận động, giải thích, kê khai giá 500 triệu đã tiến hành kê khai lại là 10 tỷ đồng", Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng cho rằng, đây là lỗ hổng làm thất thoát tiền thuế của nhà nước. Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc Tổng cục thuế, Chi cục thuế các địa phương có văn bản chỉ đạo để chống thất thu trong lĩnh vực bất động sản. Bộ Tài chính hướng dẫn theo hướng nếu kê khai giá thấp thì tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành.

"Trong quá trình thực hiện theo chỉ đạo của Bộ, 4 tháng đầu năm đã thu được là 16.200 tỷ, tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 6.600 tỷ đồng", ông Phớc nói.

Theo Luật Đất đai, bảng giá đất sẽ ban hành 5 năm một lần, trong thời gian này Ủy ban nhân các tỉnh phải ban hành hệ số sử dụng đất để điều chỉnh giá đất. Vì vậy, bảng giá đất và hệ số điều chỉnh chính là giá đất để thu thuế bất động sản, điều này hoàn toàn đúng pháp luật và đúng với Nghị định 14 về phương pháp hệ số xác định đúng thời điểm.

Về các giải pháp chống tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, Bộ Tài chính đã có công điện yêu cầu Tổng cục thuế chỉ đạo các cơ quan thuế chống tham nhũng, chống nhũng nhiễu, trục lợi trong quá trình kê khai; không được gây phiền hà, sách nhiễu người dân mà chỉ thực hiện công tác tuyên truyền.

Bộ trưởng nói: "Tổng cục Thuế cũng chỉ tiến hành hậu kiểm chứ không tiền kiểm. Nếu phát hiện ra tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu sẽ xử lý nghiêm".

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ trách nhiệm của mình về tình trạng vi phạm trong hoạt động thẩm định giá thời gian qua; và Bộ trưởng đã có những biện pháp gì để triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm chấn chỉnh những vi phạm trong hoạt động này?

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn)
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn)

Trả lời chất vấn trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, qua rà soát đến nay cả nước còn 279 công ty thẩm định giá đang hoạt động. Các vi phạm thẩm định giá vừa qua như về giá thiết bị y tế, giá đất…, các vi phạm hình sự thì sẽ bị xử lý về hình sự.

"Với trách nhiệm của mình, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với các công ty thẩm định giá, tiến hành đình chỉ, cấm hoạt động hoặc rút giấy phép nếu không đạt; đồng thời định hướng các công ty, thẩm định viên nâng cao đạo đức nghề nghiệp đúng chuẩn mực", Tư lệnh ngành Tài chính khẳng định.

Trước đó, tại phiên thảo luận hội trường về kinh tế - xã hội sáng 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đã bày tỏ sự trăn trở vì hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất nảy sinh hàng loạt tiêu cực như thắng thầu bỏ cọc để thổi giá đất, tình trạng "quân xanh, quân đỏ" thông đồng dìm giá, móc ngoặc trong thẩm định giá để rút ruột Nhà nước.

"Những góc khuất trong đấu giá quyền sử dụng đất đã làm giá nhà đất bị đẩy lên quá cao, khiến giấc mơ sở hữu nhà ở của người dân ngày càng trở nên xa vời", vị đại biểu trăn trở.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa và tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra thường xuyên đối với hoạt động này; đồng thời, kiến nghị Bộ Công an chọn một số phiên đấu giá đất để xác minh, điều tra làm rõ.

Tin bài liên quan