Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Gần 37 nghìn tỷ đồng nợ xấu bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ tín dụng bất động sản là hơn 2,28 triệu tỷ đồng, trong đó  nợ xấu khoảng 1,62%, tương đương gần 37.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi các đại biểu Quốc hội về nội dung mà Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sẽ trả lời chất vấn, dự kiến vào chiều 8/6 tới, đơn vị này cho biết sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm soát việc cấp tín dụng trong lĩnh vực bất động sản.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay 94% dư nợ bất động sản là cho vay trung, dài hạn (10 - 25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.

"Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay trong lĩnh vực này đang là mối rủi ro lớn đối với hệ thống ngân hàng", Báo cáo ghi.

Theo số liệu được nêu trong báo cáo, tổng dư nợ bất động sản của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4/2022 là hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021. Mức này chiếm khoảng 20,44% tổng dư nợ với nền kinh tế, và tỉ lệ nợ xấu của lĩnh vực này khoảng 1,62% (tương đương gần 37.000 tỷ đồng - PV).

Ngân hàng Nhà nước đánh giá lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là một trong các lĩnh vực rủi ro với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát. Thời gian qua, đơn vị này đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng; giám sát tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản; tăng cường công tác thanh kiểm tra hồ sơ tín dụng bất động sản để xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nhận định, thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá gây sốt ảo bất động sản, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường... đã ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.

"Mặc dù tình hình cấp tín dụng cũng như chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát ổn định nhưng để hạn chế tác động của thị trường bất động sản đối với kinh tế vĩ mô, tiền tệ, cần có các giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ với sự phối hợp của các bộ, ban, ngành có liên quan để lành mạnh hoá, xây dựng thị trường bất động sản an toàn, bền vững", Báo cáo nêu rõ.

Đồng thời, thông qua báo cáo này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý để kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có bất động sản.

Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng, các chuyên gia có nhắc đến cụm từ “siết tín dụng”, “thắt tín dụng” vào bất động sản.

Song, ông Tú khẳng định: "Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ có văn bản hay phát ngôn nào nói là siết hay thắt. Đó là những động từ rất mạnh với bất động sản. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay là kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào một số lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro lớn như bất động sản, chứng khoán... Trong khi đó, vốn tín dụng được tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích tập trung vào phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân".

Tin bài liên quan