Cô Tô ngày lặng sóng

Cô Tô ngày lặng sóng

(ĐTCK) Không ồn ào với những con sóng xô bờ dữ dội hay những khu du lịch sầm uất, Cô Tô chọn cho riêng mình một vẻ đẹp êm đềm, phẳng lặng đến kỳ lạ.

Cô Tô lần đầu tiên tôi đến

Thật may vì tôi đến Cô Tô vào một ngày tháng 9 trời đẹp và biển không có bão. Bởi vậy, tôi mới có cơ hội chứng kiến một Cô Tô đẹp hoàn mỹ từ lúc bình minh tới chiều tà và đẹp cả trong những ngày trời không tĩnh lặng.

Tôi đã có dịp đón Mặt Trời đỏ ở bãi đá Móng Rồng, lang thang xuống ngọn hải đăng khi nắng lên cao, tắm biển ở Hồng Vàn hay bãi Vàn Chảy… và lặng lẽ ngồi chờ khi hoàng hôn buông xuống. Vào Hè, Mặt Trời thường lặn khá muộn. Từ sau 17h, bầu trời chuyển từ xanh sang hồng rồi vàng cam rực rỡ. Những tia nắng cuối ngày chiếu vàng lấp lánh, hắt xuống mặt biển tạo nên vẩy sáng như dát bạc.

Sự xuất hiện của những con tàu cao tốc ra đảo đã giúp rút ngắn hành trình cập bến Cô Tô xuống chỉ còn 1 giờ. Nhưng chuyến đi hôm đó của tôi cũng gặp một trục trặc nhỏ. Ngay khi tàu qua vùng vịnh Bái Tử Long nên thơ thì sóng biển đánh mạnh và dồn dập hơn. Con tàu bé nhỏ giữa đại dương đang gào thét dữ dội khiến lũ trẻ đi cùng đều bị say sóng, chẳng còn sức đâu mà ngắm nhìn cảnh biển kỳ vĩ xung quanh.

Lênh đênh mất 80 phút trên biển, chúng tôi mới cập đảo. Chao ôi, không thể ngờ, Cô Tô hoang sơ của 20 năm về trước bây giờ lại có thể sôi động và phát triển đến thế.

Còn nhớ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, Cô Tô chỉ toàn dứa dại mọc um tùm trên cát. Đâu đâu cũng là cát trắng tràn lên, mùa Hè dẫm chân vào đó thì chỉ có bỏng rộp. Tất cả những hộ dân đi kinh tế mới đều phải lựa chỗ bằng phẳng, có nước ngọt, trồng được lúa rau mới dựng nhà. Vì thế mà con đường đẹp nhất huyện đảo bấy giờ vẫn bị bỏ hoang.

Tuy bị cái đói, cái nghèo bủa vây, nhưng mong muốn xây dựng quê hương vẫn hừng hực trong lồng ngực của người dân bám biển. Và hôm nay, trước mắt chúng tôi chính là một Cô Tô hiện đại, yên bình trong sự khoáng đạt, lãng mạn của tự nhiên.

Nhiều nhà tầng, khách sạn, resort đã xúm xít mọc lên. Những chiếc xe điện chạy như con thoi suốt cả ngày. Những chuyến tàu cao tốc ra đảo liên tiếp đầy khách. Nhiều doanh nhân ở đất liền đã dám mạnh tay đầu tư các công trình mới ở đây.

Du khách từ mọi miền đua nhau đổ về và thường ấn tượng với một Cô Tô thân thiện, chân tình, trong trẻo và còn nhiều điều cần khám phá. Người dân huyện đảo thì hân hoan trong sự đổi thay của cuộc sống, đặc biệt từ khi hệ thống điện lưới quốc gia được hoàn thành vào năm 2013. Sự hân hoan đó tôi nhìn thấy rõ trong việc gặp ai cũng sẵn sàng làm “hướng dẫn viên du lịch” của mỗi người dân ở Cô Tô.

Cô Tô những ngày lặng sóng

Khác hẳn với những gì tôi từng tưởng tượng, hóa ra Cô Tô chỉ là tên gọi của 2 hòn đảo là Cô Tô lớn và Cô Tô con. Trong thực tế, huyện đảo Cô Tô là một hệ thống gồm 50 hòn đảo lớn nhỏ, được đặt những cái tên rất thuần Việt: đảo Trần, cồn Con Ngựa, cồn Gạc Hươu, cồn Tai Khỉ, đá Ngầm Sâu, đá Sư Tử… xanh đến nao lòng. Cách đất liền 60km, các hòn đảo dàn trải, cong cong theo hình cánh cung tạo nên bức tường thành vững chãi trấn giữa phía biển Đông Bắc của Tổ quốc .

Về cảnh đẹp của nơi này thì đúng như nhà văn Nguyễn Tuân năm xưa từng viết, Cô Tô là hòn đảo tràn ngập sắc màu. Tùy theo từng thời điểm trong ngày mà những màu sắc ấy còn được thiên biến vạn hóa. Khi bình minh là Mặt Trời đỏ, nắng trưa vàng ruộm, chiều là hoàng hôn tím trải dài trên những thảm rừng xanh. Sự biến hóa ấy khiến Cô Tô giống như một cô gái bí ẩn và đầy mê hoặc.

Trên đảo Cô Tô hoang sơ cũng còn nguyên những gập ghềnh của sỏi đá, những vết mòn của đồng cỏ xanh ít người qua lại, hay những bãi biển dài xa tít và những rặng san hô cả ngàn năm thiên nhiên kiến tạo thành… Ngọn hải đăng Cô Tô là một trong những địa điểm tham quan đẹp nhất vùng biển này, vì từ trên đỉnh hải đăng, tôi có thể phóng mắt ra xa và chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh biển hùng vĩ bên dưới.

Bởi vậy, chúng tôi hay giỡn chơi với nhau rằng, những kẻ “mê gái” và những kẻ khó giữ lòng trước sự quyến rũ thì không nên đến Cô Tô, kẻo đi rồi lại … khó về.

Sau khi ngắm nhìn no mắt, chúng tôi bắt đầu hòa mình vào cuộc sống thường ngày ở đây. Tôi có thể vào vai những người dân chài vùng biển, sáng dậy sớm đi đánh bắt cá rồi thưởng thức thành quả lao động của chính mình tại chỗ.

Đoàn chúng tôi cũng lựa chọn một homestay “3 không”: không điều hòa, không nhà tắm riêng và không có phục vụ của người dân trên đảo làm nơi dừng chân. Bà chủ nhà ưu ái phân cho căn phòng có view nhìn thẳng ra biển, có cảnh đẹp chẳng kém gì resort 5 sao. Hóa ra, điều kiện như thế cũng không tệ lắm vì ở Cô Tô ngày tuy nắng, nhưng đêm gió biển dồi dào rất mát. Tối đến, ai cũng ngủ say trong tiếng sóng biển vỗ về nhịp nhàng.

Bà chủ nhà cũng kể cho tôi nghe về sự ra đời của con đường ven biển đẹp nhất Cô Tô hiện nay. Đó là khi huyện đảo đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch Cô Tô, thì lãnh đạo các cấp đã phải đứng ra vận động từng gia đình có nhà ven biển lùi vào 13m để biến con đường phía sau nhà thành đường phía trước nhìn ra biển rất đẹp. Dãy nhà khi trước chỉ có một mặt phố thì giờ có tới hai mặt để dễ bề kinh doanh.

Trong những ngày lang thang ở Cô Tô, có thể tôi chưa khám phá hết những giá trị tiềm ẩn của hòn đảo xinh đẹp này, nhưng tôi đã phần nào nhìn thấy những tấm chân tình đáng quý của con người muôn đời giữ biển. Họ đón tiếp khách du lịch bằng sự cởi mở và chân thành.

Cô Tô cùng những sáng kiến phát triển du lịch

Cô Tô lần đầu tiên tôi đến với bao cảm xúc ngỡ ngàng về một hòn đảo tuy còn nhiều gian khó nhưng đã ánh lên hy vọng giữa biển khơi xanh.

Nhiều năm làm du lịch không ồn ào, nhưng chính quyền và người dân Cô Tô đã làm được một việc lớn, xây dựng được một giấc mơ lớn là phải kiến tạo môi trường du lịch Cô Tô khác biệt để đủ sức cạnh tranh với người anh cả Hạ Long của mình. Việc tích cực xây dựng con đường xuyên đảo hơn 119 tỷ đồng để thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ chính là dấu hiệu tích cực đầu tiên.

Có lẽ đến bây giờ, Cô Tô vẫn đang hội nhập du lịch bằng con đường cổ điển, theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”, đòi hỏi thời gian và nỗ lực rất lớn. Nhưng từ đó, Cô Tô cũng khám phá ra con đường riêng cho chính mình, đó là du lịch sinh thái gắn chặt với thiên nhiên mà không cần đến bê tông cốt thép.

Du khách đến hít hà không khí trong lành, ăn các món đặc sản của biển, thậm chí là có thể tham gia đánh bắt, câu mực với người địa phương. Khi du khách đã bội thực với kiểu du lịch nghỉ dưỡng, đâu đâu có biển là có resort nhiều sao mọc lên, thì mô hình mới này hóa ra lại có sức thu hút đặc biệt.

Ngày lên tàu trở về, sau lưng tôi thấp thoáng mấy nghìn nóc nhà. Những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới kiêu hãnh và kiên trung như đất, như người Cô Tô. Địa danh phải tìm rất lâu trên bản đồ hành chính ấy hóa ra lại là điểm du lịch mới lạ nhiều người ao ước được tới thăm.

Tuy chỉ lưu lại đây có 2 ngày 1 đêm, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để tôi kịp ấn tượng với một Cô Tô xinh xắn, nhẹ nhàng đầy bình yên. Tin rằng, với tư duy phát triển du lịch như vậy, những vẻ đẹp này sẽ ở lại mãi với thời gian.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan