Công nghệ ngân hàng: “Đắt xắt ra miếng”

Công nghệ ngân hàng: “Đắt xắt ra miếng”

(ĐTCK) “Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2014” vừa được IBM phối hợp với Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam tổ chức cho thấy, vấn đề đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đang được các ngân hàng coi trọng, nhưng dường như vẫn chưa đủ. Ông Dương Công Minh, Giám đốc các giải pháp công nghệ phân tích, IBM Việt Nam đã có những chia sẻ về nội dung này.

Là người làm việc với nhiều ngân hàng tại Việt Nam, ông nhận thấy hoạt động đầu tư cho công nghệ thông tin trong hệ thống ngân hàng như thế nào?

Trước đây, công nghệ thông tin không được nhiều ngân hàng chú trọng, một phần là do chi phí đầu tư lớn. Bên cạnh việc bảo trì, bảo dưỡng dữ liệu lâu dài và cập nhật liên tục thì cần hệ thống ngân hàng lõi (core banking), giải pháp kho dữ liệu (data warehouse), kết xuất dữ liệu theo nhu cầu biến đổi, hệ thống tính điểm…

Tuy nhiên, tình trạng này hiện nay đã thay đổi rất nhiều trong nội bộ các ngân hàng cũng như toàn hệ thống, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng bắt đầu thực hiện Hiệp ước Vốn Basel và mới đây nhất là Công văn số 1601 ngày 17/3/2014 của NHNN yêu cầu các ngân hàng triển khai Basel II ở mức độ tiêu chuẩn.

Basel II trong việc nâng cao năng lực quản trị điều hành, nhất là năng lực quản lý rủi ro, các hoạt động kinh doanh ngân hàng theo những trọng số chuẩn và để làm được việc này cần trang bị hệ thống về công nghệ kỹ thuật đặc thù, giải pháp kho dữ liệu, phân tích định lượng và định tính, dự đoán…

Liên quan đến Basel II, các ngân hàng cho rằng, chi phí cho công nghệ quá cao nên nỗ lực giảm chi phí đầu tư. Ông có bình luận gì?

Cần phải tính đến đầu tư công nghệ hiệu quả để giảm chi phí vận hành, tăng lợi ích dịch vụ và lợi nhuận, chứ không nên cố gắng đầu tư với chi phí thấp nhất, vì hiệu quả sẽ không cao.

Việc thực hiện các tính toán một cách thủ công so với rút ngắn được thời gian và giảm thiểu rủi ro bằng công nghệ thông tin thì những chi phí vô hình đó cộng lại so với chi phí đầu tư công nghệ sẽ lớn hơn. Trong khi đó, áp dụng công nghệ sẽ làm tăng tính chính xác, tốc độ thực hiện…, dẫn đến kết quả cuối cùng cao hơn, nghĩa là khi đầu tư cho công nghệ, ngân hàng cắt giảm được chi phí.

Nhìn lại hệ thống ngân hàng thời gian trước cho thấy, có những ngân hàng gặp rủi ro dẫn đến phải sáp nhập một phần nguyên nhân là đã không đầu tư thích đáng vào quản trị phân tích và giảm thiểu rủi ro thông qua hệ thống công nghệ.

Thực tế, quan điểm đầu tư của mỗi ngân hàng khác nhau, ngân hàng lớn có chiến lược đầu tư, còn những ngân hàng vừa và nhỏ đầu tư theo thời gian. Thời gian đầu tư ngắn thì đầu tư hệ thống quản lý dữ liệu đơn giản hơn, nhưng khi thị trường phát triển, hệ thống khách hàng tăng lên thì hệ thống công nghệ không đáp ứng được nữa. Điều này có thể dẫn đến các giải pháp tạm thời, nhưng cơ chế này khiến việc lưu trữ, mất mát dữ liệu hay bỏ bớt dữ liệu nào đó làm ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng và một bộ phận khách hàng sẽ rời bỏ ngân hàng. Công nghệ là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới việc ngân hàng phát triển hay không phát triển, tồn tại hay không tồn tại.

Công nghệ ngân hàng còn giúp phát hiện những cơ hội lợi nhuận tiềm ẩn

Quan trọng là người đứng đầu ngân hàng phải thay đổi quan điểm về đầu tư cho công nghệ?

Đúng vậy, thay vì chỉ đơn giản là thu thập, xác nhận và báo cáo dữ liệu, các Giám đốc tài chính (CFO) cần phải áp dụng mô hình phân tích dữ liệu lớn một cách chiến lược để tăng tốc độ chuyển đổi doanh nghiệp. Các công nghệ tiên tiến, như công nghệ phân tích dự đoán, sẽ giúp các CFO không chỉ dừng lại ở việc duy trì sổ sách kế toán truyền thống, mà còn có thể dựa vào những hiểu biết từ dữ liệu lớn để đưa ra các quyết định thông minh hơn. Những công nghệ này cho phép các nhà lãnh đạo tài chính đánh giá hàng chục khía cạnh khác nhau của dữ liệu với một mức độ chi tiết chưa từng có.

Các CFO và các nhà hoạch định chính sách tài chính cao cấp giờ đây có thể đặt câu hỏi và có được câu trả lời cho một loạt câu hỏi kinh doanh mới. Việc thu thập dữ liệu không còn là một thách thức nữa. Giờ đây, cơ hội hấp dẫn hơn chính là tìm ra những phương thức tốt nhất để sử dụng dữ liệu nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến khách hàng và vấn đề kinh doanh theo một cách thức chưa từng có. Một số CFO đã đi tiên phong trong lĩnh vực này bằng cách khai thác dữ liệu lớn để phát hiện ra những cơ hội lợi nhuận tiềm ẩn.

Nếu xếp hạng từ 1 đến 5, với 1 là mức cao nhất, theo ông, công nghệ trong hệ thống ngân hàng ở vị trí nào?

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu giá trị kinh doanh IBM (IBV) năm 2010, yếu tố công nghệ đứng thứ 5, sau yếu tố về vĩ mô, thị trường, mối quan tâm thể chế và con người, nhưng từ năm 2013 thì công nghệ đứng vị trí thứ 3. Có công nghệ, khách hàng, người ứng dụng công nghệ sẽ đánh giá được, nhìn nhận được sắp tới ngân hàng làm gì và để làm được điều đó, công nghệ giúp ngân hàng phân tích dữ liệu quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng quan trọng hơn cả, các phân tích bây giờ không chỉ đơn giản đưa ra các số liệu, báo cáo bình thường, mà các kết quả đó phải cung cấp được chiến lược đầu vào cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan