Công nghiệp ô tô, điện tử : Vẫn thuần gia công

Trong khuôn khổ triển lãm và hội nghị quốc tế lần thứ 5 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại vừa được tổ chức tại TPHCM, hội thảo về cơ hội và xu hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô, điện tử, cơ khí… đã diễn ra.

Chỉ làm những khâu đơn giản

 

Đánh giá và nhận định về thực trạng các lĩnh vực này, hầu hết diễn giả đều cho rằng, những năm gần đây doanh nghiệp (DN) đã có những bước phát triển đáng kể, song nhìn chung vẫn dừng lại ở việc gia công là chủ yếu. Trong đó, những năm 2003-2006, năng lực sản xuất của ngành ô tô chỉ đạt 40.000 xe/năm, nhưng từ năm 2007 đột ngột tăng cao; riêng 7 tháng đầu năm 2008 đã bằng cả năm ngoái và dự kiến đến hết năm nay đạt 100.000 xe.

 

Tuy vậy, hiện nay cả nước có 60 nhà sản xuất ô tô và khoảng 100 DN cung cấp linh kiện, chia ra công suất hàng năm bình quân 1 DN sản xuất khoảng 1.500 chiếc, quá ít so với nhu cầu của 86 triệu dân hiện có. Chưa kể, theo công bố mới đây của Bộ KH-CN, ngành ô tô đã nội địa hóa được 45%, nhưng thực chất mới dừng lại ở các khâu đơn giản như đóng ca-bin, thùng, bánh mâm…! Những công đoạn yêu cầu thiết kế, kỹ thuật cao còn lại của xe, chủ yếu dựa vào nhập khẩu linh kiện về lắp ráp (CKD), do đó giá trị gia tăng không đáng kể.

 

Tương tự, hiện ngành công nghiệp sản xuất điện tử có khoảng 100 DN, trong đó 1/4 đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài, số còn lại chủ yếu là DN vừa và nhỏ sản xuất trong nước - hoạt động chủ yếu như bảo hành, sửa chữa, dịch vụ… Tuy tốc độ tăng trưởng ngành đạt bình quân gần đây là 20% - 30% và có mức xuất khẩu cao (năm 2007 đạt 2,2 tỷ USD; dự kiến cả năm 2008 là 3 tỷ USD), tuy nhiên 95% là của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)! Trong khi đó, công nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện và công nghiệp phụ trợ DN điện tử phát triển chậm, lạc hậu 10-15% so với khu vực nên tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng của sản phẩm thấp.

 

Nhiều tín hiệu mới

 

Tại hội thảo, ông Bùi Quang Hải, đại diện Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI), cho biết, gần đây một số DN cơ khí đã đầu tư cải tiến công nghệ dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt hiệu quả cao trong kinh doanh. Đơn cử, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã kết hợp với các tổ chức thiết kế nước ngoài để chủ động thiết kế tàu cỡ lớn, trang bị các phần mềm tiện ích để đưa vào sản xuất vỏ tàu; triển khai hàng chục đề tài và dự án tập trung liên quan đến đóng tàu mới chở dầu thô 100.000 tấn, tàu hàng xuất khẩu 53.000 tấn; phối hợp với các DN cơ khí chế tạo các loại cổng trục 450 tấn, cần cẩu chân đế 180 tấn…

 

Ngành cơ khí lắp ráp máy như Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) cũng thực hiện được hợp đồng tổng thầu EPC Dự án Nhiệt điện Uông Bí mở rộng với trị giá gần 300 triệu USD, nghiên cứu thiết kế chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất xi măng lò quay công suất 2.500 tấn clinker/ngày thay thế nhập ngoại, thực hiện chương trình nội địa hóa… Hay như, Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng thực nghiệm thành công việc sản xuất hoàn chỉnh dây chuyền gạch ép chân không; thiết kế, chế tạo dàn không gian đa chiều không giới hạn khẩu độ, giá bằng 60% hàng nhập ngoại cùng loại…