Chờ mong các sản phẩm mới không chỉ là của các NĐT mà còn của cả các CTCK.

Chờ mong các sản phẩm mới không chỉ là của các NĐT mà còn của cả các CTCK.

Công ty chứng khoán nhỏ: Gian nan tìm một con đường

(ĐTCK-online) Trước khó khăn hiện hữu, lãnh đạo nhiều CTCK đang đau đầu với việc xây dựng kế hoạch kinh doanh năm sau.

Tìm một con đường, tìm một lối ra cho chính công ty mình là việc rất khó, nhưng trên bình diện thị trường chung, nhiều CTCK cho rằng, UBCK cần thực thi các quy định pháp luật nghiêm minh hơn để thị trường lành mạnh về lâu dài. Các CTCK cũng mong rằng, cơ quan quản lý sẽ sớm cho ra sản phẩm mới để hỗ trợ thị trường.

Thành lập từ năm 2007, ban đầu CTCK Đại Nam có vốn điều lệ 38 tỷ đồng, cuối năm 2010, Đại Nam tăng vốn điều lệ lên 75 tỷ đồng. Dù chưa phải là số vốn đáng kể trong khối CTCK, nhưng là sự nỗ lực của cả doanh nghiệp trong vài năm. Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm sau, thị trường liên tiếp đi xuống đang   bào mòn nỗ lực của Công ty. Báo cáo thường niên cho thấy, năm 2010, CTCK Đại Nam lỗ 7,5 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, Công ty phải "bóp" chi phí cho phù hợp với doanh thu, cắt giảm nhân sự, thiết bị, thay đổi địa điểm… Trong bối cảnh nhà đầu tư mất quá nhiều tiền và mất hết niềm tin vào thị trường, lượng giao dịch của Đại Nam sụt giảm mạnh, có ngày tổng giá trị giao dịch chỉ được vài ly café, khi thị trường sôi động cũng chỉ được vài chục triệu đồng. Phí môi giới chỉ đóng góp 1/5 doanh thu, còn lại là dựa vào vốn tự có để đầu tư tài chính. Năm 2011, trên website của Công ty chưa thấy có báo cáo quý, nhưng với tình hình phí giao dịch quá nhỏ như hiện tại, Công ty đang tiếp tục thua lỗ.

Dù có ngân hàng là cổ đông chiến lược, CTCK Rồng Việt (VDS) cũng phải đối mặt với thua lỗ. Với vốn điều lệ 345 tỷ đồng, năm ngoái, Rồng Việt vẫn có lãi. Tuy nhiên, quý III năm nay, Rồng Việt lỗ 5,8 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng lỗ 65 tỷ đồng. Về phí môi giới, cả quý III năm nay, Công ty chỉ thu được 4,6 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng là 13 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình kinh doanh khó khăn, Công ty đã cố gắng cắt giảm chi phí, nhưng vẫn không thể tránh lỗ.

Trong bối cảnh TTCK hiện nay, hoạt động môi giới và tự doanh không phải là mảng mang lại lợi ích đáng kể cho các CTCK nói chung, VDS nói riêng, nên Công ty tập trung hơn vào các hoạt động tư vấn đầu tư, tài trợ giao dịch của nhà đầu tư. Kinh tế khó khăn là thời điểm để hoạt động mua bán, sáp nhập sôi động. CTCK Rồng Việt đã tiếp cận và tham gia tư vấn cho một số thương vụ thâu tóm, mua chiến lược của cổ đông lớn…, để cải thiện hiệu quả hoạt động.

Tại CTCK Việt Nam , khó khăn lớn nhất hiện nay của công ty này là làm thế nào để thu hút thêm nhà đầu tư. Với đối tác chiến lược là Ngân hàng GHB (Malaysia) chiếm 49% vốn điều lệ, Công ty này được đánh giá là thực hiện nghiêm túc những quy định pháp luật, song cũng vì thế mà Công ty không có sản phẩm hấp dẫn khách hàng. Công ty chưa cung cấp margin và hàng ngày đều thực hiện chốt số dư với ngân hàng để đảm bảo an toàn tiền gửi của nhà đầu tư. Với lượng khách hàng ít, phí môi giới không đáng kể, CTCK Việt Nam chủ yếu cung cấp dịch vụ tư vấn, thu xếp vốn cho các đối tác nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam .

Chia sẻ với ĐTCK, nhiều CTCK cho rằng, UBCK cần sớm có những giải pháp để tạo thêm cơ hội kinh doanh cho khối công ty này và cần làm lành mạnh hơn môi trường kinh doanh bằng việc xử lý nghiêm minh với những DN vi phạm quy định.

Thông tư 226/2011/TT-BTC đã xác định rõ 3 loại rủi ro đối với các CTCK, công ty quản lý quỹ là rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường và rủi ro thanh toán, đồng thời, đưa ra các chỉ tiêu cụ thể và các biện pháp xử lý của cơ quan nhà nước. Chẳng hạn, nếu tỷ lệ vốn khả dụng của các tổ chức kinh doanh chứng khoán dao động từ 120% - 150% trong tất cả các kỳ báo cáo trong 3 tháng liên tục sẽ bị UBCK ra quyết định đặt vào tình trạng kiểm soát. Trường hợp tỷ lệ vốn khả dụng giảm xuống dưới 120% thì sẽ bị đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt. "Quy định đã có, vấn đề là khi Thông tư 226 có hiệu lực từ ngày 1/4/2011 và chính thức được thực thi từ 1/4/2012, UBCK cần làm mạnh tay để giúp thị trường lành mạnh hơn. Với công ty thua lỗ hết vốn chủ sở hữu, không còn khả năng hoạt động, nên mạnh dạn rút giấy phép hoạt động", ông Phan Quốc Huỳnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán nói.

Ngoài ra, một mong muốn "cũ" của các CTCK là UBCK nên sớm mở ra sản phẩm mới hỗ trợ thị trường, chẳng hạn như rút ngắn thời gian thanh toán, cho phép các CTCK hoạt động rộng hơn 5 nghiệp vụ chính hiện nay.