Ít lời chào mua hơn so với việc chào mua công ty chứng khoán, nhưng công ty quản lý quỹ cũng có những “sóng ngầm” săn mua

Ít lời chào mua hơn so với việc chào mua công ty chứng khoán, nhưng công ty quản lý quỹ cũng có những “sóng ngầm” săn mua

Công ty quản lý quỹ “đắt giá”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số công ty quản lý quỹ đang được chào mua với giá gần 10 triệu USD, gấp khoảng 10 lần so với 5 năm trước.

Đón đầu cơ hội trên thị trường quản lý tài sản

Tương tự khối công ty chứng khoán, khối công ty quản lý quỹ cũng bị cơ quan quản lý hạn chế cấp phép thành lập. Sau giai đoạn tái cơ cấu ngành quỹ, hiện có 45 công ty quản lý quỹ đầu tư, giảm so với con số trên 60 công ty trước đây và dự kiến sẽ tiếp tục được rút gọn hơn nữa.

Trái ngược với nhiều công ty quản lý quỹ hoạt động sôi nổi, mở thêm quỹ đầu tư mới và huy động vốn để đầu tư, thì một số công ty quản lý quỹ gần như “án binh bất động”, hầu như chỉ còn giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, các công ty này cũng bắt đầu nằm trong tầm ngắm của không ít bên có nhu cầu mua giấy phép thành lập, nhằm đón đầu cơ hội trên thị trường quản lý tài sản được dự báo sẽ có bước phát triển tốt hơn, sôi động hơn trong tương lai gần.

“Công ty quản lý quỹ cũng như công ty chứng khoán hiện rất khó thành lập mới, nên tôi nhận được đơn đặt hàng của không ít khách hàng có dòng tiền nước ngoài, họ thích mua hẳn một công ty quản lý quỹ để đầu tư tại thị trường Việt Nam”, nhân sự một công ty chứng khoán chuyên về tư vấn đầu tư nói và cho biết, bên muốn mua chủ yếu là các cá nhân/gia đình giàu có ở nước ngoài dự định đầu tư vào thị trường Việt Nam, họ muốn mua công ty quản lý quỹ để rót tiền vào cho thuận tiện. Còn bên mua trong nước thường có hệ sinh thái liên quan đến ngân hàng, quản lý quỹ, công ty chứng khoán. Ngoài ra, một số cá nhân trong nước có thế mạnh về đầu tư chung vốn hỏi mua công ty quản lý quỹ nhằm huy động thêm vốn để đầu tư, nhận ủy thác đầu tư. Bởi lẽ, công ty quản lý quỹ có 3 nghiệp vụ chính là quản lý quỹ đầu tư, quản lý danh mục đầu tư và tư vấn đầu tư chứng khoán.

“Hai năm trước, tôi hoàn thành thương vụ (deal) mua công ty quản lý quỹ cho một ngân hàng. Hiện tại, tôi đang nhận đơn mua cho một ngân hàng khác. Trong khi đó, có đơn vị chào bán với giá 10 triệu USD, giá khớp dự kiến sẽ thấp hơn không nhiều. Công thức tính giá rất đơn giản, giấy phép (license) cộng giá trị tài sản ròng bằng giá bán, quan trọng nhất là công ty đó không có tiềm ẩn rủi ro pháp lý”, nhân vật thường xuyên thu xếp các thương vụ mua bán doanh nghiệp chia sẻ.

Lý do công ty quản lý quỹ được săn đón là loại hình công ty này có tính chủ động cao về quản lý tài sản đầu tư theo tiêu chí đề ra, được đứng tên hộ khách hàng ủy thác; khác với công ty chứng khoán và ngân hàng về mặt kỹ thuật là không có chức năng nhận ủy thác quản lý tài sản, hiểu đơn giản chỉ là “giữ hộ”, còn tài sản vẫn đứng tên khách hàng. Trong khi đó, nhu cầu về ủy thác đầu tư của nhóm khách hàng giàu có gia tăng. Có những tài sản lớn, một khách hàng không đủ nguồn lực tài chính để đầu tư, họ có thể tìm thêm nhiều người khác để tạo nhóm rồi chỉ định đầu tư qua công ty quản lý quỹ. Khi thị trường ngày càng phát triển, tầng lớp trung lưu gia tăng, ý niệm về đầu tư được nhiều người tiếp cận và có nhu cầu, thì ngành quản lý quỹ có lợi thế trong việc nắm bắt cơ hội này.

Nhìn lại một số thương vụ

Bên muốn mua công ty quản lý quỹ chủ yếu là các cá nhân/gia đình giàu có ở nước ngoài dự định đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Trong tháng 2/2024, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) công bố sở hữu 75% vốn Công ty Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) thông qua việc tham gia đợt phát hành riêng lẻ 75 triệu cổ phiếu của công ty này.

Được biết, cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho TPBank góp vốn, mua cổ phần VFC với số tiền không quá 125 tỷ đồng. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023, lãnh đạo TPBank cho hay, việc mua lại công ty quản lý quỹ nằm trong chiến lược phát triển của nhà băng giai đoạn 2023 - 2028 và tầm nhìn đến năm 2035, hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính có độ bao phủ ở các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán; dịch vụ trung gian thanh toán, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Một diễn biến đáng chú ý khác là Công ty Quản lý quỹ Tân Việt đổi tên thành Công ty Quản lý quỹ NTP vào ngày 8/6/2023. Theo một số nguồn tin, Quản lý quỹ NTP thực chất đã nằm trong một hệ sinh thái khác có liên quan đến công ty chứng khoán - một “đại gia” ô tô và có mối liên hệ tốt với ngân hàng.

Hồi cuối tháng 5/2022, Công ty Chứng khoán Thành Công mua lại Công ty Quản lý quỹ Hợp Lực (UniCap) khi hoàn tất nhận chuyển nhượng 10 triệu cổ phần, tương ứng 100% vốn điều lệ UniCap. Sau đó, UniCap đổi tên thành Công ty Quản lý quỹ Thành Công (TCAM), cung cấp dịch vụ quản lý danh mục đầu tư và tư vấn đầu tư.

Trong năm 2021, Công ty Quản lý quỹ Việt Long “về tay” Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) để góp sức thực hiện chiến lược đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng, gia tăng hiệu quả sinh lời và nâng tầm vị thế VDSC trong chiến lược phát triển dựa trên nền tảng chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025.

Năm 2020, Công ty Korea Investment Management Co., Ltd. (Hàn Quốc) sở hữu 99% vốn điều lệ Công ty Quản lý quỹ Hùng Việt (1% còn lại do 2 cá nhân người nước ngoài sở hữu), thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông cũ.

Bên cạnh đó, có những ngân hàng ký thỏa thuận hợp tác với công ty quản lý quỹ (thường có mối liên hệ thân thiết trực tiếp hoặc gián tiếp) nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trong các giao dịch huy động vốn, thu xếp tài chính, giao dịch đầu tư, hợp tác đầu tư cho quỹ đầu tư; ngược lại, ngân hàng có thể thông qua quỹ đầu tư để cung cấp dịch vụ đầu tư, ủy thác đầu tư và quản lý tài sản cho ngân hàng và khách hàng. Song song đó, công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán, ngân hàng có thể bán chéo sản phẩm như chứng chỉ quỹ mở cổ phiếu/trái phiếu; sản phẩm ủy thác đầu tư cho khách hàng “VIP”, phát triển các sản phẩm chuyên biệt.

Ngoài ra, một số tập đoàn đa ngành có nhu cầu đối với giấy phép quản lý quỹ, nhưng mức giá phải thật “mềm”. Vì thế, nhóm công ty quản lý quỹ vốn không có nhiều hoạt động, thậm chí “im hơi lặng tiếng” bắt đầu được các môi giới tìm hiểu.

Truy cập trang thông tin điện tử của Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Thái Dương, hầu hết các mục trong website đều không có nội dung và không hiển thị thời gian đăng tải thông tin. Đây là một trong những lý do khiến tháng 11 năm ngoái, công ty này bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Tháng 4/2023, Công ty Quản lý quỹ Bông Sen bị cơ quan quản lý ra quyết định về việc chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh được cấp phép để thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh được thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán do không tiến hành hoạt động nghiệp vụ quản lý quỹ trong thời hạn 2 năm liên tục theo quy định.

“Thật tiếc khi không lọc tìm các công ty quản lý quỹ có nguy cơ bị thu hồi giấy phép từ trước để đặt vấn đề mua lại, khi đó chắc họ sẽ đồng ý bán với giá rất rẻ”, một môi giới nói.

Tin bài liên quan