Covered Warrant (CW): Dấu ấn bước chân tiên phong

Covered Warrant (CW): Dấu ấn bước chân tiên phong

(ĐTCK) Sau hơn 4 tháng chính thức đi vào vận hành với sự tiên phong của SSI, HSC, MBS, BSC, ACBS, KIS... trong vai trò là các tổ chức phát hành đầu tiên, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) đã thu được những kết quả tích cực, giúp nhà đầu tư có thêm công cụ đầu tư vào các mã cổ phiếu niêm yết chất lượng cao, góp phần cải thiện thanh khoản thị trường và đem lại nhiều lợi ích cho chính các công ty chứng khoán đi đầu.

Những dấu ấn sau 4 tháng vận hành

Sau hơn 2 năm chuẩn bị với nhiều lần lỡ hẹn, tháng 6/2019, những sản phẩm CW đầu tiên đã được các công ty chứng khoán (CTCK) chào bán cho nhà đầu tư và đến ngày 28/6, phiên giao dịch đầu tiên của sản phẩm CW trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã chính thức diễn ra.

Hơn 4 tháng hoạt động, từ sự dè dặt, thận trọng ban đầu, CW ngày càng được nhiều nhà đầu tư đón nhận. Đối với các tổ chức phát hành, từ những kinh nghiệm tích lũy được, các CTCK ngày càng tự tin đưa ra nhiều sản phẩm mới.

Khởi điểm với 10 mã CW do 7 CTCK đầu tiên, bao gồm SSI, HSC, KIS, VPS, MBS, VND và BSI phát hành, chủ yếu có thời gian đáo hạn ngắn, chỉ 3 tháng, dựa trên 6 mã chứng khoán cơ sở là FPT, HPG, MBB, MWG, PNJ và VNM, đến ngày 18/10/2019, số mã CW niêm yết đã tăng lên con số 22, với 7 CTCK tham gia phát hành dựa trên 14/24 cổ phiếu cơ sở được phép phát hành theo danh sách HOSE công bố.

Trong nhóm CTCK nội, CTCK SSI (SSI) vẫn cho thấy vai trò “cầm cờ” trong các sản phẩm CW. Mặc dù đến hết phiên 18/10/2019, chỉ còn 4 mã CW niêm yết, nhưng con số này sẽ nhanh chóng tăng lên khi 10 mã CW mới dựa trên 8 cổ phiếu cơ sở là REE, VNM, VIC, VJC, VHM, FPT, MBB và HPG với tổng khối lượng 13 triệu chứng quyền vừa được CTCK này chào bán vào ngày 10/10/2019 được niêm yết, ghi nhận số lượng kỷ lục về mã CW trong một đợt chào bán.

Các CTCK khác như MBS và VNDirect (VNDS) cũng đang nỗ lực tiến hành các hoạt động phát hành mới. Trong khi VNDS vừa phát hành 8 triệu chứng quyền mới dựa trên các cổ phiếu REE, FPT và MBB với kỳ hạn 3 tháng, thì MBS cũng hoàn tất đợt phân phối 2 triệu chứng quyền TCB kỳ hạn 3 tháng cho 93 nhà đầu tư vào ngày 17/10 với tỷ lệ thành công 100%.

Tại CTCK TP.HCM (HSC), sau giai đoạn đầu thận trọng, HSC đã phát hành thêm 5 mã CW dựa trên các cổ phiếu FPT, MBB, VNM, MWG và VRE với số lượng phát hành là 25 triệu chứng quyền chia đều cho 5 mã, kỳ hạn cùng là 6 tháng. Tuy nhiên, đợt phát hành của HSC có tỷ lệ phân phối khá thấp như VNM (0,8%), VRE (1%), MBB (2%), tích cực hơn là FPT (8,86%) và MWG (12,4%).

Trong khi đó, CTCK Bản Việt (VCI) là một tên tuổi mới khi tham gia sân chơi CW từ giữa tháng 9/2019 với mã đầu tiên phát hành trên cổ phiếu MWG và cũng đang được thị trường đón nhận.

Trong nhóm CTCK ngoại - hiện đang vươn lên mạnh mẽ, cạnh tranh trực tiếp với khối CTCK nội dẫn đầu nhờ nguồn vốn giá rẻ dồi dào, CTCK KIS Việt Nam (KIS) đã để lại dấu ấn rõ nét trên thị trường CW.

Tính đến phiên 18/10/2019, có 12/22 mã CW đang niêm yết do KIS phát hành dựa trên 10 cổ phiếu cơ sở. Với việc chủ động tham gia vào số ít nhà phát hành CW, thay vì chỉ cung cấp dịch vụ giao dịch như nhiều CTCK khác, KIS đang cho thấy tham vọng vươn lên nhóm CTCK dẫn đầu. Trong bảng thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ quý III/2019, KIS đã quay trở lại Top 10 trên cả HOSE và HNX, bên cạnh một CTCK ngoại khác là Mirae Asset (MAS).

Tuy vậy, các CW của KIS khá kém sức hút khi hầu hết các đợt chào bán đều có tỷ lệ phân phối thành công khá thấp. Sau khi niêm yết, thị giá các CW này cũng liên tục giảm. Nguyên nhân được chỉ ra, một mặt do mức giá CW được KIS xây dựng khá cao so với thị giá cổ phiếu. Đơn cử, với chứng quyền VNM (CVNM1901), mức giá thực hiện là 158.888 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ 10:1, phí giao dịch 1.200 đồng/CW, đồng nghĩa với việc thị giá VNM phải đạt 170.000 đồng/cổ phiếu thì nhà đầu tư mới có lãi. Đây rõ ràng là kịch bản khó xảy ra trong 1 - 2 tháng tới, khi thị giá VNM hiện ở mức 130.000 đồng/cổ phiếu.

Mặt khác, các CW của KIS hiện đều hướng đến các cổ phiếu còn room ngoại như VNM, STB, NVL, DPM, HPG. Nguyên nhân có thể do đặc thù là CTCK 100% vốn ngoại, không thể thực hiện phương án phòng ngừa rủi ro nếu phát hành trên các cổ phiếu hết room. Trong khi đó, các CW tăng giá tốt thời gian qua chủ yếu dựa trên các cổ phiếu hết room như FPT, MWG, REE, MBB do nhóm cổ phiếu này thu hút được dòng tiền và tăng giá. CW trên các cổ phiếu này hiện chỉ do các CTCK nội phát hành.

Hiệu ứng tích cực từ chứng quyền

Theo yêu cầu của HOSE, để có thể phát hành CW, CTCK phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí về vốn chủ sở hữu, không có lỗ lũy kế, được cấp phép đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, không bị cảnh báo, tạm ngừng, đình chỉ hoạt động…, nên tính đến cuối tháng 6/2019, mới có 16 CTCK đủ điều kiện phát hành, theo thông tin từ Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước).

Thực tế, số lượng đơn vị thực sự tham gia vào thị trường CW hạn hẹp hơn nhiều, bởi với vai trò tổ chức phát hành, CTCK phải thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro (hedging) bắt buộc theo phương án đã được cơ quan quản lý chấp thuận và chịu sự giảm sát, báo cáo thường xuyên, có nghĩa vụ tạo lập thị trường. Trước những yêu cầu này, để trở thành nhà phát hành CW, CTCK không chỉ phải đáp ứng yêu cầu về tài chính (được đánh giá không quá khắt khe), mà quan trọng hơn là phải có đội ngũ nhân sự quản trị rủi ro và khối tự doanh hoạt động đủ mạnh, hiệu quả… mới đủ sức để triển khai sản phẩm này.

Mặt khác, với số lượng phát hành còn hạn chế, mảng kinh doanh mới được đánh giá chưa đem lại nhiều doanh thu, lợi nhuận cho CTCK, nhưng lại hết sức có ý nghĩa trong việc giúp nhà đầu tư có thêm công cụ đầu tư, giúp hoàn tất các sản phẩm, dịch vụ, có thể cung cấp cho nhà đầu tư dịch vụ giao dịch “trọn gói”, từ chứng khoán cơ sở, phái sinh hợp đồng tương lai đến chứng quyền. Đây là yếu tố cần thiết để giữ chân nhà đầu tư trước cuộc cạnh tranh khách hàng ngày càng gay gắt, nhất là từ nhóm CTCK ngoại đang vươn lên mạnh mẽ. Bởi CTCK nào càng có nhiều sản phẩm chuyên biệt, chất lượng dịch vụ tốt, thuận tiện, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của nhà đầu tư, sẽ càng có nhiều lợi thế để thu hút và giữ chân khách hàng.

Ở góc độ cơ quan quản lý, thành công của CW cho thấy sự đúng đắn trong bước đi hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ, thu hút thêm dòng tiền và cải thiện thanh khoản cho thị trường chứng khoán. Việc hệ thống vận hành trơn tru, không xảy ra các sự cố trong những tháng đầu tiên là kết quả từ bước chuẩn bị kỹ càng “chậm mà chắc” suốt hơn 2 năm qua, từ đó gây dựng niềm tin với nhà đầu tư, làm tiền đề cho việc triển khai thêm các sản phẩm mới.

Kỳ vọng sản phẩm ngày càng hoàn thiện

Với cấu trúc như một sản phẩm phái sinh và có tính đòn bẩy, có khả năng đem mức sinh lời cao khi giá cổ phiếu tăng, CW đã ra mắt thành công và bước đầu được đông đảo nhà đầu tư đón nhận. Tuy vậy, thực tế không thể phủ nhận là việc phát hành và giao dịch CW hiện vẫn tồn tại không ít hạn chế.

Thứ nhất, ở giai đoạn đầu vận hành, HOSE đã khá thận trọng khi chỉ cho phép 26 mã chứng khoán cơ sở được phép phát hành CW. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao và được nhà đầu tư quan tâm như VCB, PLX, BVH, HBC, VPB… hiện chưa được phép làm chứng khoán cơ sở phát hành CW.

Thận trọng là cần thiết, nhưng về lâu dài, khi cả cơ quan quản lý và CTCK đã tích lũy được kinh nghiệm vận hành, thị trường kỳ vọng có thể bổ sung thêm các mã mới vào danh sách phát hành để CTCK sẽ có thêm cơ hội chọn lựa, nhà đầu tư cũng có thêm công cụ đầu tư vào các mã cổ phiếu niêm yết chất lượng cao.

Thứ hai, với tính chất đòn bẩy, khả năng sinh lời cao trên vốn đầu tư thấp, CW đang thu hút các nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn, chấp nhận rủi ro cao. Nhưng do hiện tại chỉ chứng quyền mua được thực hiện, chứng quyền bán chưa được triển khai, nên nhà đầu tư cũng chỉ kiếm lời bằng việc “đầu cơ” trong thị trường giá lên hoặc chốt lời cổ phiếu kết hợp với phòng ngừa rủi ro khi thị giá tiếp tục tăng, trong khi hoàn toàn bất lợi khi thị trường giá xuống.

Nếu điểm yếu này được khắc phục, CW khi đó mới thể hiện được vai trò quan trọng nhất đối với một công cụ phái sinh là phòng ngừa rủi ro, thông qua kết hợp giữa giao dịch cổ phiếu, hợp đồng tương lai và chứng quyền để tạo ra một công cụ “hỗn hợp” phòng ngừa rủi ro hiệu quả. Từ đó, giúp nhà đầu tư tự tin tăng quy mô vốn đầu tư vào thị trường.

Trước khi đi vào hoạt động, CW cũng được đánh giá là sản phẩm hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài bởi đặc tính không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu tối đa (room), nhà đầu tư ngoại được phép đầu tư vào CW phát hành trên các cổ phiếu hết room và hưởng lợi từ việc tăng thị giá, điều không thể thực hiện trên thị trường cơ sở.

Tuy vậy, thực tế thời gian qua cho thấy, giao dịch khối ngoại hầu như chỉ diễn ra tại các CW do KIS phát hành (có thể đến từ chính hoạt động tạo lập của tổ chức này), các CW còn lại dòng tiền khối ngoại xuất hiện rất hạn chế. Tại các chứng quyền FPT, MWG, PNJ, MBB hay REE do khối CTCK nội phát hành, giao dịch chủ yếu là các nhà đầu tư trong nước, hiếm khi xuất hiện giao dịch khối ngoại.

Thực tế trên cho thấy, đến nay, CW vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài như kỳ vọng. Nguyên nhân có thể đến từ quy mô phát hành, quy mô giao dịch CW còn nhỏ, chưa đáp ứng được “size” giao dịch của dòng vốn ngoại, nhất là tổ chức chuyên đầu cơ phái sinh. Đối với các tổ chức đầu tư vào cổ phiếu sử dụng các sản phẩm phái sinh như là công cụ phòng ngừa rủi ro hơn là đầu cơ, đặc thù thị trường lại chưa đáp ứng được.

Bên cạnh đó, các CTCK hiện vẫn khá thận trọng và chủ yếu phát hành CW kỳ hạn ngắn 3 và 6 tháng (phổ biến là 3 tháng), cho dù thời gian tối đa cho phép tới 2 năm. Điều này cũng khiến giảm sức hút với dòng vốn ngoại với đặc điểm đầu tư trong thời hạn dài.

Về dài hạn, nếu sớm khắc phục được những hạn chế, cung cấp đa dạng sản phẩm, đáp ứng được các chiến lược của nhà đầu tư trên nhiều phương án nhận định khác nhau, CW sẽ trở thành công cụ hữu ích giúp cải thiện thanh khoản thị trường, cũng như thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tin bài liên quan