Mua ròng mạnh mẽ
Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng xấp xỉ 39.800 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD) trong bối cảnh áp lực tỷ giá USD/VND vẫn hiện hữu. Giá trị bán ròng của khối ngoại trong nửa đầu năm tương đương 44% tổng giá trị bán ròng trong năm 2024 và tương đương 61% tổng giá trị bán ròng năm 2023 của khối này.
Tuy nhiên, giá trị bán ròng của khu vực nhà đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm giảm mạnh so với con số 52.500 tỷ đồng (2 tỷ USD) trong cùng kỳ năm ngoái. Thực tế, từ tháng 5/2025 trở lại đây, đà bán ròng của khối ngoại không còn quá mạnh và thể hiện tín hiệu cân bằng hơn khi đã có những dấu hiệu cho thấy họ quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đáng chú ý, trong tuần giao dịch gần nhất, dù thị trường ghi nhận các phiên tăng điểm liên tục, song khối ngoại vẫn mua ròng khối lượng lớn ở hầu hết các phiên, với tổng giá trị lên tới 7.500 tỷ đồng.
Dù chưa thể khẳng định chắc chắn về một chu kỳ mua ròng dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài đang diễn ra, nhưng theo góc nhìn của ông Bùi Văn Huy, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư FIDT, tín hiệu khối ngoại quay lại mua ròng mạnh tuần qua là một bước khởi đầu đáng chú ý, phản ánh sự thay đổi trong góc nhìn và sự chuẩn bị của dòng vốn ngoại cho các cơ hội dài hạn tại Việt Nam.
Ông Huy khẳng định, kỳ vọng đảo chiều của dòng vốn ngoại là có cơ sở, bởi họ sẽ quay lại khi nhận thấy tiềm năng lợi nhuận song hành với sự ổn định vĩ mô và định hướng nâng hạng cụ thể của thị trường. Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện room ngoại, nâng chuẩn minh bạch và chất lượng doanh nghiệp niêm yết để tín hiệu tích cực này trở thành dòng vốn dài hạn, góp phần nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Trong ngắn hạn, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, sự trở lại của khối ngoại là yếu tố quan trọng giúp thị trường củng cố niềm tin và cải thiện thanh khoản.
“Về tầm nhìn trung hạn, chúng tôi vẫn kỳ vọng dòng vốn nước ngoài sẽ quay trở lại một cách bền vững hơn khi kết quả đàm phán về thuế quan được công bố cũng như thời điểm nâng hạng thị trường đang đến gần”, ông Tuấn chia sẻ.
![]() |
Sức hút mang tên “nâng hạng”
Nhìn lại hành trình 25 năm phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng vốn đầu tư nước ngoài luôn đóng vai trò quan trọng, vừa là nguồn lực tài chính dài hạn, vừa là thước đo niềm tin đối với triển vọng của nền kinh tế cũng như thị trường tài chính Việt Nam.
Giai đoạn 2000 - 2005 đánh dấu sự khởi đầu và vai trò tiên phong của khối ngoại. Thị trường chứng khoán Việt Nam lúc này có quy mô nhỏ và tính thanh khoản hạn chế, nhà đầu tư nước ngoài giải ngân vào các doanh nghiệp cổ phần hóa đầu ngành, với chiến lược đầu tư dài hạn. Đây là giai đoạn đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển của thị trường.
Tiếp theo, giai đoạn 2006 - 2007, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sự kiện này đã tạo “cú huých” lớn thu hút dòng vốn quốc tế. Thị trường chứng khoán tăng trưởng bùng nổ và khối ngoại giải ngân mạnh, đặc biệt qua các thương vụ mua chiến lược. Tuy nhiên, đà tăng trưởng quá nóng nhanh chóng bị chặn lại bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
![]() |
Sau khủng hoảng, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn tái cấu trúc từ năm 2008 - 2015. Giai đoạn này, dòng vốn ngoại duy trì xu hướng mua ròng ổn định nhưng có chọn lọc, tập trung vào các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững vàng.
Giai đoạn 2016 - 2018 đánh dấu thời kỳ giải ngân mạnh mẽ nhất của khối nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Động lực chủ yếu đến từ hàng loạt thương vụ thoái vốn quy mô lớn của các doanh nghiệp nhà nước, hoạt động IPO và niêm yết của nhiều doanh nghiệp đầu ngành, cùng với kỳ vọng về khả năng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Tuy nhiên, xu hướng này đảo chiều kể từ năm 2020, khi nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam, chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Trong giai đoạn 2020 - 2021, kỳ vọng về việc nâng hạng thị trường chưa được hiện thực hóa, khiến nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang trạng thái rút vốn. Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam lại chứng kiến một trong những đợt tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong lịch sử, phần lớn được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp, chính sách tiền tệ nới lỏng và sự gia nhập thị trường mạnh mẽ của thế hệ nhà đầu tư F0 trong giai đoạn đại dịch. Đáng chú ý, dù khối ngoại liên tục bán ròng trong giai đoạn này, tác động tiêu cực đến chỉ số thị trường là tương đối hạn chế.
Từ năm 2022 trở đi, chịu tác động từ biến động tỷ giá và các yếu tố địa chính trị, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận diễn biến rút ròng của dòng vốn ngoại. Riêng năm 2024, khối ngoại bán ròng khoảng 3 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu đến từ biến động tỷ giá khi giá trị đồng USD tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu, tạo sức ép lên các đồng tiền thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Mặc dù vậy, phản ứng của thị trường nội địa chủ yếu mang tính điều chỉnh kỹ thuật và rung lắc ngắn hạn. Chỉ số VN-Index sau mỗi nhịp điều chỉnh vẫn duy trì xu hướng tăng, phản ánh độ vững của dòng tiền trong nước cũng như niềm tin vào nền tảng kinh tế vĩ mô.
Bước sang năm 2025, lo ngại liên quan đến chính sách thuế quan đối ứng giữa Việt Nam và một số quốc gia đối tác lại tiếp tục gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư nước ngoài. Giai đoạn tháng 4 chứng kiến hoạt động bán ròng mạnh từ khối ngoại, phản ánh sự thận trọng trước những rủi ro chính sách chưa được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, kể từ sau đó, xu hướng bán ra đã có dấu hiệu chững lại.
Ông Trần Anh Tuấn kỳ vọng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng trở lại, đặc biệt khi kế hoạch nâng hạng thị trường của Việt Nam được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt. Trong đó, việc khẩn trương đưa vào vận hành hệ thống giao dịch KRX là một bước tiến lớn, nâng cao vị thế thị trường trong mắt các tổ chức xếp hạng quốc tế. Ngoài ra, việc định giá P/E toàn thị trường vẫn ở dưới mức trung bình 5 năm, đồng thời thấp hơn so với một số thị trường trong khu vực, đồng nghĩa định giá thị trường vẫn còn tương đối hấp dẫn. Thêm vào đó, sự ổn định về địa chính trị và định hướng chính sách kinh tế rõ ràng của Việt Nam đang củng cố niềm tin với nhà đầu tư ngoại, nhất là khi rủi ro thuế quan và chiến tranh thương mại dần lắng xuống.
Khi Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán, việc thu hút mạnh dòng vốn ngoại trở thành yêu cầu chiến lược để thị trường bước sang giai đoạn trưởng thành hơn. Theo ông Bùi Văn Huy, có ba yếu tố có thể kỳ vọng từ dòng vốn ngoại.
Thứ nhất, khối ngoại bổ sung nguồn vốn dài hạn và tăng thanh khoản, góp phần nâng cao năng lực tài chính cho doanh nghiệp và tạo độ sâu cho thị trường. Hiện tỷ trọng sở hữu của nhà đầu tư ngoại trên sàn HOSE ở mức 16,2%, đóng góp quan trọng vào vốn hóa thị trường hơn 260 tỷ USD, cho thấy vai trò là nguồn lực tài chính quan trọng cho nền kinh tế.
Thứ hai, khối ngoại thúc đẩy minh bạch, chuẩn hóa quản trị và hội nhập thị trường. Với yêu cầu cao về công bố thông tin và quản trị doanh nghiệp, khối ngoại tạo động lực để doanh nghiệp niêm yết cải thiện chất lượng, góp phần đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam đến từ nền kinh tế tăng trưởng ổn định (GDP mục tiêu 8% năm 2025), dân số trẻ, chính sách hội nhập qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) cùng thỏa thuận thuế quan ổn định với Mỹ gần đây củng cố niềm tin cho xuất khẩu.
Thứ ba, khối ngoại là thước đo tín nhiệm và định hướng tâm lý thị trường. Dòng vốn ngoại không chỉ bổ sung thanh khoản mà còn phản ánh niềm tin dài hạn của nhà đầu tư toàn cầu vào sức khỏe kinh tế và triển vọng thị trường. Giai đoạn khối ngoại bán ròng mạnh như năm 2024, với 85.000 tỷ đồng tạo áp lực điều chỉnh lên thị trường chung, nhưng khi họ quay lại mua ròng, thị trường nhận tín hiệu tích cực, củng cố đà phục hồi của VN-Index.
Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán lên mới nổi vào tháng 9/2025, dòng vốn ngoại trở thành lực đẩy quan trọng của thị trường, khi dự báo được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra, việc nâng hạng có thể thu hút dòng vốn gián tiếp vào ròng 7,2 tỷ USD/năm, tổng cộng 25 tỷ USD đến năm 2030, thúc đẩy nhóm chứng khoán và cổ phiếu vốn hóa lớn.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế là khối ngoại vẫn trong xu hướng rút ròng dài hạn, tỷ lệ sở hữu giảm dần phản ánh các rào cản như room ngoại hạn chế, chất lượng công bố thông tin chưa đồng đều, thủ tục giao dịch còn phức tạp. Để dòng vốn ngoại quay lại mạnh mẽ, bền vững, không thể chỉ trông chờ vào các yếu tố như nâng hạng thị trường hay thỏa thuận thuế quan, mà cần quá trình cải cách thực chất, như nới room, triển khai giao dịch không cần ký quỹ trước (non-prefunding), cải thiện chất lượng doanh nghiệp niêm yết, duy trì ổn định vĩ mô, đồng thời giải quyết rủi ro tỷ giá…
Thời điểm này là cơ hội để Việt Nam chứng minh năng lực duy trì ổn định kinh tế và cải thiện hạ tầng thị trường, biến tín hiệu thành dòng vốn chất lượng cao, đưa thị trường chứng khoán bước sang giai đoạn trưởng thành, bền vững và tiệm cận các chuẩn mực thị trường mới nổi trong hành trình phát triển tiếp theo.
Trong bối cảnh mặt bằng định giá cổ phiếu vẫn còn hấp dẫn, việc các quỹ ngoại đẩy mạnh giải ngân không chỉ góp phần củng cố niềm tin thị trường, mà còn có thể kích hoạt một đợt tăng giá đáng kể ở nhóm vốn hóa lớn - nơi thường dẫn dắt xu hướng chỉ số.
Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới”
Nhân dịp 25 năm vận hành thị trường chứng khoán (28/7/2000 - 28/7/2025), Báo Tài chính - Đầu tư, cơ quan ngôn luận của Bộ Tài chính, tổ chức Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới”.
Tọa đàm quy tụ những nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia tài chính, các tổ chức đầu tư trong và ngoài nước, nhà đầu tư có nhiều năm gắn bó với thị trường chứng khoán cùng các cơ quan thông tấn, báo chí, nhằm thảo luận và tìm kiếm lực đẩy dòng vốn mới, cơ hội tăng trưởng, khơi thông thị trường vốn Việt Nam, đồng hành cùng chiến lược phát triển đất nước.
Nhiều quyết sách quan trọng được Đảng, Chính phủ ban hành trong thời gian gần đây đang tạo những trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới. Trong dòng chảy đó, thị trường vốn Việt Nam cũng đứng trước nhiều cột mốc quan trọng trong năm 2025, với mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi, thu hút các dòng vốn trong, ngoài nước, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động doanh nghiệp và nền kinh tế.
Hội thảo “Lực đẩy dòng vốn mới” sẽ tập trung thảo luận, giải mã về lực đẩy thực sự của dòng vốn giai đoạn mới, các chính sách vĩ mô, chuyển động dòng vốn trong và ngoài nước, điều kiện để kích hoạt, thúc đẩy các dòng vốn, qua đó các thành viên thị trường có thể nhận diện, nắm bắt nhiều cơ hội.
Cùng chờ đón Hội thảo “Lực đẩy dòng vốn mới” sẽ diễn ra vào ngày 23/7/2025 tại Hội trường Báo Tài chính - Đầu tư, 47 Quán Thánh, phường Ba Đình, TP. Hà Nội.