COVID-19: Trung Quốc, Canada đưa vắcxin về sản xuất trong nước

0:00 / 0:00
0:00
Công ty Khang Thái Thâm Quyến đã sản xuất thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca; trong Canada cho phép công ty Novavax (Mỹ) sản xuất vắcxin tại Canada.
(Nguồn: Reuters).

(Nguồn: Reuters).

Ngày 2/2, một công ty dược phẩm có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc) đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 của công ty dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca.

Cụ thể, Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản phẩm sinh học Khang Thái Thâm Quyến cho biết công ty đã xây dựng một cơ sở sản xuất vắcxin sử dụng công nghệ adenovirus vector do công ty AstraZeneca và đại học Oxford phát triển.

Vắcxin này đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Anh từ ngày 30/12 vừa qua. Cơ sở sản xuất của Khang Thái có diện tích mặt sàn 2.200m2 và có công suất hằng năm đạt 400 triệu liều vắcxin.

Công ty dược phẩm tại Thâm Quyến này đã ký thỏa thuận với công ty AstraZeneca từ tháng 8/2020 để đưa vắcxin COVID-19 của hãng này về Trung Quốc sản xuất.

Ngày 2/2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết đã cho phép công ty Novavax (Mỹ) sản xuất vắcxin tại Canada. Đây là hãng đầu tiên được cấp phép sản xuất vắcxin tại Canada và dự kiến sẽ cung cấp những liều vắcxin đầu tiên cho người dân trong giai đoạn cuối của chương trình tiêm chủng đại trà tại nước này.

Theo Thủ tướng Trudeau, Chính phủ Canada và Novavax đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc thiết lập cơ sở sản xuất mới tại Montreal. Trung tâm sản xuất sản phẩm sinh học thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Canada đang được xây dựng để phục vụ việc sản xuất vắcxin.

Dự kiến công trình sẽ hoàn thiện vào tháng Bảy tới và đạt công suất 2 triệu liều vắcxin/tháng. Novavax cho biết vắcxin của hãng cho hiệu quả phòng ngừa hơn 89% trong thử nghiệm lâm sàng.

Canada đã ký hợp đồng với Novavax mua 76 triệu liều vắcxin COVID-19, nhưng cơ quan y tế nước này vẫn chưa cấp phép sử dụng vắcxin này.

Chính phủ Canada cũng công bố một thỏa thuận với Công ty Precision NanoSystems có trụ sở tại Vancouver về việc xây dựng một trung tâm sản xuất sinh học có công suất 240 triệu liều vắcxin COVID-19 sử dụng công nghệ RNA/năm. Dự kiến công trình hoàn thiện vào tháng 3/2023.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh việc bàn giao vắcxin sản xuất tại châu Âu cho Canada đang bị gián đoạn. Việc bàn giao vắcxin của Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất tại châu Âu - hai loại vắcxin đầu tiên được cấp phép tại Canada hồi tháng 12/2020, đã chậm vài tuần so với dự kiến.

Thủ tướng Trudeau cam kết sẽ sớm giải quyết tình trạng này và đưa chương trình tiêm chủng trở về đúng lịch trình dự kiến trước tháng Ba tới.

Tính đến ngày 2/2, Canada ghi nhận tổng cộng hơn 780.000 ca mắc COVID-19, trong đó có khoảng 20.000 ca tử vong. Ông Trudeau khẳng định tất cả các công dân Canada sẽ được tiêm chủng trước cuối tháng 9/2021.

Vắcxin Novavax ngừa COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Vắcxin Novavax ngừa COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Ngày 2/2, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra đề xuất nhằm tăng tốc sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 bằng cách giúp nâng cấp các nhà máy sản xuất dược phẩm hiện hữu hoặc xây dựng thêm các cơ sở mới.

Đề xuất trên được đưa ra trong bức thư chung của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh khối này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vắcxin, chủ yếu xuất phát từ vấn đề sản xuất.

Bức thư gửi các lãnh đạo châu Âu chỉ ra rằng EC phải triển khai tất cả các phương tiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khối, có thể là thông qua đầu tư bổ sung nhằm nâng cấp các nhà máy hiện có hoặc xây dựng các cơ sở sản xuất mới.

Bức thư cũng nhấn mạnh rằng, ngân sách mới được thông qua của EU cùng với quỹ phục hồi tổng cộng 1.800 tỷ euro (2.200 tỷ USD) phải được sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Bức thư nêu rõ, EC nên trao đổi với các nhà cung cấp dược phẩm không chỉ để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung vắcxin, mà còn cả các sản phẩm khác như bộ kit xét nghiệm và các loại thuốc điều trị.

EC cũng đang đề xuất tạo ra một chương trình có sự tham gia của các công ty công nghệ cao và các nhà sản xuất vắcxin để đưa ra các biện pháp phát hiện và phản ứng với các mầm bệnh nhanh hơn.

Theo số liệu thống kê của chuyên trang về dữ liệu Our World in Data , các nước EU cho đến nay đã tiêm liều đầu tiên cho khoảng 3% dân số của họ, so với 9% ở Mỹ và 14% ở Anh.

Tin bài liên quan