"Credit Suisse phá sản" thành tin đồn toàn cầu

"Credit Suisse phá sản" thành tin đồn toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Credit Suisse phá sản” thành tin đồn toàn cầu, khiến CEO mới được bổ nhiệm tháng 7/2022 phải lên tiếng trấn an. Tại Việt Nam, tên tuổi Credit Suisse gắn với việc dàn xếp vốn cho một loạt doanh nghiệp lớn.

Credit Suisse đang đối diện nhiều chất vấn từ phía nhà đầu tư, khi xuất hiện lo ngại rủi ro phá sản với tổ chức này bởi giao dịch CDS (Credit Default Swap) của Credit Suisse hiện đang ở mức cao. Cụ thể, chi phí bảo hiểm trái phiếu của Công ty để bảo vệ cho trường hợp vỡ nợ đã tăng khoảng 15% vào cuối tuần trước, đẩy giá CDS của Credit Suisse lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2009. Trong khi đó, giá cổ phiếu Công ty giảm xuống mức thấp kỷ lục.

CDS là công cụ hợp đồng phái sinh về tín dụng giữa hai đối tác, được xem như một công vụ phòng vệ rủi ro tài chính, giống như các loại hợp đồng bảo hiểm. Bên mua trả phí bảo vệ rủi ro để được bồi thường một khoản tiền cố định nếu sự cố thực sự xảy ra.

Chính vì vậy, việc CDS của Credit Suisse tăng mạnh làm dấy lên nghi ngờ liệu Công ty có phá sản?

Trong bối cảnh này, CEO Ulrich Koerner – người vừa được bổ nhiệm vào tháng 7/2022 đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư, cũng như các nhân viên rằng Công ty vẫn đang sở hữu “nền tảng tài chính mạnh và thanh khoản tốt”. Vị CEO này cũng cho biết sẽ cập nhật thường xuyên tình hình hoạt động cho tới khi Công ty công bố chiến lược mới vào ngày 27/10/2022.

Giá trị vốn hoá thị trường của Credit Suisse đã giảm xuống chỉ còn khoảng 10 tỷ francs Thuỵ Sỹ so với mức đỉnh gần nhất đạt được vào tháng 3/2021 (hơn 30 tỷ franc Thuỵ Sỹ).

Đáng chú ý, theo các thông tin trước đó, Credit Suisse đang trong giai đoạn chuẩn bị cho chiến lược thay đổi toàn diện, bao gồm cả việc sẽ cắt giảm hàng nghìn nhân sự trong những năm tiếp theo.

Tại Việt Nam, Credit Suisse gắn với hoạt động dàn xếp vốn cho một loạt doanh nghiệp lớn. Chẳng hạn, tháng 7/2022, VinFast công bố chính thức ký kết Thỏa thuận Thu xếp vốn quốc tế với Credit Suisse và Citigroup trong việc tư vấn bảo lãnh cho các giao dịch huy động vốn toàn cầu. Mỗi hợp đồng ký kết có giá trị tối thiểu khoảng 2 tỷ USD, tập trung vào việc xây dựng nhà máy ở Bắc Carolina và các hoạt động đầu tư kinh doanh của VinFast tại thị trường Mỹ.

Novaland cũng có nhiều đợt huy động vốn thành công trên thị trường toàn cầu với sự thu xếp vốn của Credit Suisse. Một số doanh nghiệp khác bao gồm TCB, MSN...

Tin bài liên quan