Cú sốc lạm phát kèm suy thoái có thể sẽ thách thức tiếp theo đối với thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đối với thị trường chứng khoán, lạm phát gia tăng đã là một mối lo lớn trong khi xung đột vũ trang Nga - Ukraine đã làm những lo lắng đó trở nên lớn hơn rất nhiều.
Cú sốc lạm phát kèm suy thoái có thể sẽ thách thức tiếp theo đối với thị trường chứng khoán

Xung đột vũ trang Nga - Ukraine đã khiến giá của mọi hàng hoá từ dầu mỏ, thực phẩm đến khí đốt tự nhiên và nhôm tăng mạnh. Mức tăng đột biến có thể làm tắc nghẽn hoạt động kinh tế và làm trầm trọng thêm tình hình thị trường.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu và Mỹ với Nga nhằm hạn chế thương mại giữa phương Tây trong khi Nga là một trong những nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới.

Thomas Boeckelmann, Trưởng bộ phận quản lý danh mục đầu tư tại Euroswitch cho biết: “Ảnh hưởng của các sự kiện gần đây có thể được mô tả một cách chính xác là hiện tượng đình trệ - giá cả tăng lên cùng với hoạt động kinh tế suy giảm”.

Thị trường đã đối mặt với nhiều biến động trong năm nay bởi các tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) rằng họ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn dự kiến ​​trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Bất kỳ áp lực nào nữa về giá cả chỉ có thể làm tăng thêm những lo ngại về thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chiến lược gia Christian Mueller-Glissmann của Goldman Sachs Group cho biết: “Đây là thời điểm thực sự tồi tệ đối với thị trường, bởi vì trong năm ngoái, chúng tôi đã cố gắng vật lộn với các điều kiện thắt chặt, và bây giờ đang đối mặt với một cú sốc tăng trưởng, đặc biệt đối với châu Âu nhưng ảnh hưởng cả trên toàn cầu.”

Với lãi suất ở mức đáy và dần chấm dứt chương trình mua tài sản, các ngân hàng trung ương có rất ít dư địa thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng ngay bây giờ. Việc mở rộng hoặc tăng cường các biện pháp kích thích có thể làm trầm trọng thêm áp lực giá cả, trong khi việc “đạp phanh” có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng nhưng không giải quyết được gốc rễ của sự gia tăng lạm phát.

Chiến lược gia thị trường Carsten Roemheld của Fidelity International cho biết: “Sẽ vô cùng khó khăn cho các ngân hàng trung ương trong tình huống lạm phát đang gia tăng, nhưng tăng trưởng cũng đang gặp nguy hiểm. Đây không phải là một môi trường tốt để mong đợi sự phục hồi nhanh chóng của cổ phiếu”.

Thị trường chứng khoán châu Âu có vẻ dễ bị tổn thương nhất. Alessandro Tentori, Giám đốc đầu tư tại Axa Investment Managers cho biết: “Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang cho thấy sự mong manh của các nền kinh tế châu Âu vì họ phụ thuộc vào mọi thứ, bắt đầu từ năng lượng. Sự mong manh này có thể trở nên tiêu cực đối với thị trường chứng khoán của châu Âu so với Trung Quốc và Mỹ nói riêng”.

Cơ sở cho sự lạc quan

Tai Hui, Giám đốc chiến lược thị trường châu Á tại JPMorgan Asset Management cho biết, có lý do để lạc quan bao gồm tiết kiệm của người tiêu dùng tích lũy được sau đại dịch và thực tế là người tiêu dùng Mỹ và châu Âu hiện chi tiêu ít hơn thu nhập khả dụng cho những thứ cơ bản, chẳng hạn như thực phẩm và năng lượng.

“Mặc dù giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh vẫn thể hiện sự sụt giảm thu nhập khả dụng, nhưng điều đó không gây bất lợi cho tiêu dùng nói chung. “Rủi ro lạm phát có thể kiểm soát được nếu có thể tìm ra các giải pháp cung ứng kịp thời để đối phó với sự gián đoạn do xung đột Ukraine gây ra”, ông cho biết.

Tin bài liên quan