Cung và cầu trong nước đều yếu

0:00 / 0:00
0:00
Tăng trưởng GDP không chỉ xét ở đầu vào, mà còn được xét ở đầu ra, tức là xét ở cả tổng cung và tổng cầu.
Sức mua của người tiêu dùng giảm do thu nhập giảm vì đại dịch Covid-19.

Sức mua của người tiêu dùng giảm do thu nhập giảm vì đại dịch Covid-19.

Cung trong nước yếu

Cung trong nước yếu thể hiện trên một số mặt.

GDP (cung trong nước) 9 tháng tăng rất thấp, trong đó, GDP quý III giảm rất sâu.

Tăng trưởng chậm lại diễn ra ở cả 3 nhóm ngành, trong đó nhóm ngành dịch vụ còn bị giảm (0,69%).

Dự báo GDP cả năm theo kịch bản khả quan tăng 3-3,5%, không khả quan thì chỉ đạt dưới 2,9% (thấp hơn tốc độ tăng của năm 2020 là 2,91%) - điều chưa từng xảy ra trong 3 thập kỷ qua. Điều đó cho thấy, tác động tiêu cực của Covid-19 đối với Việt Nam là rất lớn.

Do cung trong nước còn yếu, để cân bằng cung - cầu, thì nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ tăng cao hơn xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, tức là nhập siêu. Nhập siêu hàng hóa, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan là 2,551 tỷ USD - ngược chiều với xuất siêu 1,6633 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Nhập siêu dịch vụ trong 9 tháng lên tới 11,687 tỷ USD, cao gấp rưỡi mức 7,084 tỷ USD của cùng kỳ.

Đành rằng, hàng hóa chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu và dịch vụ nhập siêu tăng khủng do nhiều nguyên nhân, nhưng chính điều đó đã thể hiện cung trong nước (GDP) còn yếu.

Cung trong nước yếu, nên phải kích cung. Kích cung có nhiều giải pháp. Ở đầu vào là tăng vốn đầu tư và quan trọng hơn là tăng hiệu quả đầu tư. Lượng vốn đến từ 3 nguồn: đầu tư công phải tăng tốc để hoàn thành kế hoạch; đầu tư ngoài nhà nước cần hướng vào sản xuất, kinh doanh, hạn chế bị “chôn” vào các kênh đầu cơ vàng, bất động sản, tiền ảo,…; không những giữ chân, mà còn thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. Các ngân hàng thương mại cần giảm lãi để hạ lãi suất cho vay. Ngân sách nhà nước thực hiện nhanh gói “cấp bù lãi suất” và kéo lượng tín dụng tương ứng ra theo… để “cứu” doanh nghiệp…

tăng trưởng GDP# tiêu dùng# cung cầu# tổng cung# tổng cầu# CPI# GDP

Ở đầu ra, cần kiểm soát nhập khẩu, nhất là những hàng hóa liên quan đến “xuất xứ”, đến hàng hóa mà các doanh nghiệp nước ngoài thường nhờ doanh nghiệp Việt Nam “xuất khẩu hộ”, “tiêu thụ giùm”… Giảm nhập siêu và trở lại xuất siêu (như 5 năm trước) sẽ góp phần kích cung trong nước. Mở cửa hiện là động lực đẩy mạnh sản xuất và cũng là hình thức kích cung cấp thiết hiện nay.

Cầu trong nước cũng yếu

Nếu nhìn vào tốc độ tăng tích lũy tài sản và tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng đều cao hơn tốc độ tăng GDP, dễ tưởng rằng, cầu trong nước khỏe, nhưng thực chất, cầu trong nước cũng yếu. Cầu trong nước yếu thể hiện trên một số điểm.

Tích lũy tài sản là tiền đề của đầu tư, chứ chưa phải là đầu tư, bởi ngoài phần đầu tư trong kỳ, còn có một phần là để dành, một phần đã được “chôn” vào các kênh đầu cơ, nhất là tiền ảo, vàng, bất động sản…

Trong khi lượng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tính theo giá thực tế so với cùng kỳ chỉ tăng 0,4%, nếu loại trừ yếu tố giá thì bị giảm (giá sản xuất tăng 2,82%, giá tiêu dùng tăng 1,82%). Tiêu dùng cuối cùng thông qua tự cung tự cấp (chiếm khoảng 10%) và thông qua mua bán trên thị trường (tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chiếm khoảng 90%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế giảm 7,1%, nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm tới 8,7%. Đó là mức giảm hiếm thấy trong nhiều năm qua.

Một biểu hiện khác là CPI tăng thấp, trong khi lạm phát thế giới tăng cao. Cụ thể, giá nhập khẩu tăng cao (6,03%), nhưng CPI bình quân chỉ tăng 1,82%.

Như vậy, tổng cầu cao, nhưng nếu trừ đi phần nhập siêu hàng hóa, dịch vụ từ nước ngoài, thì cầu thực trong nước cũng yếu.

Cầu yếu đòi phải phải kích cầu. Thời gian qua đã có nhiều gói kích cầu từ ngân sách, từ quỹ bảo hiểm xã hội... với số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, quy mô của các gói kích cầu này chưa đủ lớn, thời gian chưa kịp thời, ở một số nơi còn trùng, bỏ sót đối tượng…

Tin bài liên quan