TPBank là một trong số ít các ngân hàng đã hoàn thành Basel III.

TPBank là một trong số ít các ngân hàng đã hoàn thành Basel III.

Cuộc đua tăng năng lực tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một loạt ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ do “bộ đệm” vốn nhìn chung đang ở mức thấp so với tiêu chuẩn quốc tế cũng như mức bình quân trong khu vực, trong khi rủi ro nợ xấu gia tăng.

Đồng loạt tăng vốn trong năm 2023

Tăng vốn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây và mục tiêu này đang được đẩy mạnh. Vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn và rủi ro hiện hữu, đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng tốt hơn.

Tính đến cuối năm 2022, vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng đạt 876.993 tỷ đồng, tăng 13,04% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn điều lệ của khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank) là 190.433 tỷ đồng, tăng 5,75%; khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là 469.409 tỷ đồng, tăng 19,26%.

Tính riêng 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán, trong năm qua có 15 ngân hàng tăng vốn điều lệ. Ở nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chỉ có Vietcombank tăng vốn điều lệ thêm 28%, còn nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có mức tăng vốn bình quân khoảng 21%. Một số ngân hàng không hoàn thành kế hoạch tăng vốn do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, cũng như sự bất ổn của kinh tế toàn cầu.

Năm 2023, nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ. Cụ thể, VPBank dự kiến tăng vốn thêm 12.207 tỷ đồng, lên hơn 79.339 tỷ đồng, thông qua phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu cho cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation và phát hành hơn 30,2 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

TPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 6.199 tỷ đồng, lên 22.016 tỷ đồng, thông qua phát hành gần 619,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 39,19%.

VIB đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ gần 21.077 tỷ đồng lên 25.368 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ tăng thêm, Ngân hàng dự kiến dùng 4.091 tỷ đồng để cấp tín dụng và đầu tư tài sản thanh khoản, 100 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, 100 tỷ đồng đầu tư nâng cấp mạng lưới chi nhánh.

MB có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 9.023,5 tỷ đồng, lên 53.683 tỷ đồng. Trong đó, phát hành hơn 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 15% (tương đương 6.800 tỷ đồng), thực hiện trong năm 2023; chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu ESOP trong năm 2023 hoặc nửa đầu năm 2024.

LPBank sẽ tăng vốn điều lệ thêm 11.385 tỷ đồng, lên 28.676 tỷ đồng, thông qua phát hành 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (5.000 tỷ đồng), 10 triệu cổ phiếu ESOP (100 tỷ đồng), 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài (3.000 tỷ đồng), 328,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (3.285 tỷ đồng).

SeABank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 20.403 tỷ đồng lên 25.903 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ gần 20,3%, chào bán cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ hơn 4,6% và phát hành cổ phiếu ESOP.

Bac A Bank dự kiến tăng vốn điều lệ từ hơn 8.134 tỷ đồng lên gần 9.900 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Kế hoạch tăng vốn điều lệ của ACB là từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng (thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu); của HDBank là từ hơn 25.303 tỷ đồng lên xấp xỉ 29.300 tỷ đồng (thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu); của NCB là từ 5.602 tỷ đồng lên gần 11.802 tỷ đồng (thông qua phát hành 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ); của SHB là từ 30.673,8 tỷ đồng lên 36.194,2 tỷ đồng…

Ngân hàng lớn không đứng ngoài cuộc

Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank. Đồng thời, cơ quan này chỉ đạo Vietcombank, VietinBank, BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Phạm Quang Dũng, Ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ thông qua 3 phương án. Một là, tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ 18,1%. Hai là, tăng vốn theo lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên khoảng 75.000 tỷ đồng. Ba là, phát hành riêng lẻ 6,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2024.

BIDV có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 48.058 tỷ đồng lên 66.030 tỷ đồng. Trong đó, phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương hơn 6.419 tỷ đồng; phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu (tương đương 4.552 tỷ đồng).

Đại hội cổ đông VietinBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2023 từ 48.058 tỷ đồng lên 66.030 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Với Agribank, ngày 25/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về đầu tư bổ sung vốn điều lệ. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa uỷ quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021 - 2023 thêm 17.100 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, nợ xấu gia tăng cũng tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống ngân hàng. Tính đến cuối tháng 2/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,91%, tăng so với mức 2% cuối năm 2022, mức 1,49% cuối năm 2021 và mức 2,46% cuối năm 2016. Bên cạnh đó, hệ số an toàn vốn CAR của nhiều ngân hàng đang ở mức thấp. Do đó, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ là cần thiết để các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, tăng sức cạnh tranh.

Bộ đệm vốn còn mỏng so với khu vực

So với các ngân hàng trong khu vực, bộ đệm vốn của ngân hàng Việt Nam hiện vẫn còn mỏng. Trong khi nhiều nước trong khu vực đã thực hiện Basel 3 hoặc một phần Basel 3, thì Việt Nam mới thực hiện Basel 2, số ngân hàng áp dụng Basel 3 rất ít. Vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số an toàn vốn (CAR) và xếp hạng ngân hàng. Do đó, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết, giúp ngân hàng phát triển lành mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng chống chịu trong những giai đoạn kinh tế biến động.

Cuối năm 2022, hệ số an toàn vốn tính theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 9,04%, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là 12,29%, nhóm ngân hàng nước ngoài là 18,61%.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối năm 2022, hệ số CAR tính theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước ở mức 9,04%, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là 12,29%, nhóm ngân hàng nước ngoài đạt 18,61% (tương đồng so mức bình quân trong khu vực).

Công ty Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, hệ số CAR tại các ngân hàng Việt Nam có sự cải thiện, nhưng bộ đệm vốn vẫn còn thấp so với tiêu chuẩn quốc tế cũng như mức bình quân trong khu vực (CAR bình quân của Indonesia là 22,6%, Philippines là 17,2%, Singapore là 17,1%, Thái Lan là 19,6%, Malaysia là 18,5%).

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích VNDIRECT, các ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục đặt mục tiêu đạt tỷ lệ CAR cao hơn nhờ sự chủ động trong quản lý vốn, đồng thời tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn Basel III để xây dựng cơ sở vốn vững chắc, thúc đẩy tăng trưởng cho vay. Trong số hơn 20 ngân hàng đã thực hiện Basel II, một số nhà băng hoàn thành Basel III là LPBank, VPBank, ACB, TPBank.

Tin bài liên quan