Cuộc giải cứu thị trường chứng khoán của Trung Quốc chưa đạt được kết quả mong muốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các cơ quan quản lý của Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục các quỹ đầu tư toàn cầu đầu tư thị trường chứng khoán nước này trừ khi xuất hiện những nỗ lực thúc đẩy thị trường đi kèm với các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn để hỗ trợ tăng trưởng.
Cuộc giải cứu thị trường chứng khoán của Trung Quốc chưa đạt được kết quả mong muốn

Các quan chức đã thực hiện một loạt biện pháp trong những ngày gần đây để cải thiện tâm lý đang bị tổn hại trên thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới. Các quan chức đã kêu gọi các tổ chức tài chính mua vào cổ phiếu, khuyến khích các công ty tăng cường mua lại cổ phiếu và yêu cầu các quỹ tương hỗ ngừng bán. Nhưng hầu như tất cả đều không mang lại kết quả khi chỉ số MSCI China Index giảm thêm 1,3% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (25/8).

Karine Hirn, đối tác tại East Capital Asset Management cho biết: “Các nhà đầu tư thất vọng vì thiếu các biện pháp cụ thể để thúc đẩy nền kinh tế. Nếu không có các biện pháp mạnh mẽ hơn từ chính phủ và trong khi căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây vẫn tiếp diễn, thị trường có thể tiếp tục xu hướng giảm”.

Chỉ số MSCI China Index đã giảm 11% trong tháng này, và có thể là tháng có hiệu suất thấp nhất kể từ tháng 10/2022 và khiến chỉ số này chìm trong sắc đỏ trong năm thứ ba liên tiếp. Cổ phiếu của Country Gardens - trước đây là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc - đã dẫn đầu mức giảm trong tháng 8 với mức giảm 49% trong bối cảnh lo ngại công ty sẽ vỡ nợ với khoản nợ bằng đô la.

Các quỹ đầu tư toàn cầu đã rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc khi bán ròng gần 11 tỷ USD trong 13 ngày tính tới ngày 23/8, thời gian dài nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 2016. Các nhà phân tích Phố Wall cũng đang trở nên bi quan hơn, Morgan Stanley và Goldman Sachs đã hạ mục tiêu đối với chứng khoán Trung Quốc trong tuần qua, sau khi khởi đầu năm mới đầy tích cực.

Mặc dù các nhà chức trách hàng đầu đã hứa hẹn các chính sách hỗ trợ tăng trưởng tại cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 24/7, nhưng vẫn chưa có nhiều hành động được thực hiện để chống lại sự suy thoái. Điều đó thu hút sự chú ý đến quyết tâm của các nhà chức trách trong việc thoát khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào nợ.

Matt Maley, Giám đốc chiến lược thị trường tại Miller Tabak cho biết, Chính phủ Trung Quốc một lần nữa đang làm khác đi so các dự báo đồng thuận giống như năm 2021 khi chính quyền thực hiện kiểm soát doanh nghiệp tư nhân.

“Điều tương tự đang diễn ra trong năm nay khi các quan chức Trung Quốc phản ứng theo cách ít khắt khe hơn trước sự yếu kém trong nền kinh tế so với những gì mà sự đồng thuận đã mong đợi. Nó cho thấy Trung Quốc không hề quan tâm đến việc người khác nghĩ họ nên làm gì”, ông cho biết.

Những dữ liệu kinh tế mới nhất đã cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu. Các khoản vay ngân hàng vào tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm, giảm phát bắt đầu xuất hiện và xuất khẩu đang suy giảm. Zhongzhi Enterprise Group - một trong những ngân hàng ngầm lớn nhất Trung Quốc - đã tạm dừng thanh toán cho nhiều sản phẩm đầu tư lợi suất cao kể từ tháng trước, làm dấy lên lo ngại về sự lây lan từ thị trường bất động sản đang sụt giảm.

Dave Perrett, đồng Giám đốc Đầu tư châu Á tại M&G Investments cho biết: “Mọi người đang lo lắng về việc thiếu phản ứng chính sách. Họ đang mong đợi trong vòng 3 đến 6 tháng tới và họ không thấy nền kinh tế sẽ tốt hơn nhiều và kết quả là mọi người lo lắng về rủi ro lây lan”.

Hiệu suất chênh lệch giữa chỉ số S&P 500 và MSCI China Index

Hiệu suất chênh lệch giữa chỉ số S&P 500 và MSCI China Index

Cổ phiếu và tiền tệ của Trung Quốc đang tiến gần đến mức yếu nhất so với các cổ phiếu cùng lĩnh vực ở Mỹ và đồng đô la kể từ ít nhất là năm 2007. Xu hướng hướng tới chính sách tiền tệ an toàn và nới lỏng hơn đã thúc đẩy lợi nhuận của trái phiếu chính phủ Trung Quốc, khiến chênh lệch lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm với lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn hai năm lớn nhất kể từ năm 2006.

Xiadong Bao, nhà quản lý quỹ tại Edmond de Rothschild Asset Management cho biết: “Tất cả dữ liệu đều dẫn đến niềm tin yếu hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế khi biện minh cho rủi ro mà họ đang gặp phải đối với cổ phiếu Trung Quốc so với tài sản ở nơi khác với phần rủi ro có thể nhận thấy”.

Các quan chức vẫn đang kỳ vọng thuyết phục được các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào thị trường. Bloomberg News đưa tin hôm thứ Sáu (25/8) rằng cơ quan quản lý chứng khoán có kế hoạch triệu tập một cuộc họp với một số nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới tại Hồng Kông, bao gồm Fidelity International Ltd. và Goldman Sachs.

Theo Matthew Poterba, nhà phân tích cấp cao tại Richard Bernstein Advisors, điều mà các nhà quản lý quỹ toàn cầu đang tìm kiếm là bằng chứng về một nền kinh tế đang cải thiện.

“Các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang cực kỳ bi quan về chứng khoán Trung Quốc. Nhiều quỹ vẫn giữ tỷ trọng thấp khi đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc và sẽ cần thấy những dấu hiệu cụ thể hơn về sự phục hồi bền vững trước khi quay trở lại”, ông cho biết.

Tin bài liên quan