Cứu DN không thể chỉ giảm lãi suất

Cứu DN không thể chỉ giảm lãi suất

(ĐTCK) Để kích thích sức cầu về vốn trong những tháng đầu năm 2013, không ít ngân hàng tiếp tục “tung” ra các gói vốn ưu đãi lãi suất cho vay. Song theo các ngân hàng và bản thân DN, giảm lãi suất chưa hẳn giúp dòng vốn luân chuyển.

Cứu DN không thể chỉ giảm lãi suất ảnh 1

Chính phủ cần thêm các biện pháp để kích thích sức mua của người dân

 

Cùng với việc điều chỉnh trần lãi suất đầu vào xuống 8%/năm đối với kỳ hạn tiền gửi ngắn ngày, NHNN đã ban hành Thông tư số 33/2012/TT-NHNN ngày 21/12/2012 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa là 12%/năm. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng được các ngân hàng áp dụng với đối tượng DN trong 4 lĩnh vực ưu tiên lùi về 11 - 13%/năm.

Theo PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP. HCM, lãi suất sẽ còn giảm trong thời gian tới. Theo số liệu thống kê, trong năm qua, số DN ngừng hoạt động, phá sản ước tính lên đến 51.800 DN. Hàng hóa tồn kho tăng cao, đặc biệt là hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng. Trong khi đó, lãi suất ưu đãi hiện chỉ dành cho các lĩnh vực được ưu tiên như sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp… Do đó, bên cạnh giảm lãi suất, cần có các chính sách kích cầu thị trường. Đơn cử như lĩnh vực bất động sản, phải có nguồn vốn giá rẻ hỗ trợ cho khách hàng mua nhà.

Cùng quan điểm, tổng giám đốc một công ty chuyên sản xuất - cung cấp mặt hàng thực phẩm cho rằng, nhiều DN hiện đang gặp khó khăn do sức mua của thị trường giảm, đầu ra sản phẩm thu hẹp, chứ không chỉ có áp lực lãi vay. Vì thế, ngoài việc giảm lãi suất cho DN, Nhà nước cần có chính sách kích cầu.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam HSBC vừa công bố cho thấy, sản lượng sản xuất của Việt Nam vẫn khá đình trệ trong tháng 12 (PMI đạt 49,3 điểm trong tháng 12, so với mức 50,5 điểm trong tháng 11/2012), phản ánh ở việc giảm số lượng đơn đặt hàng cả trong nước và xuất khẩu. Bình luận về vấn đề này, bà Trinh Nguyễn, chuyên viên kinh tế HSBC cho biết, với mức sản lượng như hiện nay, có thể thấy nền kinh tế đang dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, quá trình hồi phục của nền kinh tế còn ở giai đoạn đầu khi nhu cầu vẫn yếu và niềm tin của người tiêu dùng giảm. HSBC không kỳ vọng hành vi tiêu dùng có sự thay đổi đáng kể trong thời gian tới, trừ khi có những cải cách thực sự. Vì vậy, HSBC dự báo sẽ không có sự đột phá lớn về tăng trưởng tín dụng trong năm 2013.

Tổng giám đốc của một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM thừa nhận, lãi suất ưu đãi của ngân hàng ông đã giảm sâu xuống mức 8 - 9%/năm và dành cho DN có sức khỏe tốt, có dự án sản xuất - kinh doanh khả thi. Tuy nhiên, việc tìm kiếm được khách hàng tốt ở thời điểm này cũng rất khó, bởi DN vẫn chưa muốn vay vốn khi lượng hàng tồn kho vẫn cao.

Vị tổng giám đốc trên cho rằng, hiện hàng tồn kho gấp đôi so với dư nợ ngành ngân hàng. Nợ xấu ngân hàng có nguyên nhân chủ yếu từ sức cầu suy giảm nghiêm trọng. Vì thế, nếu không xóa tảng băng tồn đọng hàng hóa cho nền kinh tế, thì DN và ngân hàng đều khó khăn, cho dù lãi suất thực tế đã giảm về cả dưới “trần”.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia ví von: “Từ quý II/2012, nền kinh tế Việt Nam thể hiện càng rõ nét đặc điểm như một cơ thể thiếu máu, nhưng lại không đủ sức để nhận truyền máu. DN thiếu vốn hoạt động; ngân hàng không tăng được tín dụng. Nợ xấu như ‘cục máu đông’ gây tắc nghẽn hệ tuần hoàn. Vì thế, chỉ giảm lãi suất là chưa đủ để phục hồi sản xuất”.

Bởi theo đánh giá của TS. Lịch, tình trạng nợ xấu vẫn là vấn đề nan giải nhất trong các vấn đề kinh tế vĩ mô hiện nay, nên khả năng hấp thụ tín dụng của DN là rất hạn chế, trừ khi Chính phủ có chủ trương “khoanh nợ” cho một số ngành và lĩnh vực thì mới có cơ hội để tăng tín dụng cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế TS. Phạm Đỗ Chí cho rằng, sự phá sản của các DN là một hệ lụy của chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng đó cũng là một sự sàng lọc để tạo ra một thế hệ các DN mới có kỹ năng quản lý rủi ro và hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho quá trình này, cần nhanh chóng đơn giản và lành mạnh hóa các biện pháp quản lý hành chính từ việc thành lập đến quản lý DN.

Theo đánh giá của ông Chí, với các gói giải pháp có tổng trị giá 29.000 tỷ đồng mà Chính phủ đã áp dụng trong năm qua chỉ có tác động làm giảm bớt khó khăn cho DN. Để DN có thể duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh và phát triển, Chính phủ cần thêm các biện pháp tài khóa nhằm kích thích sức mua của người dân và các cơ chế để DN dễ dàng tiếp cận được vốn vay.