Đã có “van, khóa” ngăn chặn sự việc tương tự SCB

0:00 / 0:00
0:00
Nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trước khi Quốc hội thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) là can thiệp sớm, hỗ trợ tiếp cận tín dụng với ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt và các biện pháp kiểm soát đặc biệt.
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến tại cuộc họp báo.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến tại cuộc họp báo.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã đưa ra các giải pháp, van khóa để đảm bảo những điểm hạn chế, tồn tại trong thời gian qua được giải quyết, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho biết trong cuộc họp báo về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ năm của Quốc hội, sáng 18/1.

Câu hỏi được báo chí đặt ra là, mục tiêu của sửa luật lần này là giúp hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động lành mạnh, bền vững, nhưng cũng ngăn chặn sự việc tiêu cực tương tự như SCB. Vậy Luật thông qua sẽ giúp ngăn chặn tiêu cực như SCB thế nào?

Trả lời, bà Yến cho biết ba nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) là can thiệp sớm, hỗ trợ tiếp cận tín dụng với ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt và các biện pháp kiểm soát đặc biệt.

Theo bà Yến, cơ quan thẩm tra, soạn thảo đã nghiên cứu, đề xuất phương án. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nhiều buổi họp, lắng nghe, cho ý kiến với các nội dung cụ thể của dự thảo luật.

Các quy định đưa ra, theo đánh giá của cơ quan thẩm tra, sẽ giúp tăng tính tự cường, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng. “Luật đã đưa ra các giải pháp, van khóa để đảm bảo những điểm hạn chế, tồn tại trong thời gian qua được giải quyết”, bà Yến nhìn nhận.

Cụ thể, Luật bổ sung quy định về tổ chức quản trị điều hành, quản trị rủi ro để ngân hàng tiếp cận tốt với quản trị doanh nghiệp; các quy định về kiểm tra, kiểm soát nội bộ tổ chức tín dụng, nhất là quyền hạn của người quản lý, người điều hành, tổng giám đốc, tăng số lượng Ban kiểm soát tại ngân hàng thương mại nhất là kiểm soát, kiểm toán nội bộ.

Những biện pháp này nhằm tăng khả năng cạnh tranh, chống chịu của mỗi ngân hàng trong nền kinh tế, theo bà Yến.

Ngoài ra, để hạn chế sở hữu chéo, thao túng tổ chức tín dụng, Luật cũng điều chỉnh quy định về giảm tỷ lệ sở hữu với tổ chức, cá nhân và người liên quan (trừ quỹ tín dụng nhân dân); giảm giới hạn tín dụng để cho phép các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực theo lộ trình. Quy định công khai thông tin với cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên cũng được bổ sung, giúp tăng tối đa tính minh bạch thông tin liên quan tới sở hữu tổ chức tín dụng.

Mặt khác, các quy định về tài chính, báo cáo tài chính (vốn, doanh thu, chi phí, lãi phải thu), dự phòng rủi ro… cũng được bổ sung nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh, tổ chức tín dụng phát triển bền vững, phù hợp chuẩn mực quốc tế về tài chính, kế toán.

Với các biện pháp can thiệp sớm, cho vay đặc biệt, bà Yến thông tin, quy định tại Luật được xây dựng trên cơ sở tính tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, như tổ chức tín dụng phải xây dựng phương án khắc phục trong trường hợp ở diện bị can thiệp sớm… để rủi ro mỗi ngân hàng không ảnh hưởng tới an toàn hệ thống.

Cạnh đó, các biện pháp kiểm soát nội bộ, giải pháp thanh tra kiểm tra, giám sát ngân hàng cũng được dự thảo luật hoàn thiện.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 15 chương, 210 điều. Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, đây là dự án Luật có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật được thực hiện kỹ lưỡng, thận trọng, phù hợp với đường lối, chính sách và Hiến pháp 2013.

Việc Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp lần này với 450 đại biểu tán thành (chiếm 91.28% tổng số đại biểu) góp phần bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, phát triển theo đúng nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ, chuẩn mực quốc tế phổ biến, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, ông Cường thông tin.

Tin bài liên quan