Đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, khai thác các FTA cho tăng trưởng trung hạn

0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, Việt Nam cần đa dạng mặt hàng xuất khẩu, khai thác mạnh mẽ các FTA hiện hành, mở rộng thị trường để có tăng trưởng trong trung hạn.
Ngân hàng Thế giới lưu ý, cần đa dạng mặt hàng xuất khẩu, tận dụng tốt các FTA để có tăng trưởng.

Ngân hàng Thế giới lưu ý, cần đa dạng mặt hàng xuất khẩu, tận dụng tốt các FTA để có tăng trưởng.

Theo báo cáo cập nhật kinh tế vừa được công bố của WB với tựa đề “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng”, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại từ 8% năm 2022 xuống còn 3,7% trong nửa đầu năm 2023, do sức cầu bên ngoài giảm mạnh, đồng thời cầu trong nước cũng đang yếu đi.

Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho biết: "Nền kinh tế Việt Nam đang gặp thách thức từ cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Trong đó, sức cầu bên ngoài yếu đi ảnh hưởng nặng nề đến xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023.

Điều này thể hiện rõ trong kết quả xuất khẩu, ước đóng góp khoảng 50% cho GDP của Việt Nam.

Báo cáo của WB chỉ rõ, xuất khẩu giảm 12% so cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023 do kim ngạch xuất khẩu giảm đồng loạt ở các mặt hàng chế tạo chế biến chủ lực, bao gồm hàng điện tử giảm 13,9%, máy móc giảm 8,6%, dệt may giảm 15,8%, và giày da giảm 16,9%. Cùng đó, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Mỹ cũng giảm 21,3% và Liên minh châu Âu giảm 9,6% so với cùng kỳ.

Cán cân thương mại hàng hóa và cán cân thương mại dịch vụ (Nguồn: Báo cáo của WB).

Cán cân thương mại hàng hóa và cán cân thương mại dịch vụ (Nguồn: Báo cáo của WB).

Tổng cầu giảm cũng được phản chiếu ở phía sản xuất (tổng cung) của GDP, phản ánh rõ nét sự suy giảm cầu xuất khẩu, đóng góp của khu vực công nghiệp cho tăng trưởng giảm xuống 0,4 điểm phần trăm trong nửa đầu năm, so với 2,8 điểm phần trăm cùng kỳ năm trước.

Theo WB, ảnh hưởng của cú sốc cầu xuất khẩu còn bị trầm trọng hơn do tình trạng thiếu điện liên tục ảnh hưởng đến miền Bắc Việt Nam trong tháng 5 và 6, làm gián đoạn các hoạt động kinh tế với tổn thất ước tính ở mức 0,3% GDP.

Tổng kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu, ở mức 17,9% so cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023, trong đó kim ngạch nhập khẩu quý II/2023 giảm 20,2% so cùng kỳ năm trước.

"Vì đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chiếm 94% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, nên nhập khẩu giảm mạnh không chỉ phản ánh sản xuất phục vụ xuất khẩu suy giảm mà có thể là chỉ báo về sản xuất của các ngành phục vụ xuất khẩu sẽ suy yếu trong những tháng tới", Báo cáo nêu.

Triển vọng thời gian tới, Báo cáo của WB lưu ý, Việt Nam tiếp tục đối mặt với rủi ro gia tăng trong nước và bên ngoài. Nhìn từ bên ngoài, tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc có thể tiếp tục làm giảm sức cầu bên ngoài đối với khu vực xuất khẩu của Việt Nam, với quy mô ước bằng khoảng 50% GDP

Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa là 3 trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, do đó, cùng với các giải pháp thúc đẩy đầu tư công, kích thích tiêu dùng trong nước, đối với hoạt động xuất khẩu, WB khuyến nghị, cần chính sách hỗ trợ cho xuất khẩu và thúc đẩy hội nhập.

Về xuất khẩu, chuyên gia của WB khuyến nghị, cần đa dạng hóa các sản phẩm và điểm đến xuất khẩu để xây dựng khả năng phục hồi trung hạn, cùng với đó là nâng cao khả năng chống chịu của các mặt hàng xuất khẩu trong trung hạn để giảm nhẹ những rủi ro liên quan đến cú sốc bên ngoài.

Bên cạnh đó, việc khai thác đầy đủ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện hành cũng sẽ mở ra các cơ hội thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và hỗ trợ hội nhập kinh tế với các quốc gia đối tác.

Tin bài liên quan