Đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ xây dựng kịch bản ứng phó với bất ổn khó lường

Đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ xây dựng kịch bản ứng phó với bất ổn khó lường

Tham mưu giúp Chính phủ điều hành nền kinh tế đi đúng hướng hơn, các đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ có giải pháp chiến lược nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình thế giới.

Việt Nam ổn định trong bối cảnh thế giới bất ổn

Trong bối cảnh diễn biến khó lường của kinh tế, chính trị thế giới, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành, ban hành chính sách bám sát thực tiễn, ứng phó và giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực. Đây là đánh giá chung của các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV thảo luận ở tổ vào sáng 22/5.

Đánh giá những kết quả đã đạt được, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) ghi nhận, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao, bội chi giảm, giúp nợ công giảm xuống còn 58,4% GDP tính tới cuối năm 2018 - mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua…

Chất lượng tăng trưởng đã tốt hơn, điển hình như đóng góp của khai khoáng vào GDP đã giảm dần, trong khi công nghiệp chế biến - chế tạo đóng góp ngày càng tích cực hơn. Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) hiện đạt 45,2%, kéo theo hệ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) cũng tăng. Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ sự lo lắng khi tình hình chính trị, kinh tế giới đang diễn biến rất phức tạp.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (đoàn Cần Thơ) cho biết, những tháng đầu năm 2019, tăng trưởng kinh tế khá cao (quý I/2019 đạt 6,79%)., kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Đánh giá kết quả đạt được, ông Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng), Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: “Điều hành của Chính phủ sát thực tế hơn. Nhiều năm liền lạm phát tăng thấp, đồng thời bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định để các doanh nghiệp yên tâm hoạch định kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, Việt Nam ứng xử nhuần nhuyễn với các cường quốc kinh tế, trong đó có Mỹ. Mặc dù thuộc nhóm 5 nước xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ, nhưng chúng ta không bị Mỹ áp dụng các chính sách cân bằng thương mại”.

Cần xây dựng kịch bản ứng phó

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, kinh tế Việt Nam nằm trong số các quốc gia có độ mở lớn nhất thế giới, do đó, kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động và phải xây dựng kịch bản ứng phó.

“Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Xuất siêu vào Mỹ tới 34,7 tỷ USD, Việt Nam là một trong 6 nước xuất siêu vào Mỹ cao nhất, nên nằm trong danh sách mà Mỹ lưu ý. Trong khi đó, Trung Quốc phá giá đồng nội tệ sẽ tác động đến hàng hóa Trung Quốc xuất sang Việt Nam. Việt Nam nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc, nếu phá giá đồng tiền Việt Nam thì sẽ gây bất ổn", ông Ngân nói.

Ông Ngân cũng lưu ý, giá dầu cũng sẽ tác động đến Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng hơn 30%. Việc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Cùng quan điểm với ông Ngân, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần chú ý tác động từ bên ngoài. Kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, nên khi kinh tế thế giới biến động, chắc chắn sẽ tác động cả tích cực và tiêu cực tới Việt Nam, trong đó, cần xem xét kỹ tác động tiêu cực.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp năm nay bị ảnh hưởng lớn do thiên tai, dịch bệnh; giá nông sản thấp hơn năm trước sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu của ngành, tỷ trọng của ngành trong GDP, đồng thời tác động đến 70% người dân ở khu vực nông thôn và làm nông nghiệp.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận sôi nổi. Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP.HCM) đặt câu hỏi: Có hay không chuyện thiếu vốn, nên giải ngân chậm, hay do thủ tục phức tạp hoặc việc bố trí vốn chưa phù hợp?

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho biết, bà chưa tán thành với phân tích nguyên nhân trong báo cáo của Chính phủ như thủ tục giải ngân rườm rà hoặc một số nội dung khác "đổ lỗi" do quy định pháp luật chưa hợp lý.

Theo bà Mai, điều này cần nhìn nhận chính xác hơn bởi, nếu năm 2016 - 2017, khó khăn có thể do thủ tục, nhưng năm 2018 - 2019, không thể đổ lỗi như vậy, bởi các thủ tục đã hoàn tất. Nguyên nhân thực tế, theo bà Mai, là do việc giao vốn của nhiều bộ, ngành, địa phương chậm, năng lực thực hiện của tổ chức, cá nhân được giao còn hạn chế. Bà Mai kiến nghị xem xét trách nhiệm các đối tượng liên quan để khắc phục tình trạng này.

Tin bài liên quan