Sự minh bạch của ngành điện về giá được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá tốt. Ảnh: Đức Thanh

Sự minh bạch của ngành điện về giá được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá tốt. Ảnh: Đức Thanh

Đảm bảo an ninh năng lượng thông qua giá điện

Xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch và do thị trường quyết định là một nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nỗ lực minh bạch

Khác với giá điện mỗi kỳ điều chỉnh đều tính theo năm, việc giá xăng dầu được tham khảo theo chuẩn giá xăng dầu của thị trường Singapore và thời gian điều chỉnh là 15 ngày/kỳ đã khiến mặt hàng này không trở thành mối quan tâm nhiều của người dân trong mỗi kỳ điều chỉnh.

Tuy nhiên, mối quan tâm của đông đảo báo giới tại cuộc họp công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất - kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cuối năm 2019 tại Bộ Công thương không phải là giá điện đã minh bạch, tính đúng, tính đủ chưa, mà là chuyện cấp điện năm 2020 và các năm sau đó ra sao.

Điều này không có gì lạ nếu nhìn vào thực tế đầu tư cho ngành điện nói riêng cũng như các ngành năng lượng khác là than và dầu khí từ năm 2016 trở lại đây đã có sự chững lại, trong khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn có những con số ấn tượng với thế giới.

Trên thực tế, sự minh bạch của ngành điện về giá điện được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá tốt.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), thành viên nhiều năm tham gia Đoàn kiểm tra chi phí sản xuất - kinh doanh điện do Bộ Công thương tổ chức cho hay, dư luận có nhiều hiểu lầm về các quy định đã có liên quan đến giá điện, thậm chí không tìm hiểu các quy định ấy, nên có những quan điểm chưa chính xác về minh bạch trong hoạt động điện lực.

Ví dụ, đầu tư ngoài ngành được quy định rất rõ ràng là không được tính vào các chi phí liên quan đến giá điện. Công thức tính giá điện khá rõ ràng so với những gì dư luận đang có ý kiến. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, đó là thứ tương đối khó hiểu với nhiều người, vì phải có một chút kiến thức về kế toán và có một số hiểu biết nhất định về ngành điện.

Khi còn là Trưởng nhóm chuyên gia năng lượng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Franz Gerner cho hay, trong các quốc gia đang phát triển, Việt Nam là một trong những nước có thị trường năng lượng phát triển thành công nhất trên thế giới.

Ban Năng lượng toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã hỗ trợ quá trình xếp hạng tín dụng của EVN, giúp đơn vị này được xếp hạng nhà phát hành nợ (Issuer Default Rating, IDR) mức BB với “Viễn cảnh ổn định” về vay nợ dài hạn bằng ngoại tệ.

“EVN đã cung cấp cho WB và các tổ chức tài chính quốc tế khác Báo cáo tài chính hàng năm được lập theo chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế, được kiểm toán bởi công ty kiểm toán quốc tế thuộc Big4 trước ngày 30/6 hàng năm và chất lượng báo cáo này được WB chấp nhận. Bên cạnh đó, EVN được các tổ chức xếp hạng tín dụng đánh giá về khả năng phát hành trái phiếu doanh nghiệp và những kết quả này đều đã được công bố”, ông Franz Gerner nói.

Với thực tế khoảng 70-80% khối lượng than tiêu thụ tại Việt Nam là để phát điện, hay các mỏ khí lớn chủ yếu phục vụ nhà máy điện, nên giá điện đang trở thành mấu chốt để thu hút đầu tư vào năng lượng.

Giá điện - đòn bẩy chính

Trong giai đoạn 2007-2017, tổng đầu tư vào ngành năng lượng đạt khoảng 2,1 triệu tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng đầu tư toàn xã hội (khoảng 11,4 triệu tỷ đồng). Giai đoạn này ghi nhận đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ lực. Sự có mặt của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước trong ngành năng lượng cũng rất tích cực, hiện công suất phát điện được tư nhân trong và ngoài nước đầu tư chiếm khoảng 28% tổng công suất nguồn điện.

Tuy nhiên, để tiếp tục huy động được nguồn lực mới ngoài nhà nước đầu tư cho ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng, đòi hỏi cơ chế giá điện phải hấp dẫn và mang tính thị trường hơn.

Đơn cử, việc hút được gần 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào các dự án điện mặt trời trong năm 2018-2019 chính là nhờ có giá mua điện cao ngất ngưởng, với mức tương đương 9,35 UScent/kWh (khoảng 2.086 đồng/kWh), cao hơn giá bán lẻ điện bình quân đang ở mức 1.864,44 đồng/kWh. 

Việc giá điện chậm được điều chỉnh và không theo tín hiệu của thị trường dù đã có những quy định pháp lý rõ ràng là nguồn cơn khiến nhiều nhà đầu tư tư nhân dù muốn cũng không thể tham gia ngành năng lượng. Nhiều dự án điện được lên kế hoạch hoàn thành, nhưng không về đích như dự tính trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh cũng có lý do sâu xa từ hiệu quả kinh tế và giá điện khiến thời gian đàm phán, chuẩn bị thực hiện dự án bị kéo dài so với dự tính.

Theo đánh giá của WB, kinh nghiệm chung trên thế giới là quy định mức giá phản ánh đúng chi phí và hợp lý chính là chính sách kinh tế đúng đắn. Qua đó, đảm bảo rằng, cả nhà sản xuất và người tiêu dùng đều hướng tới tiết kiệm năng lượng và đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng hơn.

Tin bài liên quan