Grab đang chiếm lĩnh vị thế hàng đầu trong lĩnh vực xe công nghệ tại Việt Nam.

Grab đang chiếm lĩnh vị thế hàng đầu trong lĩnh vực xe công nghệ tại Việt Nam.

Đằng sau khoản lỗ 4.000 tỷ đồng của Grab Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tham gia thị trường được 9 năm, chiếm lĩnh vị thế hàng đầu trong lĩnh vực xe công nghệ, nhưng Grab Việt Nam đang báo lỗ luỹ kế hơn 4.000 tỷ đồng.

Vốn 20 tỷ đồng, lỗ lũy kế tới 4.036 tỷ

Theo báo cáo tài chính năm 2022, được lập ngày 27/3/2023, của Công ty TNHH Grab (gọi tắt là Grab, Grab Việt Nam), trong kỳ, Công ty ghi nhận hơn 6.384 tỷ đồng doanh thu, tăng gần gấp đôi so với mức 3.346 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2021.

Nhờ giá vốn hàng bán tăng chậm hơn, với mức tăng 60%, lãi gộp của Công ty trong năm qua tăng 113%, đạt 4.151 tỷ đồng. Trong năm, Công ty tăng gấp đôi chi phí bán hàng (bao gồm chi phí quảng cáo, khuyến mãi…), từ 1.926 tỷ đồng lên 2.905 tỷ đồng cũng như tăng gấp đôi chi phí quản lý, từ 413 tỷ đồng lên 817 tỷ đồng. Kết quả, lãi thuần của Công ty đạt hơn 330 tỷ đồng.

Không phải chịu lãi vay, cũng không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, Grab thu về 329 tỷ đồng lợi nhuận. Nhờ khoản lãi này, lỗ lũy kế của Công ty tại ngày 31/12/2022 giảm về 4.036 tỷ đồng. Với quy mô vốn điều lệ 20 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của Công ty vẫn âm 4.016 tỷ đồng.

Tình trạng thua lỗ của Grab diễn ra triền miên từ khi hãng xe công nghệ có nguồn gốc từ Singapore này đặt chân đến Việt Nam, mặc dù doanh thu tăng mạnh và lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng cải thiện qua các năm.

Theo tài liệu mà phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán có được, năm đầu tiên vào Việt Nam (tháng 2/2014), Grab ghi nhận doanh thu 1,5 tỷ đồng; đến năm 2023, con số này đã là 6.384 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 lần. Qua 9 năm hoạt động, số lỗ cộng dồn của Công ty cao gấp 78 lần so với năm đầu tiên.

Còn nhớ, tại phiên tòa xét xử vụ hãng taxi truyền thống Vinasun (của Công ty Ánh Dương) kiện Grab cạnh tranh không lành mạnh và đòi bồi thường thiệt hại hơn 41 tỷ đồng diễn ra tại TP.HCM vào tháng 10/2018, khi Viện Kiểm sát chất vấn Grab về tình trạng thua lỗ khó hiểu sau gần 4 năm vào Việt Nam (trong khi liên tục mở rộng quy mô), ông Jerry Lim, CEO Grab nói rằng, việc thua lỗ hoàn toàn nằm trong suy đoán của Grab khi quyết định vào môi trường đầu tư mới, rằng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được cải thiện dần.

Thời điểm đó (số liệu cuối năm 2017), Grab đã “ôm” lỗ luỹ kế 1.726 tỷ đồng. Nhưng cho đến giờ, tình hình không được cải thiện như ông Jerry Lim nói. Trái lại, lỗ luỹ kế của Công ty đã tăng gấp 2,6 lần, trong khi quy mô doanh số tăng gấp 9 lần.

Khi phóng viên trao đổi với một số tài xế và đối tác của Grab, những người này nói rằng, họ không nắm được tình hình tài chính của Công ty, nhưng với những gì họ quan sát thì rất khó hiểu khi Công ty thua lỗ.

“Chỉ riêng hoạt động giao đồ ăn nhanh (Grab Food), Grab đang thu tiền của ba bên: khách hàng, tài xế và chủ cơ sở bán đồ ăn. Trong đó, nhiều chủ hàng ăn cho biết họ còn phải khuyến mãi cho Grab bên ngoài hợp đồng. Tỷ lệ lợi nhuận thu về của Grab là rất lớn, trong bối cảnh tỷ lệ giảm giá cho khách hàng không còn cao như trước”, một tài xế Grab chia sẻ.

Dấu hỏi về nghĩa vụ nộp thuế

Cũng tại phiên toà nói trên, một trong những cáo buộc của Vinasun đối với Grab là “trốn thuế”. Phía Vinasun cho biết, số lượng xe taxi của Vinasun chỉ bằng 1/6 - 1/8 số xe của Grab nhưng tổng thuế đóng năm 2017 là 271 tỷ đồng. Còn theo thông tin Grab công bố tại tòa chiều ngày 19/10/2018, năm 2017, Grab chỉ đóng 198 tỷ đồng tiền thuế.

Giải trình vấn đề này với Viện Kiểm sát, CEO Grab Việt Nam - ông Jerry Lim khẳng định: “Khoản thuế mà chúng tôi ước tính sẽ đóng góp cho Chính phủ Việt Nam năm 2018 sẽ gấp 3 lần so với năm 2017”. Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính năm 2022 của Grab Việt Nam, số thuế và các khoản phải nộp trong năm chỉ là 251 tỷ đồng, không bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Do liên tục báo lỗ trong nhiều năm nên “ông lớn” xe công nghệ đang sở hữu 30 triệu khách hàng này chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (với mức tối thiểu theo quy định hiện nay là 20% thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp).

Ảnh tác giả

Cho dù hoạt động kinh doanh bắt đầu có lãi nhưng Grab chưa phải nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào”.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi đã chỉ ra những điểm gây ra nhiều băn khoăn trong hoạt động của Grab Việt Nam. Đó là, Công ty vốn chỉ có 20 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế lên đến hơn 4.000 tỷ đồng (gấp 200 lần vốn điều lệ), càng lỗ càng mở rộng đầu tư và hiện có quy mô kinh doanh khổng lồ với hơn 30 triệu khách hàng, doanh thu cực lớn, đang thống trị thị trường vận tải công nghệ tại Việt Nam.

“Cho dù hoạt động kinh doanh bắt đầu có lãi nhưng Công ty cũng không phải nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào, hoặc chỉ nộp tượng trưng. Việc này khá phổ biến trong khối doanh nghiệp FDI, nhiều công ty liên tục mở rộng quy mô nhưng liên tục thua lỗ”, luật sư Đức nhận định.

Ngoài ra, ông Đức cũng lưu ý cần làm rõ hơn nhiều chi phí của Grab, đặc biệt là các chi phí trả cho công ty mẹ lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cũng như việc vay công ty mẹ hàng nghìn tỷ đồng với lãi suất 0%.

Trở lại với Grab, hãng xe công nghệ này được thành lập tại Việt Nam vào tháng 2/2014 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH GrabTaxi, sau đổi tên thành Công ty TNHH Grab. Vốn điều lệ của Công ty không thay đổi từ đó đến nay, với 20 tỷ đồng. Thành viên góp vốn ban đầu bao gồm: ông Nguyễn Tuấn Anh góp 6,8 tỷ đồng (34%), ông Nguyễn Phú Sinh góp 6,6 tỷ đồng (33%) và ông Trần Anh Đức góp 6,6 tỷ đồng (33%). Đến tháng 3/2016, thành viên góp vốn có sự thay đổi: ông Nguyễn Tuấn Anh góp 9,9 tỷ đồng (49,5%) và Công ty Grab Inc (xuất xứ từ Cayman Island) góp 10,1 tỷ đồng (50,5%).

Đến tháng 4/2016, Grab Inc giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 49% và ông Nguyễn Tuấn Anh tăng lên 51%. Vào tháng 3/2020, bà Lý Thụy Bích Huyền thay thế ông Nguyễn Tuấn Anh sở hữu 51% vốn điều lệ của Grab Việt Nam.

Như vậy, Grab Việt Nam ban đầu là doanh nghiệp 100% vốn trong nước, sau đó, nhà đầu tư nước ngoài là Grab Inc trở thành thành viên góp vốn, với tỷ lệ sở hữu ban đầu là 50,5%, sau đó giảm xuống 49%.

Các công bố chính thức của Grab Việt Nam không thể hiện rõ vai trò thực sự của ông Nguyễn Tuấn Anh. Các khoản mục trong báo cáo tài chính của Grab Việt Nam cho thấy, ông Nguyễn Tuấn Anh chỉ đóng vai trò “nhà đầu tư”. Theo đó, ông này đã vay ngắn hạn từ Grab Việt Nam số tiền 10,2 tỷ đồng (đúng bằng số vốn góp), sau đó dùng chính số vốn góp vào Công ty thế chấp cho khoản vay.

Khi ông Tuấn Anh rút khỏi Grab Việt Nam, việc chuyển nhượng phần vốn góp này không được công bố. Người thay thế ông nắm 51% cổ phần của Công ty là bà Lý Thụy Bích Huyền cũng đem toàn bộ phần vốn góp này thế chấp tại Công ty TNHH GPay Network Việt Nam - công ty con của Grab Việt Nam.

Tin bài liên quan