Đánh cược với biên độ

Đánh cược với biên độ

Nhiều lần UBCK đã tiến hành thay đổi biên độ dao động giá cổ phiếu nhằm điều tiết thị trường theo hướng “có lợi” hơn, nhưng kết quả thu về lại không như kỳ vọng.

Ngày 15/1 tới đây, biên độ tại HOSE 5%, HNX 7% được nâng lên thành 7% và 10%, đi kèm theo đó những băn khoăn.

 

Từ thiếu cơ sở

Ngày 27/3/2008, biên độ 5% tại HOSE và 10% tại HNX được UBCKNN điều chỉnh xuống còn 1% và 2%, sau khi thị trường có những đợt điều chỉnh giảm mạnh trước đó. Vài tháng sau, cơ quan quản lý lại có những đợt nâng biên độ trở lại. Kết quả sau những lần “co kéo” này là gì?

TTCK năm 2008 vẫn giảm điểm “thảm khốc” và chỉ có thể phục hồi lại vào đầu năm 2009. Về mặt hiệu ứng ngắn hạn trong các lần thay đổi biên độ là khá tích cực, chẳng hạn như khi “bóp” biên độ lúc thị trường giảm, đà giảm có vẻ chậm lại; hoặc khi “nới”, ngay lập tức có vài phiên tăng.

Nhưng sau đó thị trường lại có những diễn biến vốn có của mình, tức theo quy luật của thị trường, biên độ không phải là liều thuốc mạnh có thể can thiệp vào. Không thể nói UBCKNN đã thất bại trong việc sử dụng công cụ biên độ, vì để cứu cả TTCK cần nhiều giải pháp, nhưng nếu gọi là “thành công” sẽ có phần khiên cưỡng.

Những ngày qua, lãnh đạo UBCKNN phát biểu trên báo chí về những giải pháp hỗ trợ thị trường, trong đó có việc hỗ trợ thanh khoản. Nếu xem việc gia tăng biên độ là giải pháp hỗ trợ thanh khoản thị trường, e rằng có điều gì đó chưa thực sự thuyết phục.

Nói đến thanh khoản của thị trường, trước tiên phải nói đến dòng tiền của NĐT hiện có, bên cạnh đó là niềm tin, đây mới là những cơ sở quan trọng để tạo nên thanh khoản.

Biên độ tăng, giúp giá cổ phiếu trong cùng một khoảng thời gian tăng nhiều hơn trước, hiệu quả sinh lời tốt hơn, có thể là yếu tố kích thích dòng tiền vào nhiều hơn. Nhưng ở chiều ngược lại, khả năng thua lỗ cũng cao hơn.

Trong khi đó, nếu doanh nghiệp vẫn kém minh bạch, một số CTCK vẫn yếu kém, mất an toàn, liệu NĐT có mạnh dạn bỏ tiền vào hay không? Trong suy nghĩ của nhiều người, tăng biên độ chẳng qua như một liều “doping” giúp giá cổ phiếu tăng “bốc” hơn và không có nhiều mối liên hệ với thanh khoản của thị trường.

 

Đến gây bất ngờ

Giả sử có quan điểm, thay đổi biên độ là để thích nghi với diễn biến của thị trường, cũng có thể xuất hiện ý kiến phản biện rằng việc thay đổi biên độ là thiếu nhất quán trong quan điểm và các giải pháp điều hành thị trường. Vài năm qua, với biên độ 5% tại HOSE và 7% tại HNX, thị trường đã vận hành bình thường.

Và thực tế tại thời điểm này cũng chẳng có động lực hay cơ hội nào cho thấy sự thay đổi biên độ là có lợi. Vào cuối tháng 8/2012, khi “bầu” Kiên bị bắt, gây nên những phiên sụt giảm kinh hoàng trên TTCK, lúc đó thậm chí còn có cơ sở để sử dụng biện pháp giảm biên độ để ngăn đà giảm lại không thấy UBCKNN ra tay.

Việc thị trường tăng điểm hơn 1 tháng qua không phải là cơ sở chắc chắn để khẳng định TTCK trong năm 2013 sẽ diễn biến thuận lợi.

Có thể, sự thay biên độ sẽ cộng hưởng với những yếu tố tích cực của TTCK lúc này, nhưng nếu sau đó thị trường diễn biến không thuận lợi, hệ quả sẽ như thế nào? Chẳng lẽ, nếu thị trường điều chỉnh mạnh lại “bóp” biên độ trở lại?

Chưa kể, độ thay đổi sẽ kéo theo một loạt sự thay đổi khác. Đơn cử: Với biên độ 7%, lướt sóng trong phiên tại HNX có thể đem về lợi nhuận tối đa khoảng 14% và tỷ lệ này sẽ tăng lên 20% nếu biên độ là 10%. Ngược lại, nếu rơi vào cảnh “mua đỉnh, bán đáy” ngay trong phiên NĐT đã có thể lỗ 20%.

Điều này sẽ tác động đáng kể đến chiến lược, cách thức giao dịch của các NĐT trên thị trường. Riêng với NĐT cá nhân bình thường, họ chỉ biết việc “cơi nới” biên độ vào ngày hôm qua (9/1) và chỉ có chưa đến 1 tuần để chuẩn bị nhằm thích nghi với biên độ mới (15/1).

Trong một số vấn đề, UBCKNN đã tiến hành lấy ý kiến của các thành viên thị trường, CTCK, NĐT có nhiều cơ hội để phản biện. Vậy tại sao vấn đề thay đổi biên độ lại không như vậy? Tại sao thông tin lại xuất hiện một cách “bất thình lình” khiến những “người chơi” chính bị bất ngờ?

NĐT luôn ủng hộ, tin tưởng vào những nỗ lực của UBCKNN trong những giải pháp hỗ trợ thị trường. Nhưng ở đây cơ quan quản lý cũng cần thể hiện tính chất tương tác chặt chẽ hơn với thị trường để chứng minh cơ sở, tính bền vững trong các giải pháp của mình.