Dành tiền tăng lương để tăng đầu tư công

Theo TS. Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc tạm thời chưa tăng lương cơ sở và lương hưu từ ngày 1/7/2020, mà sử dụng nguồn ngân sách này vào mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách, hiệu quả hơn như đầu tư công là lựa chọn đúng đắn trong thời điểm này. 
TS. Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

TS. Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Năm nay, GDP dự kiến tăng 4,5%. Như vậy, kinh tế vẫn tăng trưởng, nên nếu không tăng lương, thì người dân không được hưởng thành quả, thậm chí thu nhập thực tế còn bị giảm do lạm phát. Ý kiến của cử tri mà ông ghi nhận được về vấn đề này như thế nào?

Đúng là khi kinh tế tăng trưởng, thì người dân phải được hưởng thành quả. Nhưng trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, Chính phủ đã phải sử dụng mọi nguồn lực tài chính, từ miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; cấp phát tiền trực tiếp cho khoảng 20 triệu người yếu thế…, thì mọi người dân đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ chia sẻ khó khăn với Chính phủ. Tạm thời chưa tăng lương cơ sở và lương hưu cũng chính là sự chia sẻ khó khăn với Chính phủ, chia sẻ khó khăn với toàn xã hội.

Trong báo cáo về phòng chống Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trình bày trước Quốc hội tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao nhiều gương người tốt, việc tốt trong phòng chống dịch bệnh, thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.

Đó là những cụ già, những cháu bé mang tiền dành dụm để ủng hộ chống dịch; những doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp của thương binh, người khuyết tật đã quan tâm chăm lo cho người lao động; những mô hình “ATM gạo”, “siêu thị 0 đồng”; các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, công sức... để giúp người dân vượt qua khó khăn.

Cả nước chung tay chống dịch, thì không có lý do gì những người hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách lại đứng ngoài cuộc. Rất mừng là, ngay sau khi có thông tin chưa tăng lương cơ sở và lương hưu, tôi đã gặp gỡ, chia sẻ với nhiều cử tri là đối tượng bị tác động và đều nhận được sự đồng thuận.

Thưa ông, lương hưu là do Bảo hiểm Xã hội (BHXH) chi trả, chứ không phải ngân sách nhà nước (NSNN). Có thể tạm thời chưa tăng lương cơ sở, nhưng chưa tăng lương hưu là không hợp lý?

Những người về hưu sau năm 1995, thì BHXH chi trả lương hưu, còn những người về hưu trước năm 1995, hiện vẫn do NSNN chi trả. Nếu tăng lương cho người về hưu sau năm 1995, thì không công bằng với những người về hưu trước năm 1995, người hưởng chính sách trợ cấp xã hội do NSNN chi trả như thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng… Vì vậy, việc tạm thời chưa tăng lương hưu và trợ cấp xã hội với tất cả đối tượng là công bằng, hợp lý.

Hơn nữa, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 4/3/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với Covid-19, BHXH Việt Nam đã tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong một thời gian. Như vậy, nguồn thu của BHXH bị ảnh hưởng và những người hưởng lương hưu do BHXH chi trả cũng phải có nghĩa vụ, trách nhiệm chia sẻ khó khăn chung.

Một trong 5 mũi “giáp công” để phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch là phát triển thị trường nội địa. Theo ông, việc chưa tăng lương cơ sở và lương hưu có ảnh hưởng đến thị trường nội địa không?

Năm 2020, dự toán NSNN dành 61.523 tỷ đồng để tăng lương và tinh giản biên chế. Số tiền này rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy thị trường tiêu dùng nội địa, song tạm thời chưa sử dụng để tăng lương, mà được sử dụng vào mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách khác như đầu tư công chẳng hạn.

Đầu tư công được coi là mũi “giáp công” quan trọng nhất hiện nay để phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tăng đầu tư công sẽ kéo theo đầu tư tư nhân và thị trường nội địa tăng lên. Vì vậy, tạm thời chưa tăng lương, sử dụng số tiền dự kiến tăng lương để làm nhiệm vụ khác thiết thực hơn, cấp bách hơn, hiệu quả hơn là lựa chọn đúng đắn trong thời điểm này. 

Vậy nên lùi thời gian tăng lương khoảng bao lâu là phù hợp, thưa ông?

Mặc dù dự kiến tăng trưởng GDP năm nay là 4,5%, nhưng trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP 5,4%. Nếu đạt được tốc độ tăng trưởng cao này, mới đặt vấn đề tăng lương cơ sở và lương hưu.

Tuy nhiên, Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Vào Kỳ họp Quốc hội thứ 10 (cuối năm 2020), vấn đề có tăng lương hay không, bao giờ tăng, tăng bao nhiêu sẽ được bàn bạc, cho ý kiến, nhưng theo tôi, phải hết sức thận trọng vì vấn đề này tác động đến hơn chục triệu người dân. Chỉ cần tăng lương cơ sở 100.000 đồng, thì NSNN phải bỏ ra 60.000 - 70.000 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn trong điều kiện thu ngân sách khó khăn. 

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, theo ông, có nên tăng lương tối thiểu vùng đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp không?

Thông thường, vào quý III hàng năm, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ khởi động việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng, nhưng năm nay, tôi nghĩ rằng, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ không kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng (thực hiện từ ngày 1/1/2021). Lý do là, các doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của Covid-19; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động, giải thể, đóng cửa, thu hẹp sản xuất, kinh doanh cao nhất từ trước đến nay.

Chưa tăng lương tối thiểu vùng sẽ góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì và phục hồi sản xuất, không sa thải người lao động, không phải hoạt động cầm chừng. Đây cũng là giải pháp để người lao động có việc làm, có thu nhập, dù thu nhập thực tế có bị giảm do lạm phát.

Tin bài liên quan