Dầu thô “sưởi ấm” chứng khoán toàn cầu

Dầu thô “sưởi ấm” chứng khoán toàn cầu

(ĐTCK) Giá dầu tiếp tục tăng mạnh, cùng với hy vọng vấn đề Hy Lạp được tháo gỡ giúp chứng khoán toàn cầu tăng mạnh trong phiên đầu tuần, trong khi vàng quay đầu giảm giá.

Bộ trưởng Tài chính mới của Hy Lạp nói với tờ Financial Times về một đề nghị để trao đổi dư nợ của đất nước mình đối với trái phiếu tăng trưởng liên kết mới, hy vọng kết thúc bế tắc với các chủ nợ quốc tế của Hy Lạp.

Đây thông tin tích cực với giới đầu tư trên thị trường chứng khoán, giúp phố Wall hồi phục ngay trong phiên giao dịch đầu.

Ngoài ra, giá dầu tiếp tục phục hồi mạnh, hỗ trợ nhóm cổ phiếu năng lượng, qua đó góp phần giúp phố Wall tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 2/2, chỉ số Dow Jones tăng 196,09 điểm (+1,14%), lên 17.361,04 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 25,86 điểm (+1,30%), lên 2.020,85 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 41,45 điểm (+0,89%), lên 4.676,69 điểm.

Không chỉ chứng khoán Mỹ, giới đầu tư trên chứng khoán châu Âu cũng thở phào với thông tin từ Hy Lạp.

Ngoài ra, khu vực cũng đón nhận thông tin kinh tế khả quan khi Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của khu vực đồng euro tăng lên mức 51 trong tháng 1 từ mức 50,6 trong tháng 12.

Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán châu Âu có phần khiêm tốn hơn khi giới đầu tư lớn vẫn còn lo lắng, nếu các chủ nợ “nhẹ tay” với Hy Lạp sẽ khiến các nước khác như Tây Ban Nha và Ý, những nước vốn đang thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng thực hiện theo và khi đó, tình hình có thể còn khó kiểm soát hơn.

Kết thúc phiên 2/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 33,15 điểm (+0,49%), lên 6.782,55 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 133,69 điểm (+1,25%), lên 10.828,01 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 23,42 điểm (+0,51%), lên 4.627,67 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, thông tin kinh tế của Mỹ đưa ra cuối tuần trước, cũng với dữ liệu kinh tế của Trung Quốc kém tích cực khiến các thị trường chứng khoán khu vực chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch đầu tuần. Dữ liệu điều tra mới cho thấy, Chỉ số PMI chính thức của Trung Quốc trong tháng 1 giảm lần đầu tiên trong 2 năm rưỡi, xuống 49,8. Trong khi trước đó, Chỉ số PMI của Trung Quốc do HSBC công bố đứng ở mức 49,7 trong tháng 1, so với 49,6 trong tháng 12/2014. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông của nước này đưa tin Chủ tịch Ngân hàng China Minsheng Banking bị điều tra vì tội tham nhũng càng khiến thị trường chứng khoán lao mạnh hơn.

Kết thúc phiên 2/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 116,35 điểm (-0,66%), xuống 17.558,04 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 22,31 điểm (-0,09%), xuống 24.484,74 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 82,06 điểm (-2,56%), xuống 3.128,30 điểm.

Trên thị trường vàng, các thông tin trái chiều khiến vàng có phiên giao dịch giằng co quanh ngưỡng 1.275 USD/ounce.

Kết thúc phiên 2/2, giá vàng giao ngay giảm 9,3 USD (-0,73%), xuống 1.273,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 2,3 USD/ounce (-0,18%), xuống 1.276,9 USD/ounce.

Trên thị trường nhiên liệu, giá dầu tiếp tục hồi phục mạnh và giới đầu tư nhận định, giá dầu đã chạm đáy vào cuối tuần trước và đang trên đường hồi phục. Trong 3 phiên, giá nhiên liệu này đã tăng được 10%, trong đó, phiên cuối tuần trước có mức tăng tới 8%.

Kết thúc phiên 2/2, giá dầu thô Mỹ tăng 1,33 USD/thùng (+2,68%), lên 49,57 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,76 USD (+3,21%), lên 54,75 USD/thùng.

Tin bài liên quan