Sóng thần tràn vào tuyến phố ở thành phố Miyako- Nhật Bản ngày 11/03/2011

Sóng thần tràn vào tuyến phố ở thành phố Miyako- Nhật Bản ngày 11/03/2011

Đầu tư bất động sản: "Còn trông nhiều bề"

Chưa bao giờ đầu tư BĐS cần phải có sự hiểu biết và tính toán kỹ càng như lúc này. Nào là những quy định, thủ tục pháp lý, hợp đồng chuyển nhượng, chính sách thắt chặt tín dụng, lại đến những thay đổi trong quản lý quy hoạch đất đai, thanh khoản thị trường, đầu tư BĐS có hiệu quả không khi lãi suất huy động vốn ngân hàng đã “ngấp nghé” 20%, trong khi lãi vay cao đến 25%.

Những điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư BĐS. Ở một góc độ khác, với những nhà đầu tư quy mô nhỏ muốn giữ vốn và bảo toàn tài sản bằng BĐS cũng đầy ưu tư lo lắng. Câu chuyện về đầu tư “lướt sóng” của những người có “máu liều” nay đã trở thành“cổ tích” và nhiều người vẫn còn cảm thấy “lạnh sống lưng” mỗi khi nhắc lại chuyện này.

Ngoài ra, các nhà đầu tư còn phải xem xét đến nhiều yếu tố khác như vị trí, chất lượng dự án và cam kết lâu dài của chủ đầu tư. Đây là những yếu tố mang tính “địa lợi, nhân hoà” và vẫn còn thiếu một yếu tố quan trọng nhất là “thiên thời”. Nhưng để tìm được một nơi hội tụ đủ ba yếu tố trên có thực sự dễ dàng?

 

Hai miền Nam Bắc: Sống chung với “đại hồng thủy”

Mặc dù TP HCM đã bắt đầu “tuyên chiến” với tình trạng ngập lụt từ gần 10 năm nay. Tuy nhiên, sau ngần ấy thời gian đầu tư tiền của và công sức, cuối cùng phần thắng vẫn nghiêng về “thủy thần”. Triều cường cộng với mưa to đã nhấn chìm nhiều khu vực của thành phố Hồ Chí Minh, gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Nhiều người dân đã thuộc lòng điệp khúc: mưa lớn - nước dâng - ngập - xe chết máy hì hục dắt bộ. Chị Tuyết (Q.Bình Thạnh, Tp.HCM) mình mẩy ướt mèm, đẩy chiếc xe vào nhà bức xúc: “Tôi không hiểu nổi thành phố làm kiểu gì, có biện pháp gì chống ngập nhưng chỉ thấy toàn người dân phải hứng chịu tình trạng thế này. Mỗi lần trời mưa, cả nhà tôi lại được dịp thi nhau tát nước và nhặt rác. Tôi đã rao bán nhà và định chuyển đến khu vực khác sinh sống nhưng đến giờ vẫn chưa thấy phản hồi gì.” Chị còn nói vui rằng ban đầu TP.HCM chỉ có hơn 20 điểm ngập, sau khi tiến hành các biện pháp chống ngập, giờ chỉ còn lại một điểm: "Ngập toàn thành phố".

Tại Hà Nội vào tháng 5, chỉ cần một cơn mưa kéo đầu mùa kéo dài khoảng 45 phút thôi đã đủ sức làm cho mọi ngõ ngách phải chìm trong “biển nước”, hàng loạt tuyến đường thủ đô ngập sâu từ 0,5 - 1 m, giao thông bị ách tắc nghiêm trọng. Hàng trăm người phải dắt bộ do xe bị chết máy hoặc phải nhờ trợ giúp để có thể đưa chiếc xe ra khỏi khu vực ngập. Trong khi đó nhiều chủ xe “ngao ngán” ngồi trên những chiếc ôtô ngập sâu trong nước mà không biết đến khi nào mới “thoát” ra được. Anh Trường (Khâm Thiên, Đống Đa) vừa dắt xe lên vỉa hè, vừa lau vội những giọt mưa trên mặt nói: “Mỗi lần thấy trời chuyển dông là tôi lại chuẩn bị tinh thần để “vượt sóng”. Mấy anh trong cơ quan tôi còn bảo rằng cứ ngập kiểu này thì sắp tới Hà Nội có thể tổ chức “cuộc thi bơi trên đường phố” được rồi. Chắc tôi phải về bàn bạc với bà xã xem có thể chuyển nhà đi nơi khác được hay không, chứ thế này hoài tôi cũng thấy “ngán tận cổ” rồi.”

Hai bức tranh về tình hình ngập lụt tại TP HCM và Hà Nội đã cho thấy sự phức tạp nghiêm trọng của vấn đề này. Nguyên nhân chính không phải là do thiên tai mà là “nhân tai”. Theo các chuyên gia phân tích, chính những chiến lược phát triển đô thị sai lầm, hệ thống thoát nước yếu kém và phương pháp tiếp cận nặng về giải pháp công trình đã làm trầm trọng hơn vấn đề, và điều đó đã phần nào tác động đến tình hình kinh doanh BĐS bởi chẳng ai muốn sinh sống tại khu vực “mở mắt ra đã thấy đầy nước”.

 

Lại đến thảm họa sóng thần, động đất “đe dọa” duyên hải Miền Trung

Nhắc đến những thảm hoạ tàn khốc do thiên nhiên gây ra, người ta sẽ liên tưởng ngay đến trận động đất và sóng thần kinh hoàng tại Nhật bản vào ngày 11/03/2011 vừa qua, đã tước đi sinh mạng của hơn 10.000 người; nhà cửa, ruộng vườn, nông trang nhiều nơi trở thành “bình địa”. Những chiếc xe hơi trôi trên dòng nước xiết hệt như những món đồ chơi, những chiếc tàu bị mắc cạn trên nóc nhà hay những toà nhà trở thành đống gạch vụn chỉ trong “nháy mắt”…sẽ là những hình ảnh để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của mỗi người khi theo dõi thông tin về thảm họa kép trên qua truyền hình hoặc “video clip”.

Nằm trên vành đai hoạt động núi lửa Thái Bình Dương, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một “mối hiểm họa” đến từ rãnh Manila, hay còn gọi là “đới hút chìm Manila” thuộc khu vực biển Đông, nằm phía tây Philippines ở độ sâu khoảng 5.400m. Rãnh Manila chưa gây ra trận động đất lớn nào trong ít nhất 440 năm qua, nên một số chuyên gia cho rằng áp lực rất lớn đang hình thành ở khu vực này, do đó có nguy cơ xảy ra đứt gãy lớn trong thời gian tới. Tại đới đứt gãy này, nếu xảy ra động đất có độ lớn cực đại 8 độ Richter trở lên có khả năng gây sóng thần nguy hiểm trên vùng ven biển Việt Nam . Theo các chuyên gia dự báo, vùng ven biển và hải đảo Trung Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, vùng ven biển Bắc Trung Bộ từ Nghệ An đến Quảng Trị, vùng ven biển Nam Trung Bộ đều có nguy cơ sóng thần. Theo đó, vùng biển Tam Kỳ, Quảng Ngãi là nơi có khả năng bị ảnh hưởng sóng thần rất lớn, sóng cao tới hơn 6m ở chu kỳ 950 năm, hơn 5m ở chu kỳ 475 năm. Cũng với các chu kỳ trên, TP Đà Nẵng sẽ có độ cao sóng khoảng 4-5m, hoặc 5-6m.

Vừa qua, 10 trạm cảnh báo sóng thần được lắp đặt trên địa bàn TP Đà Nẵng, trong đó có 2 trạm có ăng-ten thu sóng cao 35m. Khi có dấu hiệu và nguy cơ xảy ra sóng thần, các trạm này sẽ thu sóng chấn động truyền về hệ thống xử lý và hệ thống còi sẽ báo động để người dân, tàu bè biết để khẩn trương di chuyển về vùng an toàn. Những bất lợi về yếu tố thời tiết đã vô tình khiến cho ngành du lịch ở các khu vực này trở thành “nạn nhân” của sự biến đổi khí hậu. Ngoài ra, sự xuất hiện của tin đồn về những trận động đất và sóng thần đã gây hoang mang và tạo tâm lý bất ổn cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến thị trường BĐS ở các khu vực này. Tất nhiên là chúng ta không thể để “chuyện bé xé ra to” nhưng việc phòng ngừa và chuẩn bị là không thừa, vì khi thảm hoạ xảy ra thì hậu quả sẽ rất nặng nề và nghiệm trọng.

Ngoài những yếu tố “ nhân định” như các chính sách, quy định, thủ tục … có thể “cân, đong, đo, đếm” và điều chỉnh được, thì còn những yếu tố thuộc về “thiên định” như động đất, sóng thần, lũ lụt… sẽ xảy ra bất cứ lúc nào, không ai có thể lường trước được, sẽ biến tài sản của các nhà đầu tư trở thành “con số không tròn trĩnh” chỉ trong “tích tắc”. Chính vì vậy, các nhà đầu tư cần phải cân nhắc và xem xét thật cẩn thận mọi vấn đề để có được sự lựa chọn sáng suốt và tìm được cho mình lợi nhuận cao nhất trong điều kiện an toàn cao nhất.