Đầu tư tuần qua: Cần 42.380 tỷ đồng vào hệ thống cảng cạn; tìm nhà đầu tư cho dự án giáo dục hơn 433 tỷ đồng

Đầu tư tuần qua: Cần 42.380 tỷ đồng vào hệ thống cảng cạn; tìm nhà đầu tư cho dự án giáo dục hơn 433 tỷ đồng

Cần đến 42.380 tỷ đồng vốn đầu tư hệ thống cảng cạn đến năm 2030; Thừa Thiên Huế tìm nhà đầu tư cho dự án Tổ hợp giáo dục hơn 433 tỷ đồng… Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Định hình không gian phát triển cho vùng Đồng bằng sông Hồng

“Phát triển hệ thống đô thị theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững, có hạ tầng phù hợp, đồng bộ, hiện đại, chất lượng sống đô thị tốt… có vị thế xứng đáng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương” là tầm nhìn đến năm 2050 của vùng Đồng bằng sông Hồng, được Viện Chiến lược phát triển “phác họa” trong Dự thảo Khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được cho ý kiến góp ý lần đầu hôm 18/8.

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố, có diện tích tự nhiên 21.278,6 km2, chiếm 6,42% diện tích của cả nước. Tuy nhiên, đây là vùng có quy mô dân số lớn, chiếm 23,6% số dân của cả nước và đóng góp 29,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lớn thứ hai sau vùng Đông Nam bộ. Giai đoạn qua, vùng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng vùng được đầu tư phát triển mạnh.

Tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Hồng cũng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết, như tăng trưởng chưa dựa vào tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, môi trường không khí tại nhiều đô thị lớn vẫn tiếp tục bị ô nhiễm; còn có khoảng cách phát triển lớn giữa các tiểu vùng và các địa phương…

Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc hoàn thiện khung định hướng, tiến tới xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng là cơ hội để sắp xếp, định vị lại không gian phát triển, bố trí và phân bổ các nguồn lực để làm sao tổ chức, tạo nên động lực mới, không gian mới, đưa các địa phương trong vùng phát triển nhanh và bền vững.

Theo định hướng phát triển đã được xác định tại Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, vùng Đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 9%/năm.

Đồng thời, tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại, phát huy vai trò trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao dẫn đầu cả nước, xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ.

Đặc biệt, phát triển các đô thị vệ tinh để giảm sức ép tại các đô thị lớn, phát triển bền vững kinh tế biển; xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Để hiện thực hóa những khát vọng trên, Khung định hướng Quy hoạch dự báo, tổng vốn huy động cả giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 18 triệu tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tập trung vào phát triển hạ tầng; phát triển công nghệ cơ bản và nâng cao năng lực công nghệ.

Các nhóm chương trình và Dự án ưu tiên có thể kể đến là đồng bộ và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông cụm cảng số 1, nhất là cảng cửa ngõ Lạch Huyện, đồng bộ và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội, các dự án cao tốc ven biển và đường ven biển. Bên cạnh đó, phát triển và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, các dự án về khu đổi mới sáng tạo, khu công nghệ cao, hạ tầng số…

Về mặt chính sách, Chính phủ cần thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển, áp dụng các mô hình kinh tế mới, thí điểm một số cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao. Song song với đó, các địa phương cũng cần thực hiện cải cách, rút ngắn quy trình, thời gian ra quyết định; tăng cường phối hợp, phát huy tốt vai trò của từng địa phương.

Góp ý cho Dự thảo, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu thực trạng của vùng Đồng bằng sông Hồng hiện nay là phát triển đô thị không hợp lý gây quá tải cho hạ tầng và giao thông. Vì vậy, Quy hoạch tới đây phải giải quyết được các vấn đề trong Vùng Thủ đô và phát triển không gian ngầm. “Nước ngầm và sụt lún cũng là vấn đề thách thức đối với phát triển không gian ngầm”, ông Sinh lưu ý.

Theo TS-KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cần tìm định hướng hợp lý hơn cho vùng Đồng bằng sông Hồng, thậm chí nên có cơ chế đặc thù cho vùng.

Sẽ sớm hoàn thiện hệ thống đường gom cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn số 9173/BGTVT-CĐCTVN gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội trả lời kiến nghị cử tri Thành phố gửi tới trước Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV về việc đẩy nhanh tiến độ làm đường gom đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh (Quốc lộ 1 mới).

Một đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh.

Một đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh.

Theo Bộ GTVT, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 2238/TTg-KTN ngày 18/12/2013, Bộ GTVT phê duyệt Dự án đầu tư tại Quyết định số 113/QĐ-BGTVT ngày 10/1/2014.

Theo nội dung được phê duyệt, Dự án có phạm vi từ đầu cầu Phù Đổng đến TP. Bắc Giang, chiều dài khoảng 45,8 km, trong đó đoạn qua địa phận Hà Nội dài khoảng 7 km, đoạn qua địa phận Bắc Ninh dài khoảng 19,8 km và đoạn qua địa phận Bắc Giang dài khoảng 19 km; đối với hệ thống đường gom, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang đã đầu tư hoàn thiện với tổng chiều dài hai bên khoảng 31 km, đoạn qua địa phận TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh chưa đầu tư.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang khởi công xây dựng tháng 2/2014, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 4/2016.

Nhằm nâng cao năng lực thông hành, bảo đảm an toàn giao thông, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 1500/QĐ-BGTVT ngày 24/5/2017 đầu tư hệ thống đường gom kết hợp với cải tạo các tuyến đường hiện có trên địa phận tỉnh Bắc Ninh (từ nút giao Đại Đồng đến cầu Như Nguyệt) với tổng chiều dài hai bên khoảng 43,6 km (trong đó đầu tư mới và cải tạo đường hiện hữu khoảng 21,08 km, tận dụng và cải tạo đường hiện hữu khoảng 22,52 km).

Đến nay việc đầu tư hệ hệ thống đường gom kết hợp với cải tạo các tuyến đường hiện có trên địa phận tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành 18,74 km/21,08 km; còn lại khoảng 1,61 km đang thi công và khoảng 0,73 km chưa được bàn giao mặt bằng để triển khai thi công.

Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bắc Ninh để hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa hệ thống đường gom trên địa phận tỉnh Bắc Ninh vào khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

“Đối với đoạn đường gom qua địa phận Hà Nội (từ cầu Phù Đổng đến nút giao Đại Đồng) chưa được đầu tư, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan làm việc với các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội nghiên cứu phương án phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Lâm Đồng: Bốn phương án đề xuất xây dựng hồ Đan Kia 2

Dựa trên tình hình thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề xuất 4 phương án dự kiến đầu tư xây dựng hồ Đan Kia 2.

Theo nhu cầu thực tiễn, Dự án Hồ Đan Kia 2 được đề xuất đầu tư xây dựng theo 4 phương án nêu trên, ảnh: Lâm Viên.

Theo nhu cầu thực tiễn, Dự án Hồ Đan Kia 2 được đề xuất đầu tư xây dựng theo 4 phương án nêu trên, ảnh: Lâm Viên.

Cụ thể: phương án 1, hồ có quy mô lưu vực 57,7 km2, dung tích 16 triệu m3, diện tích đất 255 ha và tổng vốn đầu tư hơn 1.859 tỷ đồng;

Phương án 2 cũng có quy mô 57,7 km2 nhưng diện tích gần 274 ha, vốn đầu tư hơn 1.990 tỷ đồng.

Phương án 3 hồ có dung tích gần 12 triệu m3, diện tích 163 ha và vốn đầu tư hơn 1.479 tỷ đồng;

Phương án 4 có quy mô như phương án 3, diện tích hơn 207 ha và tổng vốn đầu tư hơn 1.768 tỷ đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng có đề xuất danh mục dự án quy mô lớn chuẩn bị đầu tư, trong đó có dự án hồ Đan Kia 2 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Trong đó, dự án lớn nhất là dự án xây dựng hồ Đan Kia 2 tại huyện Lạc Dương với tổng mức đầu tư 2.424 tỷ đồng. Hai dự án còn lại là giai đoạn 2 hồ chứa nước Đăk Lông Thượng với 100 tỷ đồng, xây dựng kè chống sạt lở các sông Đạ Huoai (huyện Đạ Hoai), Đạ Tẻh và Đạ Quay (huyện Đạ Tẻh) với 500 tỉ đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự án hồ Dankia 2 sẽ cấp nước sinh hoạt cho người dân TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương và vùng phụ cận với công suất 79.000 m3/ngày đêm. Công trình cũng sẽ tạo cảnh quan môi trường để phát triển du lịch, tham gia vào phòng chống lũ.

Hồ chứa nước Đan Kia-Suối Vàng được xây dựng từ năm 1942-1945, sau nhiều năm khai thác nhưng chưa được tiến hành nạo vét nên bị bồi lắng nghiêm trọng, làm giảm dung tích hiện chỉ còn khoảng 12 triệu m3 (so với 20 triệu m3 như thiết kế ban đầu).

Những năm gần đây, vào cao điểm mùa khô, mực nước trong hồ suy kiệt trầm trọng khiến gần một nửa lòng hồ phía thượng lưu cạn trơ đáy, gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt của hồ thủy lợi này.

Đường dây mạch 3 Quỳnh Lưu - Thanh Hoá có tổng mức đầu tư hơn 4.116 tỷ đồng

Kết quả thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.

Đường dây mạch 3 đoạn Pleiku - Quảng Trạch khi đang thi công.

Đường dây mạch 3 đoạn Pleiku - Quảng Trạch khi đang thi công.

Dự án do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là chủ đầu tư, thực hiện trên địa bàn Nghệ An và Thanh Hoá với tổng chiều dài khoảng 91,8 km có mục tiêu tăng cường năng lực truyền tải cho các đường dây 500 kV hiện hữu để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc, đặc biệt khi xu hướng công suất truyền tải cao theo hướng Trung - Bắc do phụ tải khu vực miền Bắc có tốc độ tăng trưởng cao.

Đồng thời truyền tải công suất các nhà máy nhiệt điện khu vực Bắc Trung bộ cũng như các nhà máy năng lượng tái tạo khu vực này vào hệ thống điện quốc gia, cung cấp điện cho trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc.

Tại dự án này, diện tích móng cột chiếm vĩnh viễn phải chuyển đổi mục đất sử dụng là 40,82 ha. Trong đó đất lúa 2 vụ là 11,68 ha; đất rừng phòng hộ là 7,62 ha; đất rừng sản xuất là 14,54 ha và đất khác là 6,98 ha.

Diện tích hành lang tuyến cần 291,84 ha; trong đó đất lúa 2 vụ là 115,28 ha; đất rừng phòng hộ là 38,73 ha; đất rừng sản xuất là 59,8 ha và đất khác là 78,84 ha.

Diện tích đất ảnh hưởng do thi công làm đường tạm cũng được tính là 114,6 ha gồm đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất và đất ngoài lâm nghiệp.

Công trình cũng được liệt vào công trình năng lượng cấp đặc biệt nhóm A với thời gian hoạt động là 40 năm.

Thời gian thực hiện dự án được dự kiến từ năm 2023 đến năm 2025, phấn đấu đóng điện vào tháng 6/2024.

Tổng mức đầu tư sơ bộ là hơn 4.116 tỷ đồng.

Cũng giống như Dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, dự án Đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hoá có nhu cầu đề nghị 2 tỉnh giao/cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không qua đấu giá, nên thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Đầu tư.

Để triển khai dự án này, EVNNPT đã trình thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành tổ chức thẩm định với các ý kiến đóng góp của các bên liên quan.

Tại dự án này, tỉnh Thanh Hoá là nơi ảnh hưởng chính với 11,68 ha đất lúa vĩnh viễn và 115,28 ha hành lang tuyến.

Dự án cũng cần chuyển đổi mục đích sử dụng với 2,905 ha đất rừng rừng nhiên và 9,695 ha đất rừng trồng.

Dự án được tính toán có thời gian hoàn vốn là 7 năm.

Căn cứ theo báo cáo tài chính quý II/2023, khả năng đầu tư dài hạn còn lại của EVNNPT là 3.659 tỷ đồng, lớn hơn số vốn chủ sở hữu cam kết tham gia đầu tư dự án là 30% tổng mức đầu tư, tương đương 1.234,808 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện tại EVNNPT cũng đang thực hiện 19 dự án đầu tư, trong đó có Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Phố Nối, có tổng mức đầu tư sơ bộ là hơn 38.000 tỷ đồng và cần phải có 15% vốn đối ứng, tương đương là 5.700 tỷ đồng.

Như vậy, với khả năng đầu tư dài hạn còn lại của EVNNPT như báo cáo tài chính quý II/2023 là 3.659 tỷ đồng thì chưa đáp ứng điều kiện cho 19 dự án đang trình chủ trương đầu tư.

Dẫu vậy theo giải trình của EVNNPT, 4 dự án thành phần của Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch – Phố Nối có tổng mức đầu tư sơ bộ là 22.853 tỷ đồng và 15% phải đáp ứng theo quy định tương đương 3.427 tỷ đồng. Nghĩa là khả năng đầu tư dài hạn còn lại của EVNNPT tại báo cáo tài chính quý II/2023 đủ đáp ứng điều kiện cho 4 dự án thành phần trong đường dây mạch 3.

EVNNPT hiện cũng được ngân hàng thương mại Taipei Fubon - chi nhánh Hà Nội cam kết cho vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, tương đương khoảng 2.850 tỷ đồng và trong giai đoạn tiếp theo EVNNPT sẽ làm việc chuẩn xác với các tổ chức tín dụng để bảo đảm đủ nguồn vốn tín dụng, đáp ứng nhu cầu và tiến độ dự án đúng như cam kết.

Cũng theo tính toán của EVNNPT, suất vốn đầu tư trung bình 1 km trong dự án này là 30,94 tỷ đồng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của hệ thống truyền tải 500 kV từ miền Trung ra Bắc, cụ thể là đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đồng thời với quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện thủ tục thẩm định và có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật về Lâm nghiệp).

Đồng thời giao UBND các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các thủ tục bảo đảm đủ điều kiện giải phóng mặt bằng Dự án đáp ứng tiến độ triển khai các hạng mục dự án, đảm bảo hiệu quả việc sử dụng đất sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng, tránh lãng phí tài nguyên.

Các địa phương này cũng được đề nghị kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án của EVNNPT bảo đảm đúng tiến độ và đúng quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các Bộ ngành liên quan bao gồm kiểm tra việc ký quỹ, huy động vốn của EVNNPT theo tiến độ thực hiện của Dự án.

Đối với EVNNPT, trong báo cáo thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị đơn vị này phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện đầu tư dự án dự bảo đảm triển khai thực hiện, quản lý dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và pháp luật có liên quan.

Trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, EVNNPT có trách nhiệm trình cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt phương án huy động vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật số 69/2014/QH13.

Chịu trách nhiệm bố trí đủ vốn chủ sở hữu và vốn vay để bảo đảm thực hiện Dự án đúng tiến độ. Đồng thời chỉ được thực hiện các dự án khác trong kế hoạch khi đủ nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định. Trường hợp không cân đối được nguồn vốn phải ưu tiên thực hiện dự án này và các dự án đường dây mạch 3 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực.

Kiến nghị Thủ tướng duyệt Dự án Khu công nghiệp VSIP Thái Bình trị giá 212 triệu USD

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Thái Bình có quy mô sử dụng đất 333,4 ha, được triển khai tại xã An Tân, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Phối cảnh một khu công nghiệp lớn đang triển khai tại Thái Bình

Phối cảnh một khu công nghiệp lớn đang triển khai tại Thái Bình

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Báo cáo số 6703/BC – BKHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Thái Bình.

Đây là Dự án do Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore là nhà đầu tư; tổ chức kinh tế thực hiện dự án dự kiến là Công ty TNHH VSIP Thái Bình.

Tại Báo cáo số 6703, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về một số nội dung thẩm định, trong đó có nội dung thẩm định về sự phù hợp của Dự án với quy hoạch sử dụng đất.

Trên cơ sở các nội dung thẩm định được Thủ tướng chấp thuận, căn cứ hồ sơ dự án, ý kiến thẩm định của 8 bộ, UBND tỉnh Thái Bình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá hồ sơ Dự án đủ điều kiện trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật Đầu tư, khoản 5 Điều 32 Nghị định số 31/2021/NĐ- CP, Điều 9 và khoản 1 Điều 10 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Đầu tư, khoản 7 Điều 32 Nghị định số 31/2021/NĐ- CP.

Cụ thể, tên Dự án là Khu công nghiệp VSIP Thái Bình với mục tiêu đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp. Địa điểm thực hiện Dự án tại 2 xã An Tân, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Dự án có quy mô sử dụng đất của là 333,4 ha, không bao gồm phần diện tích đê cửa sông Hữu Hóa, đê biển 8 (7,86 ha) và tuyến kênh hoàn trả (3,41 ha).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn Nhà đầu tư phân kỳ đầu tư Dự án đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng phân bổ cho tỉnh Thái Bình tại Quyết định số 326/QĐ-TTg và các quyết định điều chỉnh (nếu có), phù hợp với quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng phê duyệt và quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt, trong đó lưu ý việc khai thác, sử dụng hành lang đê tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều và ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tổng vốn đầu tư dự kiến của Dự án là 4.932,364 tỷ đồng (tương đương 211,872 triệu USD), trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 739,855 tỷ đồng (tương đương 31,781 triệu USD).

Dự án có tiến độ thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được Nhà nước bàn giao đất, cho thuê đất.

Đối với nội dung này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình hướng dẫn nhà đầu tư quy định cụ thể tiến độ thực hiện Dự án, trong đó lưu ý tiến độ góp vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư đề thực hiện Dự án phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Nhà đầu tư thực hiện Dự án là Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore.

Nhà đầu tư được yêu cầu đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu theo đúng cam kết để thực hiện Dự án và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai; đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP khi thực hiện hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp.

Nhà đầu tư chỉ được thực hiện Dự án sau khi tỉnh Thái Bình được cấp có thẩm quyền bổ sung chỉ tiêu đất Khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 theo quy định của pháp luật; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có trách nhiệm nộp một khoản tiền đề bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 134 Luật Đất đai và các nghị định liên quan.

Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có liên quan; thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp VSIP Thái Bình theo định hướng phát triển công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng quy định tại Nghị quyết số 81/2023/QH15; tiến hành ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện Dự án.

UBND tỉnh Thái Bình có trách nhiệm bảo đảm tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; sự phù hợp của Dự án với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, trong đó lưu ý ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo thẩm định. Thực hiện việc đổi tên Khu công nghiệp thành Khu công nghiệp VSIP Thái Bình theo đề xuất của nhà đầu tư.

UBND tỉnh Thái Bình phải chỉ đạo các cơ quan có liên quan hướng dẫn Nhà đầu tư lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT; chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về trồng trọt, pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các văn bản có liên quan; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan, trong đó lưu ý ý kiến của Bộ tại báo cáo thẩm định.

Cũng tại Báo cáo số 6703/BC – BKHĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao cho UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình và các cơ quan có liên quan rà soát, đảm bảo khu vực thực hiện Dự án phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; rà soát, đảm bảo việc xử lý đối với công trình thủy lợi, công trình giao thông trong phạm vi thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật, trong đó lưu ý có phương án xử lý trước khi cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện Dự án.

Đặc biệt, việc xử lý tuyến đường nối đường tỉnh ĐT.461 lên đê phải đảm bảo không ảnh hưởng kết nối giao thông lên đê và công tác hộ đê thông qua tuyến đường này. Trường hợp có phát sinh vướng mắc, phải kịp thời báo cáo cập có thẩm quyền đề được xem xét, giải quyết.

Ban Quản lý khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt, đảm bảo vị trí, quy mô diện tích của Dự án phù hợp với chủ trương đầu tư Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cơ cấu sử dụng đất của Dự án và khoảng cách an toàn về môi trường tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng và quy định khác có liên quan; lưu ý ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại báo cáo thẩm định.

Đơn vị này cũng sẽ phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cam kết của Nhà đầu tư về việc đảm bảo điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ- CP ngày 28/5/2022; kiểm tra, xác định Nhà đầu tư đáp ứng điều kiện cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất; giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện Dự án, việc Nhà đầu tư góp đủ vốn theo cam kết và đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP khi thực hiện hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

“Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp chỉ tiêu sử dụng đất Khu công nghiệp của Dự án vào phương án bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025 cho tỉnh Thái Bình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Báo cáo số 6703/BC – BKHĐT nêu rõ.

Cần đến 42.380 tỷ đồng vốn đầu tư hệ thống cảng cạn đến năm 2030

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 979/QĐ-TTg ngày 22/8/2023 phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là từng bước hình thành và phát triển hệ thống cảng cạn trên phạm vi cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của các cảng biển; tổ chức vận tải container một cách hợp lý nhằm giảm chi phí vận chuyển và thời gian lưu hàng tại cảng biển, đảm bảo an toàn hàng hóa.

Bên cạnh đó, góp phần giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường, đặc biệt ở các đô thị lớn và khu vực có cảng biển lớn. Phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics.

Đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải

Đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng từ 11,9 triệu TEU/năm đến 17,1 triệu TEU/năm.

Trong đó, khu vực phía Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 4,29 triệu TEU/năm đến 6,2 triệu Teu/năm; khu vực miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 0,9 triệu TEU/năm đến 1,4 triệu TEU/năm; khu vực phía Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 6,8 triệu TEU/năm đến 9,5 triệu Teu/năm.

Định hướng đến năm 2050 phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30% - 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải, đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics tại các địa phương.

Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng cạn đến năm 2030 khoảng từ 27,4 đến 42,38 nghìn tỷ đồng.

Ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng biển Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng biển TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Quy hoạch cũng đưa ra một số giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về huy động vốn đầu tư; giải pháp về hợp tác quốc tế, khoa học - công nghệ và môi trường; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về tổ chức thực hiện quy hoạch.

Rà soát nội dung đánh giá hồ sơ dự thầu Gói thầu 5.10 Sân bay Long Thành

Theo kế hoạch, hôm 23/8, tổ công tác liên ngành sẽ bắt đầu rà soát một số nội dung đánh giá hồ sơ dự thầu liên quan đến kiến nghị của nhà thầu về Gói thầu 5.10 – xây dựng nhà ga hành khách Sân bay Long Thành.

Cụ thể, đại diện 4 bộ gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công an, Tư pháp và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ bắt đầu tiến hành rà soát một số nội dung đánh giá hồ sơ dự thầu liên quan đến kiến nghị của nhà thầu về Gói thầu 5.10 tại trụ sở của bên mời thầu (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam).

Trong ngày 22/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi các đơn vị nêu trên đề nghị cử đại diện tham gia rà soát một số nội dung đánh giá hồ sơ dự thầu liên quan đến kiến nghị của nhà thầu Gói thầu 5.10 của Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 6374/VPCP – CN gửi Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, GTVT; Chủ tịch ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng giám đốc ACV để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc xử lý đơn khiếu nại của Liên danh Hoa Lư liên quan đến kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật Gói thầu 5.10.

Phối cảnh Nhà ga hành khách sân bay Long Thành.

Phối cảnh Nhà ga hành khách sân bay Long Thành.

Phó Thủ tướng yêu cầu ACV,với vai trò chủ đầu tư, người có thẩm quyền của Gói thầu 5.10 giải quyết theo đúng thẩm quyền, trình tự quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về khiếu nại, tố cáo đối với đơn kiến nghị/khiếu nại nêu trên của Liên danh Hoa Lư; việc giải quyết kiến nghị/khiếu nại phải bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, không để chậm tiến độ thực hiện Gói thầu 5.10 và Dự án thành phần 3.

Quá trình thực hiện tham khảo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để được hướng dẫn giải quyết; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 22/8/2023.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng quản lý nhà nước về đấu thầu giám sát, hướng dẫn ACV trong việc tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu Gói thầu 5.10 và giải quyết Đơn kiến nghị của nhà thầu tham dự thầu.

Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ phải chỉ đạo, hướng dẫn ACV thực hiện tốt việc đánh giá hồ sơ dự thầu Gói thầu 5.10 cũng như các gói thầu khác thuộc Dự án thành phần 3 do ACV làm chủ đầu tư bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả và không để chậm tiến độ.

Công ty Quốc tế Nam Tài đẩy nhanh tiến độ dự án tại KCN Liên Hà Thái

Là một trong các nhà đầu tư thứ cấp sớm nhất tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Khu Kinh tế Thái Bình), Công ty TNHH Quốc tế Nam Tài đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án trước 30/4/2024.

Công ty TNHH Quốc tế Nam Tài đầu tư Dự án tại Khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái với quy mô 42 ha, tổng đầu tư 80 triệu USD, xây dựng trung tâm thiết kế thời trang của New World Fashion lớn nhất miền Bắc.

Sau khi ký kết hợp đồng thuê đất và cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái đầu tháng 1/2022, Công ty đã khẩn trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dự án. Đến nay, đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 - London Business Park, giai đoạn 2 đã hoàn thành 80% khối lượng, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2023, giai đoạn 3 dự kiến hoàn thành trước 30/4/2024.

Nơi đây dự kiến sẽ quy tụ những nhà thiết kế thời trang lớn để tạo ra các sản phẩm cho thị trường châu Âu và các nước trên thế giới và xây dựng, kinh doanh nhà xưởng, văn phòng cho thuê với những nhà đầu tư có công nghệ hiện đại về đầu tư tại Liên Hà Thái.

Tại buổi kiểm tra, tiến độ xây dựng hạ tầng của dự án, ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đánh giá Công ty TNHH Quốc tế Nam Tài là nhà đầu tư có tiềm năng, nhiều kinh nghiệm trong đầu tư hạ tầng. Việc hoàn thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của dự án là điều kiện để Nam Tài tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá để thu hút và chọn lọc những nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đề nghị thời gian tới, Nam Tài tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hạ tầng nhà xưởng, bổ sung các phân khu cao tầng, hoàn thiện hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy sự phát triển của KCN Liên Hà Thái và Khu kinh tế Thái Bình.

Thừa Thiên Huế tìm nhà đầu tư cho dự án Tổ hợp giáo dục hơn 433 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế vừa thông tin về việc kêu gọi nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án Tổ hợp giáo dục tại Khu E - Đô thị mới An Vân Dương.

Dự án Tổ hợp giáo dục có công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu học tập cho khoảng trên 3.300 học sinh từ cấp tiểu học đến THPT và khoảng 1.500 học viên/sinh viên các cấp theo học đào tạo nghề.

Dự án thuộc địa bàn xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy và TP. Huế, với diện tích 86.845 m2. Kinh phí thực hiện dự án hơn 433 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động trong vòng 50 năm, nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án nộp hồ sơ đăng ký đến 28/8/2023.

Khu đô thị mới An Vân Dương được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt vào năm 2005, với quy mô 1.700 ha nằm trên địa giới hành chính của TP. Huế, huyện Phú Vang và thị xã Hương Thủy.

Khu đô thị này được phân thành 4 khu đô thị mới, với các chức năng chủ yếu như: Khu A - Khu đô thị mới Thủy An, kết hợp với việc xây dựng phát triển Trung tâm thương mại thành phố. Khu B - Khu đô thị mới Thủy Vân, kết hợp với việc xây dựng phát triển Trung tâm hành chính khu đô thị mới An Vân Dương. Khu C - Khu đô thị mới Phú Thượng, kết hợp với việc xây dựng Trung tâm thể dục thể thao, khu vui chơi giải trí cấp thành phố. Khu D - Khu đô thị mới Phú Dương, kết hợp với việc phát triển dịch vụ du lịch.

Ngày 30/5/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu E - Đô thị mới An Vân Dương, với tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch 494ha.

Chốt nhà thầu thi công đoạn cao tốc Hoà Liên - Tuý Loan

Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu XL1 thi công xây dựng đoạn cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan đoạn từ Km66+000 - Km77+472 (thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam).

Theo đó, đơn vị trúng thầu là liên danh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty TNHH MTV 17. Trong đó, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn là thành viên đứng đầu Liên danh.

Giá trúng thầu là 953,304 tỷ đồng, giảm 0,426 tỷ đồng (0,4%) sau đấu thầu, thời gian thực hiện hợp đồng là 810 ngày kể từ ngày ký hợp đồng thầu xây lắp.

Dự án đoạn cao tốc Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam, đi qua địa bàn TP.Đà Nẵng có tổng chiều dài 11,5km. Điểm đầu đoạn cao tốc tại Km 66+000, tiếp giáp nút giao tại địa phận xã Hòa Liên trùng với điểm cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Hòa Liên vừa được đầu tư xây dựng thuộc địa phận xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Điểm cuối tại Km77+472, vị trí tiếp giáp nút giao thôn Túy Loan trùng với điểm đầu của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thuộc địa phận xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Ở giai đoạn 1, dự án có quy mô 4 làn xe và nền đường rộng 22m, giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 6 làn xe và nền đường rộng 29m. Ở giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29m. Quy mô đường cao tốc với vận tốc thiết kế 80 km/h

Tổng mức đầu dự án là 2.112 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 951 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 902 tỷ đồng, chi phí dự phòng hơn 177 tỷ đồng.

Trước đó, Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan dài hơn 77km đã chính thức đưa vào khai thác từ ngày 16/4/2022. Tuy nhiên, còn đoạn tuyến từ xã Hòa Liên đến thôn Túy Loan dài 11,5 Km chưa thể thi công xây dựng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Đoạn cao tốc Hòa Liên - Túy Loan hoàn thành sẽ kết nối đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào cao tốc Túy Loan - La Sơn - Cam Lộ, thông toàn tuyến cao tốc dài gần 300 km từ tỉnh Quảng Trị đến Huế - Đà Nẵng - Quảng Ngãi, góp phần giảm tải đáng kể lưu lượng giao thông cho Quốc lộ 1A đi qua địa bàn miền Trung.

Đến năm 2050, Cụm cảng cạn Chân Mây, Thừa Thiên Huế có diện tích quy hoạch 150 ha

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 22/8/2023 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, cụm cảng cạn Chân Mây, bao gồm cảng cạn Chân Mây, cảng cạn Phú Lộc (huyện Phú Lộc), có diện tích quy hoạch 1- 20ha, giai đoạn đến 2050 là 150ha. Năng lực thông qua của cụm cảng cạn từ 150.000 Teu/năm đến 200.000 Teu/năm trong giai đoạn đến 2030.

Quyết định nêu rõ: Huế được quy hoạch vào nhóm Khu vực kinh tế Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam (thuộc Khu vực miền Trung - Tây Nguyên). Cụ thể, phạm vi quy hoạch gồm các tỉnh và thành phố: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Năng lực thông qua cảng cạn trên hành lang đến năm 2030 khoảng từ 210 nghìn Teu/năm đến 350 nghìn Teu/năm. Tổng diện tích quy hoạch cảng cạn đến 2030 khoảng từ 21ha đến 35ha. Cụm cảng cạn Chân Mây được kết nối với cảng biển Đà Nẵng, Hòn La, cảng cạn Mỹ Thủy, cảng cạn Lao Bảo (hành lang vận tải Quốc lộ 9).

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn có mục tiêu cụ thể đến năm 2030 phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng từ 11,9 triệu Teu/năm đến 17,1 triệu TEU/năm.

Khu vực phía Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 4,29 triệu Teu/năm đến 6,2 triệu Teu/năm. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 0,9 triệu Teu/năm đến 1,4 triệu Teu/năm. Khu vực phía Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 6,8 triệu Teu/năm đến 9,5 triệu Teu/năm.

Định hướng đến năm 2050 phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30-35%, nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải, đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics tại các địa phương.

Cũng về nội dung này, trong cuộc họp gần đây với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bí thư tỉnh uỷ Lê Trường Lưu đề xuất bổ sung quy hoạch cảng Chân Mây đến năm 2030 với quy mô diện tích 10-20 ha, năng lực 100.000-200.000 TEU/năm.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị Bộ GTVT về việc kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cảng biển Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023-2030.

Hiện nay, tại khu bến Chân Mây đã triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng 3 cầu cảng với tổng chiều dài cầu cảng là 1.041 m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng có trọng tải đến 70.000 DWT (giảm tải) và tàu khách du lịch quốc tế cỡ lớn đến 225.000 GT, đang triển khai đầu tư xây dựng bến số 4, bến số 5 với tổng chiều dài 540 m. Đến năm 2025, xây dựng hoàn thành (bến số 4, 5, 6) và đưa vào khai thác 6 bến tổng hợp, chiều dài 1.931 m.

Với việc mở rộng và phát triển theo quy hoạch, cảng cạn Chân Mây được coi là mắt xích quan trọng trong vận tải đa phương thức, góp phần giảm ùn tắc tại cảng biển và giao thông đô thị, giảm chi phí vận chuyển và thời gian lưu hàng tại cảng biển.

9 chuyên gia được mời tư vấn cho Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư, công trình giao thông vừa xác nhận với Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn về việc ông vừa được Bộ GTVT Tổ Tư vấn giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các Dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

“Tôi rất sẵn sàng tham gia Tổ Tư vấn với tư cách là chuyên gia xây dựng với cho quá trình chuẩn bị triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt quan trọng khác”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Chủng cho biết.

Trước đó, Bộ GTVT đã gửi thư mời tới 9 chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, kinh tế, tài chính, khai thác vận tải đường sắt, đầu máy toa xe để tham gia Tổ Tư vấn.

Ngoài Giáo sư, Tiến sỹ Trần Chủng, 8 chuyên gia, nhà khoa học khác được Bộ GTVT mời tham gia Tổ Tư vấn gồm: Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT (chuyên gia giao thông); Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT (chuyên gia giao thông); Tiến sỹ Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (chuyên gia kinh tế); Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (chuyên gia kinh tế); Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia (chuyên gia tài chính);

Danh sách còn có Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Phong - Nguyên Chủ tịch Hội kinh tế & vận tải đường sắt Việt Nam (chuyên gia vận tải và kinh tế đường sắt); Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Đức Tuấn - Giảng viên cao cấp, Trường Đại học GTVT (chuyên gia phương tiện giao thông đường sắt); Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Ký - Giảng viên cao cấp, Trường Đại học GTVT (chuyên gia công trình đường sắt); Tiến sỹ Vương Đình Khánh - nguyên Phó Tổng giám đốc Liên hiệp đường sắt Việt Nam (chuyên gia khai thác vận tải đường sắt); Thạc sỹ Nguyễn Đạt Tường - nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam (chuyên gia đầu máy, toa xe); Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại - Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (chuyên gia kinh tế).

Bộ GTVT cho biết, Dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các tuyến đường sắt quốc gia có quy mô rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn.

Đây cũng là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nên cần được nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ, toàn diện để lựa chọn phương án đầu tư, công nghệ, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, phát huy được các tiềm năng, lợi thế của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Để thực hiện thành công đầu tư các dự án đường sắt quan trọng quốc gia nói riêng, phát triển lĩnh vực đường sắt nói chung, Bộ GTVT đang trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia; thành lập Tổ Tư vấn giúp việc bao gồm đại diện các cán bộ, cơ quan ngang bộ, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các chuyên ngành liên quan để giúp việc cho Ban Chỉ đạo.

Tổ Tư vấn sẽ để giúp Ban Chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, xem xét quyết định những nội dung liên quan của dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư mới

Sẽ có một dòng chảy đầu tư vào khu công nghiệp để phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp.

Đây là chia sẻ của ông Tom Over, Giám đốc Hậu cần và Khu công nghiệp, Công ty JLL khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Diễn đàn bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2023.

Theo ông Tom Over, xét tính bền bỉ của chuỗi cung ứng và những gì đang diễn ra tại Đông Nam Á thì Việt Nam liên tục đứng thứ nhất và thứ hai về các chỉ số đầu tư. Riêng về tính bền bỉ của chuỗi cung ứng, Trung Quốc từng có chi phí thấp, nhưng vì những diễn biến trên toàn cầu, rủi ro đang tăng lên. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ có tính toán chuyển sang các nước khác có ít rủi ro hơn.

"Xu hướng này rất thú vị, không chỉ Việt Nam là quốc gia đang hưởng lợi. Nhà đầu tư châu Âu cũng đang có xu hướng chọn đầu tư tại chỗ", ông Tom Over chia sẻ nhận định.

Nói về đa dạng hoá chuỗi cung ứng, theo ông Tom Over, Việt Nam đang là điểm đến được hưởng lợi trong xu thế này. Vì Đông Nam Á là khu vực đầu tiên được các nhà đầu tư quan tâm khi tìm kiếm địa điểm cho sự chuyển dịch. Có thể dễ dàng nhận thấy là tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài rót vào Đông Nam Á ngày càng tăng qua các năm.

Tại Việt Nam, có khoảng 7.000 Dự án FDI được đầu tư, trong đó Samsung là nhà đầu tư lớn nhất. Điều này phản ánh xu hướng Việt Nam đang muốn dọn tổ để đón các nhà đầu tư đại bàng. “20% dự án lớn đã chiếm 80% tổng giá trị đầu tư nước ngoài vào Việt nam, tỷ lệ này chứng minh tầm quan trọng của các nhà đầu tư "ong chúa". Vì vậy, cần chuẩn bị sẵn sàng để chào đón họ”, ông Tom Over nói.

Theo các nhà tư vấn, đang có 3 sản phẩm được nhà đầu tư quan tâm là đất, nhà máy và kho bãi xây sẵn. Ở Việt Nam, xu hướng khu công nghiệp được xây dựng từ các nhà phát triển trong nước. Sắp tới đây, sẽ có thêm làn sóng đầu tư và phát triển hạ tầng khu công nghiệp.

Câu hỏi đặt ra lúc này là: “Xu hướng trong tương lai sẽ như thế nào, dòng vốn đi vào đâu?”

Một vài tỉnh thành của Việt Nam đang nổi lên vì giá đất chưa quá cao. Dù JLL chưa có danh sách cụ thể, nhưng các tỉnh thuộc Bắc trung bộ và các tỉnh phía Bắc rất tiềm năng.

Khoảng 5 - 7 năm trước, khi khách hàng thuê JLL nghiên cứu, họ chỉ định rõ là nghiên cứu TP.HCM và Hà Nội, còn bây giờ thì đối tượng nghiên cứu đã mở rộng tới các thành phố khác của Việt Nam.

Tóm lại, cần có sự linh hoạt để trào đón nhà đầu tư, cần có sẵn một số sản phẩm như nhà xưởng và kho bãi xây sẵn. Sẽ có một dòng chảy đầu tư vào khu công nghiệp để phát hển hạ tầng phù hợp với nhu cầu sản xuất.

Hơn nữa, việc đầu tư trong thời gian tới cũng sẽ được lan rộng ra các tỉnh, thành phố, chứ không chỉ ở các thành phố lớn nữa. Vì yếu tố liên quan đến giá đất cũng như sự sẵn có của nguồn lao động.

Một yếu tố rất quan trọng mà nhà đầu tư quan tâm là sự bền vững. Họ sẽ chọn những nơi nào có sẵn sản phẩm hạ tầng và chính sách phục vụ cho sự phát triển bền vững của họ.

Chia sẻ thêm tại phần thảo luận, bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn, JLL Việt Nam cũng cho hay, các xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp trong tương lai thường sẽ bắt đầu từ những gì đang đang có. Có thể kể đến như hiện đại hoá, nâng cao chất lượng xây dựng các khu công nghiệp, dễ thấy nhất là các nhà kho xây sẵn.

Theo bà Trang Lê, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam rất năng động và tiềm năng. Không ở đâu có nhiều sự tham gia của các nhà đầu tư lớn như ở Việt Nam. Hiện có hơn 15 nhà đầu tư tham gia phát triển đầu tư bất động sản công nghiệp, còn ở các nước khác chỉ có khoảng 5-6 nhà đầu tư. Điều này cho thấy, tăng trưởng của bất động sản công nghiệp tại Việt Nam là rõ ràng.

“Nếu như 5 năm trước, các khu công nghiệp chủ yếu cạnh tranh với nhau nhờ vị trí thì hiện tại, các chủ khu công nghiệp đã tập trung cung cấp thêm các dịch vụ đi kèm để hỗ trợ các nhà sản xuất. Cách thức cạnh tranh này thúc đẩy các nhà đầu tư nâng cấp để thu hút đầu tư”, bà Trang nói.

Đại diện JLL dự báo, trong khoảng 3-5 năm tới, sẽ thấy rõ nét hơn các xu hướng này trong các dự án bất động sản công nghiệp. Yếu tố tự đồng hoá và sinh thái cũng có những diễn biến tích cực hơn.

Hoàn thành lựa chọn nhà thầu cho "siêu" Gói thầu số 5.10, Sân bay Long Thành

Ngày 24/8, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 5.10 – “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách” của Dự án thành phần 3 – Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và đăng tải Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia.

Cùng ngày, ACV cũng đã có văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu đến tất cả nhà thầu tham dự. Theo nội dung thông báo, nhà thầu trúng thầu là Liên danh VIETUR gồm: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas (thành viên đứng đầu Liên danh); Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Newtecons; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng SOL E&C; Công ty cổ phần Kết cấu ATAD; Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP; Công ty cổ phần HAWEE cơ điện; Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP với giá trúng thầu 27.813.939.171.360 VND và 338.849.804 USD.

Thời gian thực hiện hợp đồng là 1.170 ngày (tương đương 39 tháng) kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Trong thông báo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng đã mời nhà thầu Liên danh VIETUR liên hệ với chủ đầu tư (ACV) để hoàn thiện, ký kết hợp đồng từ ngày 25/8 đến ngày 30/8/2023.

Các nhà thầu không trúng gói 5.10 gồm có liên danh nhà thầu CHEC-BCEG-Vietnam Contractors: gồm các nhà thầu China Harbour Engineering Comopany Limited và CHEC (đại diện thị trường hải ngoại của Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc) và liên danh Hoa Lư gồm các công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam như: Central, An Phong, Hòa Bình, Thành An, Unicons, Delta, Coteccons. Trong đó, Coteccons là đơn vị đứng đầu liên danh.

Gói thầu 5.10 là gói thầu có quy mô lớn nhất, tính chất kỹ thuật phức tạp nhất và thời gian thi công dài nhất trong các gói thầu của Dự án thành phần 3 – Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo kế hoạch, ACV dự kiến tổ chức khởi công đồng loạt 2 gói thầu xây lắp tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành, 1 gói thầu tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 31/8/2023.

Cụ thể, các gói thầu được chọn khởi công trong dịp này là Gói thầu 5.10 – Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách; Gói thầu 4.6 – Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Gói thầu số 12 – Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Lễ khởi công 3 gói thầu nêu trên sẽ được tổ chức theo hình thức kết nối trực tuyến từ điểm cầu tại TP.HCM (Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất) với điểm cầu chính tại tỉnh Đồng Nai (Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành).

Tin bài liên quan