Đầu tư vào thủy điện: Nội, ngoại cạnh tranh

Đầu tư vào thủy điện: Nội, ngoại cạnh tranh

(ĐTCK) 3 ông lớn có tên trong danh sách cạnh tranh để sở hữu trọn lô cổ phần chi phối tại 5 doanh nghiệp thủy điện của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã lộ diện, với số tiền phải bỏ ra tối thiểu là 1.414 tỷ đồng. Phía sau thị trường tưởng êm đềm này lại là rất nhiều câu chuyện nóng.

Theo thông báo, Hội đồng thẩm định năng lực nhà đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG – VRGX) đã họp và phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện mua trọn lô cổ phần của Tập đoàn và các đơn vị thành viên tại 5 công ty thủy điện. Theo đó, có 3 doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện gồm CTCP Điện Gia Lai (DIENGIALAI), CTCP Thủy điện Đắk R’Tíh (DAHC) và CTCP Cơ điện lạnh (REE). Doanh nghiệp trúng giá sẽ phải chi tối thiểu 1.414 tỷ đồng để sở hữu trọn lô cổ phần trên.

Trước đó, VRG đã có thông báo về việc chào bán thỏa thuận trọn lô cổ phần của VRG và các công ty thành viên tại 5 công ty thủy điện. Tổng lượng cổ phần chào bán khoảng 111 triệu cổ phần, với giá bán khởi điểm trọn lô là 1.414 tỷ đồng.

 Đây đều là những tên tuổi lớn trên thị trường, ngoài REE được biết đến với danh mục gần chục dự án trong ngành điện, DAHC là công ty thủy điện có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, là công ty con của Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1). Còn Điện Gia Lai là công ty chủ chốt trong mảng năng lượng của Tập đoàn Thành Thành Công.

Đang nắm trong tay đơn đặt hàng của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài về các dự án thủy điện tại Việt Nam, song giám đốc tư vấn một CTCK lớn cho biết, họ không đưa nhà đầu tư vào tham gia cuộc đua trên. Có nhiều lý do, nhưng trong đó có việc nhà đầu tư không được làm DD (nghiên cứu sâu) trước khi đưa ra quyết định tham gia đấu giá. Vì không có cơ sở để đánh giá mức độ hợp lý của thương vụ trên, nên không thể thuyết phục được họ tham gia. Vị chuyên gia này cho biết, vào năm tới, tại Singapore sẽ mở sàn chứng khoán để giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường, bởi thế, nhiều quỹ nước ngoài đang cạnh tranh tìm mua các dự án, hoặc doanh nghiệp thủy điện tại Việt Nam. Với một danh mục “đẹp”, các quỹ này có khả năng thu hút được nhiều vốn đầu tư.

Đầu tư vào thủy điện: Nội, ngoại cạnh tranh ảnh 1

Đó có thể là một trong những lý do mà ngày 1/9 vừa qua, quỹ đầu tư trực thuộc Ngân hàng United Overseas Bank - UOB Venture Management Pte Ltd (UOBVM) và Tập đoàn ORIX Nhật Bản (ORIX) quyết định sẽ đầu tư mỗi bên 25 triệu USD vào một trong những công ty tư nhân lớn nhất về thủy điện của Việt Nam là CTCP Năng lượng Bitexco (Bitexco Power). Bitexco Power sở hữu và vận hành 18 nhà máy thủy điện tại Việt Nam. UOB có trụ sở hoạt động chính tại Singapore. Theo ông SeahKian Wee, Giám đốc điều hành của UOBVM, thủy điện là một trong những nguồn sản xuất điện có hiệu quả chi phí nhất trong các nguồn sản xuất điện, tốc độ phát triển của Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn dắt nhu cầu cho năng lượng tái tạo.

Song, không phải cứ lĩnh vực thủy điện là dễ dàng thu hút nhà đầu tư. Giám đốc một quỹ nước ngoài nói rằng, nhà đầu tư hiện rất cẩn trọng. Sau khi ký cam kết bảo mật thông tin với doanh nghiệp, họ thực hiện DD rất kỹ. Trên thực tế, giá điện của Việt Nam không quá hấp dẫn và cho biên lợi nhuận lớn. Chưa kể, trong quá trình thực hiện đầu tư dự án, còn có tình trạng đội vốn đầu tư lên khá nhiều. Do vậy, suất đầu tư nhà máy điện tại Việt Nam không hề thấp, trường hợp bên thoái vốn còn muốn cộng thêm nhiều vào giá bán, sẽ khó thu hút nhà đầu tư.

Một điểm bất cập khác là các đợt thoái vốn hiện nay, dù bán tỷ lệ chi phối doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn phải dựa chủ yếu vào bản công bố thông tin và các tài liệu do bên bán công bố, mà không được trực tiếp khảo sát doanh nghiệp để đánh giá, nên các nhà đầu tư nước ngoài cũng e ngại tham gia. Họ cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có thể có lợi thế thông tin hơn họ trong cuộc đua này. 

Một ví dụ cho thấy thị trường khó có thể chấp nhận các lô cổ phần được định giá cao, đó là việc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã không thành công trong đợt chào bán gần 49,5 triệu cổ phần của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh (VSH) từ ngày 7-15/9/2016. Lô cổ phần tương đương 24% vốn của doanh nghiệp này được bán với giá khởi điểm 18.300 đồng/CP. Khối lượng đăng ký mua tối thiểu là 20.000 cổ phần và tối đa là trọn lô gần 49,5 triệu cổ phần. Hiện cổ phiếu VSH đang được giao dịch quanh mức giá 15.000 đồng/CP.

Một nguồn tin từ SCIC cho biết, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến đợt chào bán này, nhưng không tham gia bởi giá khởi điểm cao hơn mức có thể chấp nhận của họ, đồng thời VSH còn đang vướng vào một vụ kiện tụng với nhà thầu Trung Quốc tại dự án Thủy điện Thượng Kon Tum.

Tin bài liên quan