Đẩy nhanh dự án ODA, nhà tài trợ cũng cần xắn tay

Đẩy nhanh dự án ODA, nhà tài trợ cũng cần xắn tay

(ĐTCK) Những thủ tục phải thực hiện tuần tự theo chính sách của các nhà tài trợ cũng gây ra những chậm trễ không cần thiết.

Câu chuyện chậm trễ trong việc triển khai các dự án ODA đang là vấn đề gây bức xúc. Chuyến công tác thực địa của đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại một số địa phương triển khai dự án cho thấy, bên cạnh vấn đề giải phóng hạ tầng chậm trễ thì việc thiếu vốn đối ứng của địa phương cũng như một số thủ tục còn rườm rà đang là những yếu tố làm giảm hiệu quả viện trợ và đầu tư.

 

Đẩy nhanh dự án ODA, nhà tài trợ cũng cần xắn tay ảnh 1Ông Lâm Cường, đường Nguyễn Thái Học, khối phố 5, phường An Mỹ, TP. Tam Kỳ bên cạnh hồ điều hòa nước, một trong những dự án ODA từ nguồn vốn của ADB

 

Dự án hiệu quả cao…

Chỉ đoạn đê Bạch Đằng dài 3 km đã hoàn thiện trong Dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung, từ các khoản vốn ODA, anh Nguyễn Lư, người dân phường Tân Thành, TP. Tam Kỳ cho biết: “Đã có 49.000 m2 đất bị thu hồi với 144 hộ gia đình bị ảnh hưởng khi dự án này triển khai. Giai đoạn đầu khá khó khăn trong việc giải tỏa, nhưng về sau các hộ dân ủng hộ rất nhiệt tình chủ trương của Thành phố, bởi chúng tôi đã được lợi khi vệ sinh môi trường được cải thiện”.

Là người theo Dự án từ những ngày đầu, ông Hoàng Xuân Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, nguyên Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ cho biết, hệ thống cơ sở hạ tầng TP. Tam Kỳ trước khi có Dự án không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh chóng của các dịch vụ đô thị do thiếu đầu tư. Tại các phường của dự án, tỷ lệ hộ nghèo là 17,4%,  tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước máy chỉ là từ 38%... Bên cạnh đó, tình trạng ngập lụt hàng năm diễn ra tại hơn 50% số phường do hệ thống thoát nước quá tải và xuống cấp.

“Tác động tích cực của công trình đối với môi trường sống, với sức khỏe của người dân trong khu vực dự án, đến hoạt động kinh tế, kinh doanh, dịch vụ ở địa phương có dự án là điều có thể đo đếm được”, ông Việt nhấn mạnh.

 

…nhưng gặp khó từ thủ tục và vốn đối ứng

Trong khi đó, ông Hồ Huy Quỳnh, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam cho biết, dự án này được triển khai từ năm 2007, đến năm 2010 hoàn thành, nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu. Do vậy, Ban Quản lý Dự án đã đề xuất và đã được các nhà tài trợ đồng ý thực hiện giai đoạn 2 của Dự án với độ dài 9,5 km tại đê Bạch Đằng. Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, tỉnh Quảng Nam còn rất nghèo, nên gặp rất nhiều khó khăn với mức vốn đối ứng lớn, khiến cho thời gian thực hiện dự án bị chậm trễ. Bên cạnh đó, những thủ tục phải thực hiện tuần tự theo chính sách của các nhà tài trợ cũng gây ra những chậm trễ không cần thiết trong triển khai, làm giảm hiệu quả viện trợ và đầu tư.

Theo báo cáo đánh giá dự án ODA nói chung của các nhà tài trợ, nhìn chung các dự án đưa vào hoạt động đều mang lại lợi ích lớn, nhưng tiến độ triển khai rất chậm. Cụ thể, Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện dự án tại Việt Nam của ADB chỉ rõ, sẽ mất trung bình khoảng từ 12 - 18 tháng kể từ khi đoàn tìm hiểu thực tế dự án đến khi khoản vay có hiệu lực, thêm 2 năm cho việc khởi động dự án và hợp đồng đầu tiên được trao thầu; và khoảng 2 năm gia hạn khoản vay. Bên cạnh đó, những sửa đổi trong Nghị định 131/2006/ND-CP của Chính phủ cho phép các hoạt động tiền thực thi được áp dụng, nhưng nguồn vốn cần thiết cho các hoạt động này lại vẫn chưa có sẵn.

“Một khi đàm phán khoản vay kết thúc và các tài liệu được ký kết, trước khi khoản vay được tuyên bố có hiệu lực, hầu hết các ban quản lý dự án (PMUs) đều khá miễn cưỡng trong việc khởi động các hoạt động liên quan đến dự án, dù cho các hoạt động tiền thực thi đã được thông qua”, báo cáo của ADB nhấn mạnh.

Để hạn chế tình trạng này, một lãnh đạo ADB cho biết, chính sách và thủ tục đối với các khoản vay của Ngân hàng đã và sẽ tiếp tục có sự thay đổi. Các dự án sẽ có thể triển khai ngay giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đền bù, tuyển tư vấn… sau khi việc đàm phán về mặt nguyên tắc kết thúc. Điều này rất khác so với trước kia là phải đợi đến khi khoản vay có hiệu lực mới được triển khai. ADB cũng vừa phê duyệt một khoản vốn dành cho Quỹ Hỗ trợ chuẩn bị và khởi động dự án (PPSSF), nhằm hỗ trợ các đối tác Việt Nam khởi động, chuẩn bị và triển khai các dự án ODA nhanh hơn.

“Rút ngắn thời gian thực hiện dự án sẽ giúp Việt Nam tránh được những rủi ro do trượt giá, tỷ giá…, nhưng quan trọng là người dân sẽ được hưởng lợi từ các dự án này tốt hơn”, vị lãnh đạo của ADB nhấn mạnh.         

 

Trong giai đoạn 2006 - 2010, nguồn vốn ODA ký kết cho Việt Nam đạt 20,26 tỷ USD. Dự kiến, nguồn vốn ODA sẽ đạt 32 tỷ USD cho giai đoạn 2011 - 2015. Hiện số vốn ODA chưa giải ngân là hơn 6 tỷ USD và con số này dự kiến sẽ là 10 tỷ USD vào cuối năm 2015.