Thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, cùng lúc chấp nhận nâng giá VND sẽ tác động xấu đên TTCK.

Thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, cùng lúc chấp nhận nâng giá VND sẽ tác động xấu đên TTCK.

Để giảm lạm phát, cần hướng dòng chảy của vốn

(ĐTCK-online)Thời gian gần đây, chủ đề lạm phát đã trở thành mối quan tâm lớn của xã hội. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nâng dự trữ bắt buộc từ 5% lên 10% - một dạng chính sách thắt chặt tiền tệ, với mục tiêu ngầm hiểu là chống lạm phát.

Chưa hết, có ý kiến từ phía NHNN là phải tiếp tục giám sát cung tiền trên TTCK và tính tới giải pháp nới lỏng tỷ giá để đồng Việt Nam lên giá so với đồng USD. Tất cả những biện pháp này đều đứng về khía cạnh lạm phát do chính sách tiền tệ tác động mà ra, nên bây giờ phải kiểm soát cung tiền, làm cho đồng tiền lên giá để giảm lạm phát. Nhưng phải chăng đây là con đường duy nhất?

 

Nới lỏng tỷ giá, thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát có thực sự hiệu quả?

Nới lỏng tỷ giá để đảm bảo tính linh hoạt của chính sách tiền tệ, đảm bảo cho nền kinh tế mà giá cả tài sản không bị "bóp méo" quá nhiều bởi tỷ giá gần như cố định, và tiến tới tự do chuyển đổi VND là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, chấp nhận nới lỏng tỷ giá để đồng tiền lên giá nhằm mục tiêu chống lạm phát có vẻ mang tính "chữa cháy" nhất thời.

Nếu nhìn nhận thả lỏng tỷ giá, có nghĩa là chấp nhận VND dao động nhiều hơn, chấp nhận VND lên giá so với USD và do đó giảm gánh nặng mua vào USD của NHNN, đồng nghĩa với giảm lượng tiền phải cung ứng ra, để hy vọng giảm lạm phát thì e rằng, chúng ta đang tìm một lời giải ngắn hạn cho một bài toán, để rồi dẫn đến một bài toán khác phức tạp hơn.

Hãy xét cấu trúc lượng USD đổ vào nền kinh tế Việt Nam thời gian gần đây, có phải một phần lớn trong số đó là để đầu tư vào TTCK? Tiền đầu tư vào TTCK sẽ chảy vào các công ty Việt Nam , công ty sẽ dùng tiền để mở rộng sản xuất - kinh doanh, mong rằng đem lại lợi nhuận cao và giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng. Nhưng NHNN lại đang tiến hành thắt chặt tiền tệ, đồng thời chấp nhận nâng giá VND để chống lạm phát, điều này sẽ gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và sự tăng trưởng của TTCK. Nghiên cứu của Bordo và Wheelock (2007) về mối quan hệ giữa TTCK và chính sách tiền tệ của Mỹ trong thế kỷ 20 cho thấy, giai đoạn bùng nổ của thị trường thường sẽ kết thúc sau giai đoạn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Đó là chưa tính đến việc VND tăng giá so với USD, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam sẽ giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của các doanh nghiệp xuất khẩu - một nhân tố quan trọng của tăng trưởng kinh tế.

Như vậy, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, cùng lúc chấp nhận nâng giá VND sẽ tác động xấu đến TTCK, khiến dòng đầu tư có thể chảy ngược. Lúc đó, NHNN có thể sẽ phải đi giải bài toán dòng vốn đảo ngược.

Lý thuyết chính sách tiền tệ thắt chặt để đối đầu lạm phát ra đời từ khi thị trường vốn quốc tế chưa phát triển phức tạp như bây giờ, và dòng vốn chưa nguy hiểm đến mức gây ra khủng hoảng tài chính. Việc Mỹ hay các nước phát triển vẫn áp dụng mạnh mẽ chính sách này là vì thị trường tài chính của họ đủ độ sâu để có thể chịu đựng tình trạng thị trường tài chính sẽ suy giảm khi thực hiện biện pháp mạnh về tiền tệ. Việt Nam, với một cấu trúc vi mô của thị trường tài chính còn đang chớm bùng phát, dễ đổ vỡ trước các cú sốc, vận hành trong một nền kinh tế toàn cầu hóa mà di chuyển của dòng vốn có thể gây ra tác hại không kém lạm phát, liệu có nên theo sát bài bản của sách giáo khoa viết dành cho các nước phát triển là chống lạm phát chỉ bằng chính sách tiền tệ?

 

Cần khơi thông dòng vốn và cấu trúc thị trường tài chính

Ngay cả mô hình mô phỏng kinh tế vĩ mô mới của IMF là GEM (Global Economy Model) cũng đã chú ý đến việc đảm bảo mô phỏng các khác biệt trong tác động của chính sách tiền tệ của quốc gia phát triển và thị trường mới nổi đến nền kinh tế thì chúng ta không lý do gì chỉ theo đuổi những "bài thuốc" được đề cập chủ yếu phù hợp cho nền kinh tế phát triển hay nền kinh tế kinh điển trong thế kỷ 20.

Một hướng tiếp cận là chúng ta khơi thông dòng cung tiền mà theo nhiều người nó đang là nguyên nhân gây lạm phát cho nền kinh tế. Thật ra, khi cải cách tăng tiền lương, khi phải đảm bảo kinh tế tăng trưởng và cần duy trì tỷ giá ổn định, thì đương nhiên cung VND phải tăng lên, gây lạm phát (chưa kể các cú sốc từ giá cả do lạm phát thế giới tăng, dịch bệnh…). Vấn đề là rút nó về hay thắt chặt thì cũng có khó khăn nhất định. Vậy sao không thử nghĩ, làm sao cho nó chảy vào chỗ kích thích tăng trưởng, lợi cho nền kinh tế nhất, đánh đổi lạm phát do nó gây ra bằng một lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế?

Một gợi ý là khơi thông dòng VND này chảy vào các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm để đẩy những dự án đầu tư đầy tham vọng vào hoạt động, tạo ra những thương hiệu Việt mạnh, kích thích một nền kinh tế năng động. Mặt khác, mạnh dạn cổ phần hóa và niêm yết nhiều DN nhà nước lớn để vừa hấp thu nguồn cung tiền mới tạo ra vào thị trường vốn (mà cuối cùng sẽ quay lại vào sản xuất, kinh doanh), đồng thời đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các DN này. Ngoài ra, cần chuyển kênh tích trữ tiền của người dân từ ngân hàng sang những hoạt động đầu tư có tỷ suất sinh lợi cao hơn (đương nhiên chấp nhận rủi ro lớn hơn), như vậy sẽ góp phần giải được bài toán "lạm phát cao mà lãi suất ngân hàng thấp" (ở nhiều nước, người dân có một cơ cấu kế hoạch tài chính cá nhân mà trong đó cổ phiếu, trái phiếu hay chứng chỉ quỹ đầu tư cũng được xem là một dạng "tiết kiệm" lãi suất cao của họ). Hơn nữa, cần tính đến việc khơi thông kênh đầu tư ra nước ngoài để nguồn cung tiền dư thừa có thể được các tổ chức tài chính tập trung lại để đổ vào những lĩnh vực kinh doanh tiềm năng của các nước bạn.

Thực hiện được những giải pháp trên có thể vừa tăng cung có chất lượng, vừa tăng cầu cho thị trường vốn, lại tài trợ được cho khát vọng "vươn ra biển lớn" của nhiều doanh nghiệp, đồng thời giữ được nhà đầu tư nước ngoài ở lại mà cung tiền tăng cũng đổ vào nơi sinh lợi hợp lý, không tạo ra sức ép tiêu dùng tăng làm lạm phát nhảy vọt. Như vậy, nền kinh tế có thể có bước đi mới, mạnh hơn, mà không cần dùng đến "thuốc liều mạnh" là hy sinh tăng trưởng để chống lạm phát.

Nhìn rộng ra tình hình thế giới, lạm phát không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước (gần ta nhất là Trung Quốc) đều đang tăng lên, là một hiệu ứng của chu kỳ tăng trưởng khá lâu dài của nền kinh tế toàn cầu. Các nước lớn, các nước đã phát triển vội thắt chặt tiền tệ để tránh lạm phát vì họ không sợ vốn thất thoát gây ảnh hưởng quá xấu. Còn Việt Nam thì khác, phải tìm con đường riêng của mình, dám sáng tạo vượt lên xu thế chung.